Nữ hòa giải viên gắn kết tình làng, nghĩa xóm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChân dung bà Lê Thị Thu. Ảnh Mộc Miên |
Nằm trên con phố Yên Thành, ngõ phố từng được nhạc sĩ Lê Vinh phổ nhạc bài hát về Hà Nội nổi tiếng với câu hát “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó”. Con ngõ dài chưa tới 200m, là ngõ cụt gần 20 hộ dân sinh sống thì có 7 nhà kinh doanh hàng ăn, quán cà phê, mở Cty. Ngõ phố tấp nập người đi lại nhưng một điều lạ là không gian xanh mát, sạch sẽ đến bất ngờ.
Những chiếc bàn ghế xinh xắn kê gọn gàng, khu vực đỗ xe một bên tạo thành hàng lối. Bao xung quanh mảng tường của các hộ dân là thảm cây xanh mát, các cột đèn đều được khéo léo trang trí giỏ cây xanh. Thành quả của ngõ phố yên bình, đáng sống này chính nhờ tâm sức của bà Lê Thị Thu, Tổ trưởng Tổ dân phố số 7 (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội).
Bà Thu kể, cách đây độ một tháng, ngõ phố xảy ra mâu thuẫn về việc đỗ xe. Để hóa giải mâu thuẫn, bà Thu đã tổ chức họp ngõ xóm, tháo gỡ mâu thuẫn của người dân và các cơ sở kinh doanh. Trong cuộc họp, bà Thu có ý kiến về việc đỗ xe một bên, vừa tạo hè thông, lề thoáng, đảm bảo chỗ để xe cho hộ kinh doanh và xe của gia đình. Đồng thời, bà Thu cũng lý giải các quy định của pháp luật trong vi phạm trật tự đô thị để người dân hiểu.
Trước lời giải thích cặn kẽ, thấu tình đạt lý, mâu thuẫn về đỗ xe được hóa giải. Mọi người ký vào biên bản nhất trí, ngõ phố đoàn kết. Trước đó, việc tranh chấp khá nhiều năm, gây bức xúc cho người dân sinh sống trên địa bàn.
Cùng thời điểm đó, bà Thu vận động các hộ dân sinh sống trồng cây xanh làm đẹp ngõ phố Thủ đô, hưởng ứng SEA Games 31 với chủ trương xã hội hóa. Các hộ gia đình hưởng ứng tích cực, ngõ phố được trang trí hàng cây xanh mát đã vinh dự đạt giải Nhì cấp phường, giải Nhì cấp quận.
Bà Lê Thị Thu vận động người dân trang trí cây xanh khu phố |
Theo bà Thu, ngõ phố Yên Thành giống như một khu tập thể cũ, tập hợp người dân sinh sống nhiều thế hệ. Trong quá trình đô thị hóa, cuộc sống người dân càng ngày càng nâng cao vì thế những mâu thuẫn gia đình cũng phát sinh.
Một vụ việc bà Thu đau đáu là câu chuyện về bạo lực gia đình của một cặp vợ chồng. Hai người có nhà riêng cho thuê, hiện đã ly thân. Phía người chồng nhất mực đòi ly hôn, đâm đơn kiện người vợ là bạo lực gia đình, nhưng người vợ thì không đồng ý. Vừa là vai trò Tổ trưởng Tổ dân phố số 7, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Trúc Bạch, bà Thu đã nhiều lần đứng ra tổ chức hòa giải nhưng đều không thành.
Lại có vụ việc khác người dân sinh sống ở phố Nguyễn Tường Tộ, diện tích nhà ở chưa tới 10m2 cho bốn thành viên gia đình vợ chồng và con cái nhưng hộ dân này vẫn nuôi 6 con chó. Với diện tích chật hẹp, tù túng, 6 con chó phóng uế bốc mùi hôi thối, khó chịu cho người dân sinh sống gần khu vực.
Bà Thu đã nhiều lần nhận đơn kiến nghị của các hộ dân tại đây, trước khi tổ chức hòa giải, bà Thu xuống nắm bắt thực trạng và tổ chức họp Tổ hòa giải.Trước tiên, bà Thu nhắc tới tình làng nghĩa xóm, chia sẻ với chủ hộ anh cứ cố tình khiêu khích thì mất hòa khí với tình làng, nghĩa xóm. Anh sống trong tập thể gây ô nhiễm cho các hộ dân sinh sống khác là không được. Quy định không bắt buộc hộ dân không được nuôi chó, thế nhưng việc nuôi vật nuôi, thú nuôi phải đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sau khi nghe lời chia sẻ của bà Thu, chủ hộ đã đồng ý ký vào biên bản cam kết việc nuôi một con chó để đảm bảo an toàn, vệ sinh chung. Đến nay, sau một thời gian hòa giải, có ký cam kết nhưng chủ hộ vẫn chưa thực hiện đúng bản cam kết quy định vì lý do “thương” động vật, dù rất nhiều người dân biết mục đích chủ hộ nuôi chó để kinh doanh.
“Có thể vụ việc về hộ nuôi chó tại phố Nguyễn Trường Tộ tôi sẽ phải trình vượt cấp để giải quyết, bởi có rất nhiều đơn kiến nghị của người dân”, bà Thu cho hay. Đó là số ít những trường hợp hóa giải không thành, còn đối với bà Thu, các vụ việc ở ngõ phố là những vụ việc lặt vặt, nếu không giải quyết thấu tình đạt lý sẽ dẫn tới mâu thuẫn leo thang.
Mỗi vụ tranh chấp, bà Thu dành dành nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, đi tìm hiểu từng bên. Nắm được nguyên nhân sự việc, bà Thu tìm hướng giải quyết, phân tích cho từng bên hiểu nếu tranh chấp thì sẽ được cái gì và mất cái gì. Tùy đối tượng, tùy tình hình, sự việc mà bà ứng biến bằng các phương pháp mềm mỏng hay cứng rắn nhưng phải đảm bảo tính đúng đắn.
Là hòa giải viên được người dân tin tưởng, bà Lê Thị Thu nhận được nhiều giải thưởng trong công tác cơ sở. Mới đây, bà Lê Thị Thu tặng thưởng Giấy khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ. Danh hiệu “Gia đình Phụ nữ tiêu biểu 2022” và đạt giải thưởng trong các Hội thi Hòa giải viên giỏi cấp quận, cấp TP. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại