Nhờ trợ giúp pháp lý, nhà mới có lối đi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChị Chu Thị Lan trai đổi với PV |
Trao đổi với PV, chị Chu Thị Lan, SN 1970, trú tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, TP Hà Nội cho biết, chị có quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất 132m2 tại thửa đất số 820b1, tờ bản đồ số 4 tọa lạc tại xóm Đông, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội. Thửa đất của chị liền kề với diện tích đất 418m2 tại thửa đất số 820, tờ bản đồ số 4 của ông P.D.S.
Nguồn gốc 3 thửa đất 820, 820b1, 820b có tổng diện tích 750m2. Hiện chị Lan, anh Đ, ông S đang sử dụng, trước đây là một thửa có lối đi vào. Năm 2013, chị Lan được Nhà nước xây nhà đại đoàn kết theo chính sách hộ nghèo và người khuyết tật.
Cùng năm đó, gia đình ông S đã có hành vi lấn chiếm đất của chị Lan, xây tường bao trên một phần diện tích đất nhà chị Lan và bịt lối đi chung khiến cho chị Lan không có lối đi vào nhà mà phải vòng qua vườn của nhà khác. Chị Lan đã sang gia đình ông S vài lần để nói chuyện về nguồn gốc đất, mở một lối cho chị đi nhưng gia đình ông S không nghe. Sự việc của chị được nhiều người biết, thương cảm nhưng chưa có cách nào giúp.
Trong một lần, Hội khuyết tật huyện Ba Vì phối hợp với Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 10 thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội tổ chức tư vấn pháp lý cho người khuyết tật, có người biết hoàn cảnh của chị đã liên hệ khuyên chị nên đến buổi tư vấn pháp lý để nhờ trợ giúp.
Ngồi nghe các anh chị chia sẻ về pháp luật, chị Lan đã vỡ ra nhiều điều và tìm đến Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 10 thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội. Tại đây, chị được các anh chị tư vấn, hướng dẫn cách làm đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu ông P.D.S phải trả lại diện tích đất lấn chiếm 23m2 và trả lại lối đi chung.
Theo chị Lan, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX TAND huyện Ba Vì buộc ông P.D.S phải trả lại cho chị diện tích đất 9,82m2 đã lấn chiếm của chị. Buộc ông S trả lại cho anh C.V.Đ diện tích đất 4,39m2 đã lấn chiếm của anh Đ. Buộc ông S phải dành 24,48m2 đất ở của ông S để làm lối đi chung cho chị Lan và anh Đ. Chị Lan và anh Đ phải thanh toán trị giá tiền sử dụng đất cho ông S mỗi người 12,5 triệu đồng. Hộ gia đình ông S phải tháo dỡ công trình trên phần diện tích đất lấn chiếm của chị Lan và anh Đ và lối đi chung để trả lại mặt bằng cho gia đình chị Lan và anh Đ. Sau đó, ông P.D.S đã có đơn kháng cáo lên TAND TP Hà Nội, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Trao đổi với PV, anh Phan Hoành Sơn, trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội cho biết, theo yêu cầu của chị Chu Thị Lan, GĐ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội phân công anh trợ giúp pháp lý cho chị Lan với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bởi chị là người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý miễn phí trong vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.
Sau khi tiếp cận hồ sơ, làm các thủ tục theo quy định, tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, anh Phan Hoành Sơn, trợ giúp viên pháp lý đã tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là chị Chu Thị Lan.
Quá trình giải quyết vụ án TAND huyện Ba Vì (sơ thẩm) đã áp dụng đúng đắn các quy định của pháp luật, trên cơ sở chứng cứ do các bên cung cấp, thu thập hợp pháp. Bản thân anh và người được trợ giúp pháp lý hoàn toàn đồng tình với Bản án sơ thẩm mà TAND huyện Ba Vì đã tuyên. Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi nghe phân tích từ các bên, HĐXX quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Chị Lan chia sẻ, sau phiên tòa, nhà chị đã có lối đi mà không phải đi nhờ sang nhà hàng xóm. Chị xin gửi lời cảm ơn đến các anh chị tại Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 10 thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã giúp đỡ chị.
“Tôi muốn được chia sẻ câu chuyện của mình cho mọi người biết và khi mọi người có việc liên quan đến pháp lý, hoàn cảnh như tôi hãy đến Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội để được giúp đỡ miễn phí hoàn toàn không phải chịu chút phí tổn nào”, chị Lan chia sẻ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại