Thứ hai 06/05/2024 20:09
Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”:

Theo lời Bác, hàng triệu trái tim vẫn hăng say thi đua

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Tôi tin chắc rằng, đồng hành cùng với 700 điển hình tiên tiến về dự cuộc gặp mặt hôm nay, còn có rất nhiều tấm gương thầm lặng khác đang cống hiến trên nhiều lĩnh vực, ở khắp mọi miền của Tổ quốc, trong các tầng lớp dân cư, kể cả đồng bào ta đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài không có điều kiện về dự buổi lễ hôm nay".

Đây là lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, điển hình tiên tiến qua các thời kỳ vừa diễn ra tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.

Thi đua trở thành một phẩm chất đạo đức của người Việt Nam

70 năm qua, kể từ ngày Bác ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, thi đua đã trở thành một phẩm chất đạo đức của người Việt, dù ở thời kỳ nào, lĩnh vực nào cũng không thiếu những tấm gương tích cực thi đua.

Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Công tác thi đua khen thưởng có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội. Cách đây 170 năm, nhà lý luận thiên tài, nhà tư tưởng vĩ đại của giao cấp vô sản Các Mác đã chỉ rõ: Thi đua là một hiện tượng xã hội tồn tại khách quan, là quy luật phát triển tất yếu của quá trình hợp tác lao động của con người, ở đâu có hợp tác lao động, thì ở đó có thi đua”.

Vận dụng và phát triển sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về thi đua vào phong trào cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng quan niệm về thi đua lên một tầm tư tưởng, coi thi đua là một phẩm chất đạo đức, thể hiện lòng yêu nước của người Việt Nam. Người nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Suốt chặng đường 70 năm chiến đấu, xây dựng, bảo vệ đất nước qua các thời kỳ, ở lĩnh vực nào, mặt trận nào, chúng ta cũng có những tấm gương thi đua tiêu biểu. Cuộc đời họ, là những nỗ lực không ngừng khi học hỏi và làm theo lời Bác. Từ “Gió Đại Phong”, “sóng Duyên Hải” đến các phong trào "Ba xung phong," "Ba sẵn sàng," "Ba đảm đang," "Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến," "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược," "Tất cả để bảo vệ biên cương của Tổ quốc"...

Tất cả, đã thực sự trở thành động lực và hành động cách mạng trong các cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chống Mỹ cứu nước và bảo vệ chủ quyền đất nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ đổi mới với nhiều phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ hội nhập, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như: “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, "Ðền ơn đáp nghĩa", “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”…

Từ những phong trào đó, đã có một lớp người mở đầu, đi đầu, qua nhiều thời kỳ, vẫn là những người dẫn đầu, cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước của toàn dân mà có thể, trong lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, tên họ chưa được nhắc đến, nhưng, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, họ vẫn lặng thầm cống hiến cho đất nước trên mọi mặt trận, trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

theo loi bac hang trieu trai tim van hang say thi dua
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng hoa các đại biểu điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua ái quốc. Ảnh:TTXVN

Lặng thầm cống hiến, miệt mài thi đua

70 gương điển hình trên một số lĩnh vực tiêu biểu của 63 tỉnh, TP và 6 Bộ: Công an, Công Thương, GD&ĐT, Ngoại giao, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Y tế vừa được tuyên dương, tôn vinh trong Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua yêu nước, đều là những tập thể, những Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, điển hình tiên tiến trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy, lao động sản xuất - kinh doanh, đấu tranh chống tội phạm, hoạt động xã hội, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đó là một cựu tù Phú Quốc - Lâm Văn Bảng (ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội)- Ông là nhân chứng lịch sử, người chiến sĩ cách mạng trung kiên, kiên cường trong chiến đấu, bất khuất trong ngục tù đế quốc; dành nhiều thời gian sưu tầm hiện vật, kỷ vật chiến tranh; tự nguyện hiến 2.000m2 đất để làm Bảo tàng.

Đó là anh nông dân Phạm Văn Hát ở Hải Dương, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, đã cần cù sáng tạo, có nhiều sáng kiến, chế tạo máy nông nghiệp. Lần đầu tiên, sáng chế của nông dân Việt Nam được đặt hàng ra bốn quốc gia khác trên thế giới. Với trình độ của người tốt nghiệp lớp 7, từng vất vả với công việc đồng ruộng, anh chính là điển hình của tấm gương sáng tạo từ lao động trực tiếp.

Trên mặt trận bảo vệ an ninh trật tự, Đại tá Lê Hồng Thắng (biệt danh Thắng “Phẩm”) đã trở thành một cái tên quen thuộc cả với người dân TP Hải Phòng và với cả các đối tượng hình sự.

Lần lượt đảm nhận các nhiệm vụ Đội phó, Đội trưởng Đội xâm phạm sở hữu, Phó Trưởng CA huyện An Dương (phụ trách hình sự), Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CA TP, ở cương vị công tác nào đồng chí cũng luôn là điển hình tiên tiến, tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự.

Còn có Trung tá Lê Mạnh Hùng, Đội trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, CA tỉnh Thanh Hóa, 6 năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 lần được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND.

Trong những tấm gương thi đua không ngừng, còn có những bác sĩ, nhà giáo, đơn vị bộ đội, doanh nhân, nghệ sĩ, người công nhân đến từ nhiều công xưởng trong nhiều lĩnh vực sản xuất ở khắp cả nước...

Từ lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh 70 năm trước, chúng ta có lớp lớp triệu người hưởng ứng và luôn thi đua không ngừng, biến hành động thi đua trở thành một phẩm chất đạo đức của người Việt, nhân rộng các phong trào thi đua trở nên thiết thực và có chiều sâu. Quan trọng hơn, qua thời gian, Lời kêu gọi thi đua của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị, vì vẫn còn hàng triệu người, lặng thầm thi đua không ngừng theo lời hiệu triệu của Người.
Phan Thủy 
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động