Tái hiện không gian Tết thời bao cấp tại Thanh Hóa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCăn phòng nhà ngoài với lối trang trí đậm nét một thời. Khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trang trọng treo trên cao, phía dưới là ảnh chân dung Bác Hồ. |
Nhắc đến thời bao cấp, lớp trẻ ngày hôm nay chỉ được nghe qua những câu chuyện kể của ông bà, cha mẹ là những quầy mậu dịch đông kín người xếp hàng chờ mua lương thực, một lít dầu đốt, vài ba chiếc ốc vít bu lông, là cái ti vi trắng đen cả xóm quây quần mỗi tối, là tiếng xe điện leng keng khắp nẻo phố phường, là nghệ sĩ kéo nhị hát xẩm quên đêm…
Gần như tất cả những gì diễn ra trong đời sống thời bao cấp mới đây đã được hiện diện tại Bảo tàng Thanh Hóa. Ký ức những năm sau chiến tranh, trước đổi mới (1976-1986), không gian đời sống thời bao cấp được sưu tầm, tái hiện bằng 3 khu vực chính bao gồm phòng khách, gian bếp và cửa hàng mậu dịch.
Bàn ăn thời bao cấp được làm từ tre. |
Đa số các hiện vật trưng bày tại đây được bảo tàng sưu tầm, lưu trữ; một số do người dân hiến tặng. Những hiện vật không thể sưu tầm, nhân viên bảo tàng đã tìm cách phục dựng lại tương đối giống với nguyên bản.
Ngoài ra, không gian cửa hàng mậu dịch tái hiện lại khá đầy đủ các loại hàng hóa, vật dụng, trong đó có nhiều loại hàng hóa phục vụ Tết Nguyên Đán như mứt Tết, pháo Tết, rượu chanh, bánh chưng, giò lụa, tranh cá chép, thuốc lá, mật mía… Bên cạnh đó là chiếc cân mậu dịch, bàn tính gỗ, sổ theo dõi mua hàng, các loại tem phiếu mua thực phẩm, đồ gia dụng…
Cửa hàng mậu dịch thời bao cấp. |
Chăm chú ngắm nhìn từng góc trưng bày, bà Trần Thị Thu (70 tuổi, ngụ TP Thanh Hóa) nhớ lại: “Thời bao cấp, để có được những nhu yếu phẩm cần thiết hàng ngày, nhiều gia đình phải huy động mọi người trong nhà dậy thật sớm để đi xếp hàng. Nếu đang xếp hàng mà có việc rời khỏi vị trí, người ta thường dùng viên gạch đặt đánh dấu để… giữ chỗ. Những người xếp hàng sau cứ đá viên gạch lên trên cho đến khi có người đến nhận chỗ. Cảnh xếp hàng cũng gây ra nhiều phiền toái do chờ đợi lâu, bị mậu dịch viên gây khó dễ nên xảy ra va chạm, cãi vã thường xuyên. Cũng có người đến lượt phải ra về tay không vì… hết hàng”.
Máy khâu giúp người phụ nữ tự may vá quần áo cho các thành viên trong gia đình. |
Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cho biết, 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chưa có nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, cảm nhận “đời sống thời bao cấp”. Năm nay, bắt đầu từ 16 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng, bảo tàng sẽ tổ chức trưng bày, mở cửa đón khách.
“Đối với những người đã từng sống qua thời bao cấp, ký ức rất khó quên. Còn đối với thế hệ trẻ - những người sinh ra sau những năm 80 của thế kỷ trước, thật khó để hình dung, hiểu và chia sẻ những khó khăn, vất vả mà ông bà, bố mẹ họ đã trải qua.
Từ thực tế đó, chúng tôi tổ chức trưng bày chuyên đề đời sống thời bao cấp giúp khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử quan trọng, biết trân trọng, giữ gìn những thành quả to lớn của công cuộc đổi mới đất nước, từ đó nêu cao tính năng động, sáng tạo, sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách vươn lên trong học tập, lao động, góp phần xây dựng đất nước…”, ông Dương nói.
Một số hình ảnh thời bao cấp được tái hiện tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa:
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại