Thứ năm 18/04/2024 13:38

Kỹ năng tìm mâu thuẫn, xung đột đối với hòa giải viên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hòa giải viên trong quá trình hòa giải phải xác định được nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn và xung đột lợi ích cốt lõi giữa các bên.
Kỹ năng tìm mâu thuẫn, xung đột đối với hòa giải viên
Ảnh minh họa

Những tranh chấp phát sinh trong cuộc sống thường ngày có thể được biểu hiện dưới một hình thức cụ thể nào đó, những nguyên nhân sâu xa của nó có thể là những vấn đề hoàn toàn không liên quan đến nội dung tranh chấp. Nói cách khác, các bên trong quan hệ tranh chấp phát sinh có thể sử dụng hình thức tranh chấp này để giải quyết một mâu thuẫn khác.

Ví dụ, hai hộ gia đình có mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày nhưng lại phát sinh mâu thuẫn biểu hiện dưới hình thức tranh chấp về quyền sử dụng đất. Nếu hòa giải viên chỉ hướng nội dung hòa giải đến việc xác minh vấn đề sử dụng đất thì sẽ không giải quyết được nguyên nhân của mâu thuẫn.

Để tìm ra mâu thuẫn, các xung đột lợi ích cốt lõi và nguyên nhân chủ yếu của vụ việc, hòa giải viên cần liên tục đặt ra những câu hỏi tại sao lại như vậy đối với các thông tin, tình tiết của vụ việc mà mình được tiếp nhận.

Dựa trên những căn cứ khác nhau, các nhà nghiên cứu đã chia lợi ích thành nhiều loại khác nhau: dựa vào các lĩnh vực của đời sống xã hội: chia thành lợi ích kinh tế, lợi ích văn hoá, lợi ích chính trị; dựa vào phạm vi hoạt động của chủ thể: chia thành lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể, lợi ích giai cấp, lợi ích toàn xã hội, lợi ích quốc gia, lợi ích nhân loại...; dựa vào thời gian tồn tại của lợi ích: chia thành lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, dựa vào tầm quan trọng của lợi ích: chia thành lợi ích căn bản và lợi ích không căn bản, lợi ích cấp bách và lợi ích không cấp bách; dựa vào tính chất và các biện pháp thực hiện lợi ích: chia thành lợi ích chính đáng và lợi ích không chính đáng...

Trong hòa giải ở cơ sở, việc thu thập thông tin để xác định chính xác lợi ích của các bên trong mâu thuẫn, tranh chấp là gì sẽ giúp hòa giải viên tìm ra được mấu chốt của vấn đề, từ đó dẫn dắt các bên đưa ra các giải pháp giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp một cách thỏa đáng, đạt được nguyện vọng của mỗi bên, do đó mâu thuẫn được giải quyết triệt để.

Để biết được lợi ích của các bên tranh chấp, hòa giải viên cần rèn luyện tốt kỹ năng lắng nghe, kỹ năng đặt câu hỏi để giúp các bên bày tỏ quan điểm, suy nghĩ và mong muốn thực sự của họ trong mâu thuẫn, tranh chấp. Nắm bắt đúng lợi ích cốt lõi dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp, giúp tìm được các giải pháp thích hợp, kết quả hòa giải thành sẽ trở nên bền vững (giải quyết được tận “gốc” của vấn đề).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mẫu thuẫn, tranh chấp, như: vì lợi ích vật chất, quan điểm sống khác nhau, cách ứng xử, hành vi của mỗi bên, truyền đạt thông tin không rõ ràng ....

Nguyên nhân này xuất phát từ mỗi cá nhân trong xã hội hướng đến những lợi ích, mục tiêu khác nhau và bản thân mỗi người cũng khác nhau nhất định về các giá trị văn hoá, truyền thống gia đình, mức độ giáo dục, bề dày kinh nghiệm...

Do đó, khi hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên phải tìm được nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn từ đó có cách tháo gỡ phù hợp, như vậy kết quả hòa giải thành mới bảo đảm tính bền vững.

Kỹ năng khai thác thông tin, tài liệu chứng cứ về vụ việc với hòa giải viên
Hòa giải viên cần có các kỹ năng lắng nghe và giao tiếp với các bên
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động