Thứ sáu 22/11/2024 19:27

Từ 2025, Lịch sử sẽ là môn thi bắt buộc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong buổi làm việc với trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) về triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết phương án thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025 dự kiến, học sinh sẽ thi 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại Ngữ, Lịch sử.
Từ 2025, Lịch sử sẽ là môn thi bắt buộc

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, hiện Bộ vẫn chưa chốt số môn thi, bài thi nhưng bốn môn Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn và Lịch sử là những môn đã học bắt buộc thì chắc chắn sẽ thi bắt buộc

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 2024 về cơ bản vẫn ổn định theo chương trình học cũ. Đến năm 2025, khi học sinh học theo chương trình mới thi tốt nghiệp thì đề thi sẽ thay đổi. Về số môn thi từ năm 2025, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ xin ý kiến. Trong chương trình GDPT mới, học sinh học 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Tuy nhiên các môn học có thể kiểm tra tập trung vào Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử. Như vậy, 4 môn bắt buộc chắc chắn đã học sẽ thi. Ngoài ra một số môn lựa chọn cũng sẽ có môn thi phù hợp nhằm đảm bảo để các cơ sở đại học lấy căn cứ xét tuyển.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ GD&ĐT đây mới chỉ là phương án dự kiến, đang được nghiên cứu và xin ý kiến các chuyên gia, chưa được thống nhất và phê duyệt.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, lộ trình đổi mới sẽ thực hiện theo từng giai đoạn tương ứng với mức độ tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới của từng nhóm đối tượng học sinh. Cụ thể, sẽ chia làm ba giai đoạn: từ năm 2025 đến 2026 là những học sinh học chương trình mới ba năm bậc trung học phổ thông; từ năm 2027 đến 2031 là những học sinh học chương trình mới từ lớp 6 và giai đoạn từ năm 2032 với đối tượng là những học sinh học chương trình mới từ lớp 1.

Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá sẽ thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng với yêu cầu đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá, thi tốt nghiệp trên cơ sở giảm áp lực, giảm chi phí tốn kém nhưng vẫn phải đảm bảo trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh, làm cơ sở xét tốt nghiệp cũng như để các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả để xét tuyển.

Được biết, Chương trình giáo dục phổ thông mới (ban hành năm 2018) được chia làm hai giai đoạn, gồm giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12). Ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp, chương trình yêu cầu học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Lịch sử là môn lựa chọn, học sinh được tùy chọn học hay không theo sở thích và định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, khi triển khai với lớp 10 từ năm học 2022-2023, chương trình vấp phải tranh cãi về môn Lịch sử. Cuối tháng 6/2022, Quốc hội yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu ý kiến cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội trong việc thiết kế môn Lịch sử ở chương trình THPT. Tháng 7/2022, Bộ GD&ĐT ra quyết định điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông mới. Thay vì là môn lựa chọn, Lịch sử trở thành môn bắt buộc với 52 tiết mỗi năm ở lớp 10, 11, 12.

Lịch sử thành môn học bắt buộc cấp THPT với thời lượng 52 tiết/năm Lịch sử thành môn học bắt buộc cấp THPT với thời lượng 52 tiết/năm
Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2023 môn Toán, môn Ngữ Văn, môn Tiếng Anh có gì mới? Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2023 môn Toán, môn Ngữ Văn, môn Tiếng Anh có gì mới?
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động