Thứ tư 24/04/2024 12:29

Công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn nhiều khoảng “trống”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thiếu các lớp tập huấn, trợ giúp pháp lý cho công tác hòa giải; khó khăn trong tiêu chí đánh giá, công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt” là những nguyên nhân khiến cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa phát huy hiệu quả rõ rệt.
Công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn nhiều khoảng “trống”
Cán bộ UBND phường Trúc Bạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Ảnh Mộc MIên

Thiếu các lớp tập huấn, trợ giúp pháp lý

Thực tế tại một số địa phương, công tác hòa giải tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý đã được triển khai rộng nhưng chưa thực sự đi vào chiều sâu.

Theo ông Đinh Văn Long, Phó Chủ tịch phường Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội), để triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, ngay từ đầu năm UBND phường đã xây dựng kế hoạch triển khai, quan tâm chỉ đạo việc rà soát, kiện toàn Tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở.

Đôn đốc, hướng dẫn việc đánh giá, công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt”, cung cấp tài liệu, bồi dưỡng tập huấn nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng cho hòa giải viên, góp phần giải quyết tốt các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, ổn định, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Kết quả thực hiện năm 2020, UBND phường Văn Quán đạt công nhận 8/12 Tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”, đáp ứng 5 tiêu chí chung.

Tuy nhiên, việc thực hiện rà soát các tiêu chí đánh giá “Tổ hòa giải 5 tốt” còn nhiều vướng mắc do chưa được tập huấn về cách đánh giá, công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt”.

Phường Văn Quán là phường loại 1, có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng nhanh, ý thức tự giác, chấp hành pháp luật của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế, tiềm ẩn các tệ nạn xã hội phát sinh. Do vậy, trong quá trình phát triển có nhiều vấn đề phức tạp liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng “Tổ hòa giải 5 tốt”.

Chỉ rõ những nguyên nhân, ông Đinh Văn Long cho biết, công tác tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Hòa giải viên ở cơ sở còn chưa được quan tâm đúng mức và chưa thường xuyên.

Chế độ bồi dưỡng, kinh phí để chi trả cho công tác hòa giải còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác hòa giải. Các hòa giải viên chưa thật sự tâm huyết đối với công tác hòa giải.

Mặt khác, trình độ hiểu biết pháp luật của đội ngũ hòa giải viên còn hạn chế, tỉ lệ hòa giải viên có trình độ Cử nhân Luật rất thấp. Do đó, hiệu quả công tác giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân chưa cao.

Để công tác hòa giải cơ sở phát huy hiệu quả, UBND quận Hà Đông cần tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn việc đánh giá, công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt” nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ Hòa giải viên cơ sở.

Đề nghị cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí bảo đảm cho nhiệm vụ đánh giá, công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt”, hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời theo quy định của pháp luật. Hàng năm, tổ chức tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời những “Tổ hòa giải 5 tốt” và những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn nhiều khoảng “trống”
Cán bộ tư pháp Đào Lan Phương cho biết, việc cập nhật sổ sách theo dõi các vụ việc hòa giải đã được thực hiện nhưng chưa thường xuyên và nề nếp. Ảnh: Mộc Miên

Ghi chép, quản lý sổ theo dõi hoạt động hòa giải còn hạn chế

Là điểm sáng ở Thủ đô trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hòa giải cơ sở năm 2021, phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) đến nay kiện toàn 8 tổ hòa giải tại 8 tổ dân phố, mỗi tổ có từ 9-11 thành viên tùy theo đặc điểm tình hình của từng tổ dân phố.

Thành phần tổ hòa giải gồm có: Đồng chí Bí thư Chi bộ là tổ trưởng; đồng chí cảnh sát khu vực là tổ phó và các thành viên chi hội trưởng hội đoàn thể, người có uy tín tại địa bàn dân cư là tổ viên.

Trình độ học vấn của các tổ viên hầu hết là đại học với độ tuổi trung bình là 60 tuổi. Hòa giải viên là những thành viên nhiệt tình, có kinh nghiệm, nắm chắc địa bàn, hiểu rõ từng hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của nhân dân trong địa bàn.

Cán bộ tư pháp Đào Lan Phương cho biết, kết quả hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội), năm 2021, tổng số vụ việc hòa giải 16 vụ, trong đó hòa giải thành 15 vụ, đạt tỉ lệ 94%. So với kết quả năm 2020, tổng số vụ việc hòa giải là 23 vụ, giảm 7 vụ.

Bên cạnh hiệu quả tích cực, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, việc cập nhật sổ sách theo dõi các vụ việc hòa giải đã được thực hiện nhưng chưa thường xuyên và nề nếp. Việc giao ban định kỳ chưa duy trì thường xuyên.

Về hình thức hòa giải, các tổ hòa giải và hòa giải viên căn cứ vào từng vụ việc cụ thể để tổ chức họp hoặc gặp gỡ riêng, hòa giải cho phù hợp. Nhiều vụ việc hòa giải phải trình “vượt cấp”,…

Nguyên nhân là do năm 2021 là năm chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, quy định giãn cách xã hội quá dài gây khó khăn trong công tác hòa giải tại cơ sở.

Ngoài ra, ý thức trang bị kiến thức pháp luật của người dân còn hạn chế, người dân chỉ thực sự cần đến trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật khi phát sinh những sự vụ có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và lợi ích của mình.

Nhằm nâng cao công tác hòa giải cơ sở, UBND phường Trúc Bạch đã triển khai, phối hợp với phòng Tư pháp quận Ba Đình và Hội Luật gia quận Ba Đình thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý. Nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ hòa giải.

Nữ hòa giải viên gắn kết tình làng, nghĩa xóm
Nâng cao kỹ năng hòa giải cơ sở cho hòa giải viên
Trang bị kiến thức pháp luật cho hòa giải viên
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động