Thủ đoạn buôn bán thuốc lá lậu ngày càng phức tạp, tinh vi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThủ đoạn buôn lậu thuốc lá ngày càng phức tạp, tinh vi |
Hà Nội là một trong những địa bàn buôn bán, tiêu thụ thuốc lá lậu lớn nhất
Thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá thế hệ mới tại Hội thảo xin ý kiến đối với dự thảo nội dung hướng dẫn về thực thi, giám sát, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá do Bộ Y tế tổ chức mới đây, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết: Thời điểm Luật số 12/2017/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực (ngày 1/1/2018) quy định cụ thể về số lượng bao thuốc lá điếu nhập lậu (từ 1.500 bao trở lên) làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đã tăng tính răn đe mạnh mẽ đối với hành vi sản xuất buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu.
Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong mấy năm gần đây, tình hình vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu nhìn chung giảm. Tuy nhiên, tuỳ từng thời điểm, từng khu vực, có lúc, có nơi, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Hoạt động này chủ yếu diễn ra tại địa bàn các tỉnh, TP: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Trong đó, khu vực biên giới Tây Nam là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc lá; địa bàn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là địa bàn buôn bán, tiêu thụ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu lớn nhất; khu vực biên giới của tỉnh Quảng Trị là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc trên tuyến biên giới Việt-Lào.
Tại TP Hồ Chí Minh hoạt động này tập trung tại một số địa điểm như kênh Thầy Cai đi từ Vàm Trảng-Trảng Bàng, Tây Ninh đưa về tập kết tại bãi Than Bùn-Hóc Môn, sau đó được chuyển tiếp bằng xe gắn máy đưa về các quận trong TP tiêu thụ...
Tại Hà Nội, nhiều cơ sở, hộ kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá ngoại, xì gà, tập trung tại địa bàn các quận Hoàn Kiếm (các tuyến phố chuyên doanh về thuốc lá như Nguyễn Siêu, Hàng Hành, Lê Thái Tổ...), quận Hai Bà Trưng, quận Đống Đa, quận Ba Đình.
Phương thức vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu theo chiều hướng ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh hơn, tuy không tổ chức thành quy mô, đường dây, nhưng thủ đoạn hoạt động khá phức tạp như: theo đường biển, sử dụng ghe đánh bắt hải sản, tàu chở hàng hóa để giấu trong khoang chứa hàng hóa hoặc để lẫn trong các hàng hóa khác; Theo đường bộ tại tuyến Quốc lộ 1A, thuốc lá ngoại được ngụy trang, cất giấu lẫn lộn với nhiều loại hàng hóa khác trên các phương tiện xe khách, xe tải, xe container... gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát; Trong thị trường nội địa, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu tuy không còn bày bán công khai nhưng vẫn được các bán lén lút tại các nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường, quác cafe, tủ bán thuốc lá lẻ...
Với thuốc lá thế hệ mới, thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện tình trạng kinh doanh, mua bán, trao đổi các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng... Qua thực tiễn kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm cho thấy mặt hàng này được đưa về Việt Nam qua đường nhập khẩu phi thương mại, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hoá.
Ngoài ra, hoạt động mua bán, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chia sẻ thông tin, mua bán, trao đổi về các loại thuốc lá nêu trên diễn ra mang tính công khai trên các tài khoản cá nhân, các hội, nhóm; có rất nhiều thành viên tham gia trên các mạng xã hội, internet và một số website thương mại điện tử kinh doanh các sản phẩm này.
Do đó, tăng cường các biện pháp quản lý, phòng chống việc kinh doanh, quảng cáo ngày càng tràn lan các sản phẩm này là một trong những nhiệm vụ cấp thiết không riêng chỉ lực lượng Quản lý thị trường, mà đòi hỏi phải có sự phối hợp thống nhất, kịp thời của các ngành, các cấp và các cơ quan chức năng liên quan.
Xử lý hình sự 14 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt trên 8,8 tỷ đồng
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, trong năm 2021, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý các vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, cigar, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng với số vụ kiểm tra trên 2.500 vụ, số vụ xử lý trên 1.900 vụ, số lượng bao thuốc và tương đương xử lý trên 332.600 bao; số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trên 76.500 sản phẩm các loại; chuyển xử lý hình sự 14 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 8,8 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý các vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, cigar, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng với số vụ kiểm tra trên 1.169 vụ, số vụ xử lý trên 750 vụ, số lượng bao thuốc và tương đương xử lý trên 74.800 bao; số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trên 3.000 sản phẩm các loại; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 3,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, liên quan đến thuốc lá điếu giả mạo nhãn hiệu, lực lượng QLTT đã có một số vụ việc kiểm tra, xử lý cũng như phối hợp với đại diện chủ thể quyền các nhãn hiệu thuốc lá để xác minh, làm rõ.
Thời gian qua, lực lượng QLTT đã ngăn chặn được một số điểm nóng về thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, hạn chế tối đa tình trạng bày bán công khai tại các cửa hàng, khu vực công cộng; cụ thể tại địa bàn Hà Nội như: Phố Hàng Hành, Nguyễn Siêu, Hàng Buồm, Trần Xuân Soạn, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Tây Sơn, Kim Giang, các tuyến phố tại các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình; tại TP Hồ Chí Minh như khu vực Trần Quốc Toản, Học Lạc, các tuyến đường phố trên địa bàn các quận đã giảm đáng kể, không còn bày bán công khai như trước do lực lượng chống buôn lậu phối hợp và được duy trì kiểm tra thường xuyên, liên tục.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ và lợi nhuận cao do thuốc lá điếu ngoại nhập lậu mang lại nên tình hình nhập lậu thuốc lá về lâu dài vẫn diễn biến phức tạp, không loại trừ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng manh động, liều lĩnh, đòi hỏi công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng QLTT cần duy trì thường xuyên, xuyên suốt.
Với thuốc lá thế hệ mới, mặt hàng này vẫn được quảng cáo, bày bán, chứa trữ tại khu vực sinh hoạt, nơi ở của các cửa hàng trên địa bàn các TP lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng.... khi khách hàng đến mua hàng hoặc hỏi về mặt hàng cụ thể thì các đối tượng kinh doanh mới mang hàng ra để giao dịch với khách hàng, do đó gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xác định rõ hình thức kiểm tra hay khám nơi cất giấu tang vật.
Việc bán thông qua các trang mạng xã hội, website thương mại điện tử dẫn đến khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tìm hiểu, thu thập thông tin, kiểm tra, xử lý do trong nhiều trường hợp không xác định được không gian cụ thể về địa điểm bán hàng, địa điểm chứa trữ hàng hoá của các đối tượng kinh doanh.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế cho rằng: Việc phối hợp giữa các lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ở địa phương chưa tốt (ảnh P.C) |
Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, các hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên địa bàn cả nước về cơ bản đã được quản lý, kiểm soát phù hợp với yêu cầu và mục tiêu của Luật; tình trạng nhập lậu, lưu thông, mua bán thuốc lá không bảo đảm chất lượng trên thị trường từng bước được hạn chế. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định như: Công tác thanh tra, xử phạt còn chưa được thực hiện hiệu quả. Việc phối hợp giữa các lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ở địa phương chưa tốt. Việc phân công trách nhiệm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm còn chồng chéo, không rõ ràng (quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, cấm hút thuốc lá nơi công cộng, tài trợ....). Việc theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động xử phạt đối với các vi phạm chủ yếu thông qua nhắc nhở, phê bình, vận động. Việc xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm còn chưa kiên quyết, chưa đủ mạnh và thiếu tính răn đe, nhất là đối với hoạt động kinh doanh thuốc lá... Trên cơ sở đó, Bộ Y tế xây dựng Tài liệu hướng dẫn tổ chức triển khai, kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá gồm: Xây dựng, phê duyệt, ban hành Định hướng chương trình kiểm tra, Kế hoạch kiểm tra công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; Theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng tài liệu hướng dẫn quy trình xử phạt qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và phản ánh, kiến nghị của người dân. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại