Tăng trưởng GDP năm 2023 cao nhất 6,46%
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Tăng trưởng GDP năm 2023 cao nhất 6,46% |
Dù còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự cải thiện giữa các quý, đạt 3,28% trong quý I/2023 và 4,14% trong quý II/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng đạt 3,72%. Trong Hội thảo công bố Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023", Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) dự báo, kịch bản tích cực tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,46% trong năm 2023.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế. Tư duy về cơ chế thử nghiệm cho một số ngành, lĩnh vực và cơ chế đặc thù cho vùng, địa phương được cân nhắc tích cực hơn. Chính phủ cũng tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, các dự án không hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém... Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện theo hướng tháo gỡ rào cản, vướng mắc về quy định.
Nửa đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.357,7 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại thời điểm 30/6/2023 đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (27,75%) và về số tuyệt đối cao hơn 65,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 43%). Thu hút vốn FDI của Việt Nam ước đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3%, song phần vốn thực hiện tăng 0,5%.
Hoạt động xuất khẩu của cả nước gặp nhiều khó khăn. Tổng giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm 2023 ước đạt 164,5 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022. Ở chiều ngược lại, tổng giá trị nhập khẩu ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2%. Dù vậy, Việt Nam vẫn duy trì thặng dư thương mại (ước đạt hơn 12,2 tỷ USD).
Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cả năm 2023, GIZ đưa ra 3 kịch bản.
Kịch bản 1: Giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối của các năm 2021-2022. Tăng trưởng GDP khả năng đạt 5,34% trong năm 2023; trong đó xuất khẩu cả năm giảm 5,64% và chỉ số CPI bình quân tăng 3,43%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.
Kịch bản 2: Giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 về các yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. Theo đó, CIEM kỳ vọng tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm, xuất khẩu giảm 3,66% và CPI bình quân tăng 3,87%, cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD.
Kịch bản 3: Lạc quan hơn với giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn…) và sự quyết liệt trong cải cách, điều hành ở Việt Nam. Nhờ vậy, hoạt động giải ngân và hấp thụ đầu tư công, tín dụng đạt kết quả tối đa. Thêm vào đó, môi trường kinh doanh và năng suất lao động tiếp tục cải thiện. Hoạt động đầu tư được thúc đẩy và thực hiện theo hướng hiệu quả hơn. Ở kịch bản này, CIEM kỳ vọng tăng trưởng GDP có thể ở mức 6,46% trong năm 2023. Theo đó, xuất khẩu cả năm chỉ giảm 2,17%, CPI bình quân tăng 4,39%, cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: Điều kiện kinh tế thế giới hồi phục tích cực và nỗ lực trong nước là tiền đề quan trọng để đạt mức tăng trưởng khả quan trong năm 2023 này.
Trong nước đòi hỏi quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương trong việc thực hiện các chính sách đề ra. Trong thời gian qua công thức đề ra về chính sách của Việt Nam là gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, cải thiện môi trường kinh doanh là rất đúng và trúng, nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện. Làm thế nào tổ chức thực hiện được và thực hiện quyết liệt, thực hiện sớm để bảo đảm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp được cải thiện, giải ngân đầu tư công thực hiện ở mức cao nhất và giải ngân tín dụng cũng là mức cao nhất, có thể lên tới 15% so với năm ngoái, thì kết quả tăng trưởng sẽ tăng lên”...
Tăng trưởng kinh tế ở mức 6-7% tình trạng thiếu điện sẽ trầm trọng hơn? | |
Tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn trong quý II | |
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại