Thứ ba 19/03/2024 17:53

Trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho trẻ khi ở nhà một mình

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ vụ việc hai cháu bé tại Đồng Nai bị cướp máy tính bảng khi bố mẹ không có nhà, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa và TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp cho rằng việc trang bị kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng xử lý các tình huống cho trẻ em là vô cùng cần thiết.
Hình ảnh hai anh em ở Đồng Nai sợ hãi, khóc thét khi bị 2 tên cướp đe dọa, cướp máy tính bảng. Ảnh cắt từ clip
Hình ảnh hai anh em ở Đồng Nai sợ hãi, khóc thét khi bị 2 tên cướp đe dọa, cướp máy tính bảng. Ảnh cắt từ clip

Chiều ngày ngày 3-1-2022, vợ chồng chị V.T.T (quê Đồng Tháp, tạm trú khu phố 3A, phường Long Bình Tân) đi làm, 2 con của chị gồm bé trai 7 tuổi, bé gái 5 tuổi ở trong phòng trọ khóa kín cửa. Lúc 2 bé đang ở phòng thì xuất hiện 2 thanh niên đi trên 1 chiếc xe máy đến và đập ầm ầm vào cửa, tìm cách vào phòng, đồng thời lớn tiếng đe dọa khiến 2 bé hoảng sợ khóc thét, liên tục cầu cứu mẹ. Sau một lúc bị uy hiếp, bé trai quá sợ hãi đã mở cửa sổ đưa máy tính bảng cho kẻ lạ mặt. Ngay sau đó, bọn cướp rồ ga tẩu thoát khỏi hiện trường.

Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng CA TP Biên Hòa và CA phường Long Bình Tân đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, truy bắt được 2 tên cướp là Bùi Việt Thắng (31 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) và Bùi Nguyễn Hoàng Trường (25 tuổi, ngụ TP HCM). Tại cơ quan CA, Thắng và Trường đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng khi bị hai tên cướp đe dọa, cướp đi máy tính bảng, hai cháu bé rất dễ bị chấn thương tâm lý. Các bé sẽ cảm thấy cuộc sống không còn an toàn; sợ hãi, nghi ngờ người lớn nói chung, đặc biệt là những người lạ.

Chính vì vậy, gia đình cần đặc biệt bên cạnh, sẻ chia, động viên các em. “Sau khi sự việc xảy ra, gia đình không nên cho các em tiếp xúc với người lạ bởi các em vẫn còn tâm lý hoảng loạn, tiếp xúc với người lạ các em sẽ càng sợ hơn. Cùng với đó, bố mẹ tuyệt đối không nóng vội, mắng mỏ các em vì đã đưa tài sản cho tên cướp. Bố mẹ không nên phóng đại sự việc thành chuyện lớn, không tỏ ra đau xót quá bởi điều đó sẽ khiến cho các bé bị day dứt, đổ lỗi cho bản thân.

Bố mẹ nên động viên, an ủi các em rằng các con không có lỗi, các con không phải sợ hãi hay lo lắng, bố mẹ luôn bên cạnh bảo vệ các con. Khi cảm nhận được sự yêu thương, bảo vệ của bố mẹ thì các bé sẽ an tâm hơn rất nhiều. Về phần cha mẹ, khi để con cái ở nhà nên khóa cửa cẩn thận, phòng ở nên kín đáo, tránh người lạ có thể tiếp xúc. Cha mẹ phải dặn các con không được mở cửa cho ai (trừ người thân) vào hay đưa đồ cho người lạ, đồng thời sắm cho con một chiếc điện thoại để tiện liên lạc khi cần”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa đưa lời khuyên.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, đối với trẻ em thì việc giáo dục kiến thức thôi là chưa đủ mà cần phải rèn luyện kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng sinh tồn và kỹ năng xử lý các tình huống có vấn đề trong đời sống xã hội. Khi trẻ em được giáo dục kỹ năng sớm, đầy đủ, có cơ hội để rèn luyện kỹ năng đó thì các em sẽ tự tin hơn trong đời sống xã hội, chủ động ứng phó với các tình huống có vấn đề giúp các bé đảm bảo an toàn, tránh bị tổn thương trong những tình huống nguy hiểm.

Theo luật sư Cường, các kỹ năng sinh tồn cần thiết như chống đuối nước, khi gặp hỏa hoạn, khi gặp các tình huống nguy hiểm, khi bị lạc... Các kỹ năng này nên được giáo dục trong chương trình của nhà trường, đồng thời có thể thực hiện các chương trình giáo dục kỹ năng sống ở các trung tâm giáo dục kỹ năng sống.

Không chỉ trẻ em mà các bậc cha, mẹ cũng cần phải có kỹ năng để giáo dục cho con cái phòng những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Trong thời điểm các trường học đóng cửa vì dịch bệnh thì nhiều trẻ em phải ở nhà, thậm chí ở nhà một mình nên việc trang bị những kiến thức, kỹ năng an toàn cho trẻ em khi học tập, sinh hoạt tại nhà là rất cần thiết.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng: “Ngoài các mối nguy hiểm như điệt giật, cháy nổ, hỏa hoạn, rơi ngã cầu thang, cửa sổ... thì nguy cơ trẻ em bị bạo hành, xâm hại, bị trộm cướp tài sản cũng gia tăng. Bởi vậy khi để trẻ em ở nhà một mình thì cha mẹ cũng cần trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các em để đảm bảo an toàn.

Với những trẻ em còn nhỏ tuổi thì phải có người lớn trông giữ, với những trẻ học THCS, PTTH thì mới có thể để các em ở nhà một mình. Cha mẹ cũng nên gắn camera an ninh và có phương tiện có thể liên lạc thường xuyên với con để đảm bảo quản lý gián tiếp và an toàn. Khi cha mẹ vắng nhà thì tuyệt đối không để trẻ em có thể tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp với người lạ mặt để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra.

Ngoài ra cũng cần giáo dục kiến thức và kỹ năng cần thiết cho trẻ em khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng”.

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động