Thí sinh Hà Nội bước vào môn thi cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh lớp 10
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay. Ảnh: Phạm Hùng |
Sau 2 môn thi ngày 10/6, nhiều em học sinh tỏ ra thoải mái hơn trong ngày thi cuối cùng. Có thế mạnh là môn Toán nên em Nguyễn Anh Dũng (điểm thi trường THPT Phúc Lợi, Long Biên) với tâm thế vui vẻ, tự tin trước khi bước vào phòng thi.
Em Nguyễn Anh Dũng cho biết: "Hôm qua em làm khá tốt 2 môn Ngữ văn và tiếng Anh. Hôm nay thi môn Toán là môn thế mạnh của em nên em cảm thấy thoải mái và khá tự tin. Dù vậy nhưng em vẫn sẽ cẩn thận, không chủ quan để tránh mất điểm. Thầy cô cũng dặn chúng em ưu tiên làm những câu dễ trước, sau đó mới tập trung câu khó để tránh mất thời gian. Sau khi làm bài xong cần kiểm tra lại toàn bộ bài làm xem đã hoàn chỉnh chưa".
Tranh thủ giở sách ra ôn luyện trong khi chờ vào phòng thi, em Nguyễn Giang (điểm thi trường THCS Sài Đồng, Long Biên) phấn khởi cho biết: "Trước khi vào phòng thi, em ôn lại những nội dung cơ bản thêm lần nữa cho yên tâm. Môn Toán em học khá nên cảm thấy không bị áp lực. Em thích nhất phần hình học và hy vọng sẽ đạt điểm trọn vẹn ở phần này. Về 2 môn thi hôm qua thì em tự tin môn tiếng Anh hơn, em dự đoán được khoảng điểm 9, còn Ngữ văn được khoảng 8 điểm. Em hy vọng sẽ làm tốt môn Toán để đỗ vào trường mà mình mong muốn".
Thí sinh đến điểm thi trường THPT Phúc Lợi từ khá sớm (quận Long Biên). |
Mặc dù con đã thi xong 2 môn nhưng hôm nay, đưa con đi thi tại trường THCS Trần Duy Hưng, anh Hùng (quận Thanh Xuân) vẫn cảm thấy lo lắng và hồi hộp. Anh Hùng chia sẻ: “Nhiều khi cha mẹ còn cảm thấy áp lực hơn cả các thí sinh ngồi trong phòng thi. Trước kỳ thi, con tôi được ôn tập cả ở trường cũng như kết hợp ôn tập tại nhà.
Bên cạnh đó, gia đình cũng tìm thêm các thầy, cô giáo để hỗ trợ cho việc ôn tập của con. Các cháu giờ học hành cũng vất vả, nhiều khi phải thức đêm để học nên bố mẹ cũng phải động viên các cháu cố gắng giữ gìn sức khỏe. Để cháu giải tỏa những căng thẳng thi cử, gia đình tôi đã lên kế hoạch cho cháu đi chơi trước khi bắt đầu năm học mới”.
Anh Hùng chia sẻ gia đình luôn bên cạnh động viên con học hành, thi cử nhưng không tạo áp lực cho con |
Chờ con vào phòng thi, chị Ánh (Kim Giang, Thanh Xuân) tìm một góc dưới tán cây tránh nắng. Ánh mắt chị vẫn hướng về trường thi cùng hy vọng con sẽ thi hết khả năng của mình.
“Sức học của con tôi cũng tạm được, cộng với việc con ở nhà tự giác học cho nên gia đình không phải đôn đốc việc học của con. Bên cạnh đó, gia đình cũng không bắt con học nhiều mà thay vào đó khuyên con giữ sức cho kỳ thi. Gia đình tôi không cảm thấy quá áp lực cũng như tạo áp lực cho con, thay vào đó động viên con cố gắng hết khả năng của mình, “đỗ được nguyện vọng 1 thì tốt không thì cũng có nhiều phương án khác để lựa chọn”, chị Ánh cho biết.
Chị Ánh cho biết nếu con đỗ được nguyện vọng 1 thì tốt, không thì cũng có nhiều phương án khác để lựa chọn. Ảnh: Duy Linh |
Với môn Toán, các thí sinh sẽ thi với hình thức tự luận. Vì điểm của kỳ thi được tính bằng công thức tổng điểm bài thi Ngữ văn và bài thi Toán nhân 2, cộng điểm bài thi Ngoại ngữ và điểm ưu tiên (nếu có) nên điểm thi Toán rất quan trọng.
Theo nhận định của các giáo viên dạy môn Toán, khoảng 5 năm trở lại đây, cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội là ổn định với 5 bài. Bài 1 về biểu thức chứa căn bậc hai, với ý tính toán, rút gọn rất cơ bản và một ý nâng cao để đạt 8 - 9 điểm. Bài 2 gồm giải toán bằng lập phương trình, hệ phương trình và một ý tính toán trong hình học không gian. Đây là một bài cơ bản nhưng đưa đến 2,5 điểm nên rất quan trọng.
Bài 3 về phương trình, hệ phương trình hoặc hàm số. Trong bài này, các ý như giải hệ, giải phương trình, tìm điều kiện để phương trình có nghiệm… là cơ bản, còn ý cuối liên quan tới Định lý Viet sẽ là ý nâng cao cho mức 8 - 9 điểm.
Bài 4 là bài hình học, thường có 3 ý, với hai ý đầu khá đơn giản khi các em nắm chắc kiến thức cơ bản. Ý cuối thường gồm 2 câu hỏi nhỏ mang tính phân loại. Bài 5 thường hỏi về bất đẳng thức, dành cho mức điểm từ 9,5 đến 10.
Với cấu trúc đề như trên, có thể thấy nếu nắm chắc kiến thức và ôn luyện kỹ càng, các em chỉ cần làm trọn vẹn phần cơ bản thì sẽ đạt mức điểm 7,5 đến 8 không khó.
Để đạt được điểm trọn vẹn, thí sinh cần tập trung trong tính toán cũng như vẽ hình, để không bị lỗi tính sai hoặc vẽ hình sai đáng tiếc. Việc đặt điều kiện cho các ẩn, đối chiếu điều kiện khi tìm được ẩn cũng là những lỗi đáng tiếc mà các em hay mắc phải, nên hãy làm chắc chắn từng bước, cứ có ẩn số là phải có điều kiện đi kèm ngay.
Ngoài ra, việc trình bày cũng rất quan trọng, các em cần trình bày đủ bước, không làm tắt hoặc bỏ qua các chú thích khi dùng định lý, tính chất, và không bỏ qua kết luận, trả lời câu hỏi.
Với mục tiêu trên 8 cho đến 9 điểm, các em cần làm tốt phần cơ bản, và còn thời gian để chinh phục ý cuối bài 1, bài 3. Những ý này đòi hỏi các em tích cực tính toán, suy luận và đối chiếu các điều kiện sau khi tìm được biến số hoặc tham số.
Muốn lên mức trên 9 điểm, các em cần giải quyết ý cuối bài 4 và bài 5. Đây là những bài đòi hỏi khả năng tư duy sâu sắc, quá trình ôn luyện phải rất kỹ càng. Chú ý bài 4 thường đi theo cấu trúc ý trên gợi ý cho ý dưới, nên các em hãy vận dụng những gì đã chứng minh được để suy luận, giải quyết ý cuối của nó.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại