Trung tâm Trợ giúp pháp lý mở rộng về đối tượng, chuẩn hóa về chuyên môn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBà Hồ Xuân Hương trao đổi với PV. |
Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội, bà Hồ Xuân Hương, nguyên GĐ Trung tâm từ những ngày đầu thành lập, nguyên Phó GĐ Sở Tư pháp TP Hà Nội đã có cuộc trao đổi với PL&XH.
Xin bà cho biết đánh giá của mình về công tác trợ giúp pháp lý những ngày đầu và hiện nay như thế nào? Bà đánh giá thế nào về công việc hiện nay của các trợ giúp viên pháp lý?
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 734/QĐ-TTg ngày 6/9/1997 về việc thành lập Tổ chức Trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định số 194/ QĐ- UBND ngày 13/5/1998 thành lập Trung tâm TGPL thuộc Sở Tư pháp TP Hà Nội.
Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL - PV) những ngày đầu và hiện nay có sự thay đổi rất lớn về Tổ chức, người thực hiện và đối tượng được TGPL. Khi mới thành lập Trung tâm TGPL có 01 đồng chí PGĐ Sở Tư pháp kiêm GĐ Trung tâm, 01 PGĐ Trung tâm và 06 cán bộ công chức được điều động từ các phòng chuyên môn của Sở Tư pháp sang làm việc tại Trung tâm.
Từ tháng 7/2001, tôi được bổ nhiệm làm GĐ Trung tâm TGPL Nhà nước. Thời gian đầu, Sở Tư pháp bố trí cho Trung tâm 02 phòng làm việc và 01 phòng tiếp dân. Lãnh đạo và cán bộ của Trung tâm đã rất cố gắng nghiên cứu, học hỏi và tham gia các lớp tập huấn do Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp tổ chức. Khi đó chỉ có cán bộ làm công tác TGPL của Trung tâm và các cộng tác viên là các cán bộ của một số Sở, ngành, Luật gia, Luật sư tham gia TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách. Thời điểm đó chưa có chức danh Trợ giúp viên pháp lý, chưa có các tổ chức tham gia TGPL và có các chi nhánh TGPL tại các quận huyện như hiện nay.
Sau 25 năm hình thành và phát triển, Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội đã hình thành đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách đông đảo về số lượng, được chuẩn hóa về chuyên môn nghề luật và kỹ năng TGPL. Ngoài ra, với 10 chi nhánh TGPL đặt tại các quận, huyện, thị xã đã trở thành những “cánh tay nối dài” của Trung tâm xuống địa bàn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi để cho các đối tượng thuộc diện được TGPL tiếp cận và sử dụng các dịch vụ TGPL.
Bà đánh giá như thế nào về nhận thức của người dân thay đổi theo thời gian đối với công tác Trợ giúp pháp lý?
Khi Trung tâm TGPL được thành lập, có chức năng TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách nhưng thời điểm này người dân nói chung và nhiều người thuộc đối tượng được TGPL chưa biết đến trung tâm để được TGPL miễn phí khi gặp vướng mắc về mặt pháp luật.
Do công tác TGPL là một lĩnh vực mới nên Sở Tư pháp- Cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL và Trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân về đối tượng và các lĩnh vực được trợ giúp pháp lý. Đến nay, sau khi Luật TGPL 2017 ban hành, thay thế Luật TGPL 2006 thì đối tượng được TGPL không chỉ là người nghèo và đối tượng chính sách mà Nhà nước đã mở rộng cho nhiều đối tượng và các lĩnh vực được TGPL so với trước đây.
Người dân đã biết rõ các đối tượng được trợ giúp pháp lý, không chỉ là người nghèo, đối tượng chính sách mà còn có những đối tượng như: Người dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người cao tuổi, khuyết tật, nạn nhân của vụ việc bạo lực gia đình, người nhiễm chất độc da cam...
Các lĩnh vực được TGPL khi chưa có Luật TGPL chủ yếu là tư vấn pháp luật, đại diện bảo vệ quyền lợi, bào chữa cho người nghèo, đối tượng chính sách tại phiên tòa. Đến nay, các lĩnh vực được TGPL đã được mở rộng như: TGPL được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại với các hình thức trợ giúp pháp lý bao gồm: Tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng. Các đối tượng được TGPL đã chủ động đến với Trung tâm TGPL, các tổ chức hành nghề Luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật (có ký hợp đồng TGPL với Sở Tư pháp) hoặc các chi nhánh trực thuộc Trung tâm ở các quận, huyện để được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Công việc trợ giúp pháp lý thường hỗ trợ, giúp đỡ người yếu thế nhưng thu nhập lại không cao. Là lãnh đạo Trung tâm trong giai đoạn mới thành lập, bà từng chia sẻ, động viên cán bộ trung tâm như thế nào?
Khi mới thành lập Trung tâm năm 1998, Sở Tư pháp Hà Nội đã điều động những công chức tâm huyết, trách nhiệm, có kiến thức pháp luật để sang Trung tâm TGPL. Thời gian đầu còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, về tài liệu phục vụ công tác TGPL nhưng cán bộ công chức của Trung tâm đã rất cố gắng trong công việc. Ngoài việc tiếp dân ở trụ sở Trung tâm, cán bộ công chức của Trung tâm thường xuyên đi TGPL lưu động ở các phường trong nội thành và các xã ở huyện ngoại thành có nhiều đối tượng thuộc diện được TGPL để tư vấn pháp luật cho bà con. Ngoài cán bộ Trung tâm, nhiều cộng tác viên rất tâm huyết với công việc mặc dù số tiền bồi dưỡng khi tham gia TGPL lưu động rất ít ỏi.
Với vai trò là lãnh đạo Trung tâm TGPL, tôi luôn chia sẻ với cán bộ của Trung tâm bằng việc thường xuyên động viên, trao đổi nghiệp vụ TGPL cùng các cán bộ Trung tâm; tham gia các cuộc TGPL lưu động cùng cán bộ Trung tâm; tích cực đề xuất lãnh đạo Sở Tư pháp quan tâm trang bị cơ sở vật chất, bổ sung kịp thời cán bộ cho Trung tâm để giúp Trung tâm đáp ứng nhiệm vụ được giao và khen thưởng cuối năm đối với những cán bộ có thành tích trong công tác TGPL.
Xin bà chia sẻ kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình với công tác trợ giúp pháp lý?
Kỷ niệm đáng nhớ của tôi trong công tác TGPL đó là một lần chúng tôi đi trợ giúp pháp lý tại xã Dương Quang của huyện Gia Lâm năm 2000. Trưởng đoàn là chị Trần Quốc Khánh, PGĐ Sở kiêm GĐ Trung tâm. Ngày hôm đó thời tiết tương đối lạnh, bà con thuộc đối tượng được TGPL tập trung ở hội trường của xã. Chúng tôi kê ra nhiều bàn trong hội trường để tư vấn pháp luật cho bà con. Các vấn đề bà con hỏi tập trung vào tranh chấp lối đi chung trong ngõ xóm, về mốc giới giữa hai nhà liền kề, về chính sách đối với thương bệnh binh, người bị ảnh hưởng của chất độc da cam,...
Có một bác nam giới thuộc diện hộ nghèo nhìn nhỏ người và gầy gò, quần áo cũ kỹ, tóc để lòa xòa trên mặt, đôi mắt mờ đục. Bác gặp tôi, tôi hỏi bác cần tư vấn pháp luật về lĩnh vực gì để cháu giải thích cho bác. Bác vẫn im lặng, một số người đứng gần bảo nhà ông ấy nghèo lắm, không cần tư vấn gì về pháp luật. Tôi nhìn xuống chân bác thì thấy bác đi đất mà trời thì lạnh quá. Tôi rơm rớm nước mắt vì thấy thương bác ấy quá. Tôi báo cáo với chị Khánh, chị cũng rất xúc động.
Chị Khánh đã gặp bác ấy và giải thích cho bác ấy hiểu về nhiệm vụ của đoàn TGPL lưu động là tư vấn pháp luật cụ thể từng vụ việc và có văn bản kiến nghị thuộc thẩm quyền để gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Chị Khánh có nói với bác là ngày mai mấy anh chị em trung tâm sẽ đến nhà bác để thăm bác và đề nghị UBND xã quan tâm hơn đến hoàn cảnh gia đình của bác. Sau đó 1 hôm, tôi và 2 cán bộ Trung tâm đã tìm đến nhà bác để trao cho bác 01 túi quà một áo bông ấm, 02 bộ quần áo và 01 giày màu bộ đội. Bác đã rất cảm động khi nhận quà của Trung tâm.
Xin cảm ơn bà!
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại