Thứ năm 21/11/2024 22:02

Quy hoạch chất lượng để Thủ đô phát triển xứng tầm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị TP Hà Nội, công tác lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) đã đi vào những bước cuối cùng để hoàn thiện.
Quy hoạch chất lượng để Thủ đô phát triển xứng tầm
Sơ đồ phân vùng phát triển kinh tế - xã hội trong lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là một dự án lớn, gồm rất nhiều đầu việc khó, thời gian thực hiện tương đối khẩn trương, song yêu cầu chất lượng quy hoạch luôn được TP đặt lên trên hết.

Sự cần thiết của việc lập quy hoạch

Thủ đô Hà Nội với diện tích hơn 3,3 triệu km2; dân số gần 8,4 triệu người, gồm 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, bộ mặt kinh tế - xã hội của Thủ đô đã có rất nhiều thay đổi, đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô cũng còn một số mặt hạn chế, yếu kém cần được khắc phục để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, thực sự là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” như nêu trong Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.

Cùng với đó, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển mới, song cũng đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức. Luật Quy hoạch chính thức có hiệu lực từ năm 2019, Quốc hội đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng, Quy hoạch vùng Trung du miền núi phía Bắc, Quy hoạch các tỉnh trong Vùng Thủ đô đã và đang được lập, đặt ra nhiều thay đổi có tác động đến vị thế, vai trò, điều kiện phát triển của Hà Nội.

Trong bối cảnh đó, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, cụ thể hóa định hướng chiến lược phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm Thủ đô các nước phát triển, làm cơ sở cho việc quản lý, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô, UBND TP Hà Nội tổ chức lập “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội (cơ quan tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô), TS Lê Ngọc Anh cho hay, Quy hoạch Thủ đô được thực hiện theo Luật Quy hoạch là một nhiệm vụ hoàn toàn mới, phức tạp.

Phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp, phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực, khối lượng công việc khổng lồ, liên quan đến nhiều luật khác nhau. Do đó, để hoàn thành được bản quy hoạch với chất lượng bảo đảm, trong thời gian tương đối khẩn trương, TP Hà Nội đã có cách làm chủ động, sáng tạo, triển khai đồng thời, đồng bộ các bước, rút gọn quy trình thủ tục nhưng vẫn bảo đảm quy định. “Công tác lập Quy hoạch Thủ đô đã được thực hiện hết sức khẩn trương, bảo đảm đúng tiến độ đề ra, đó thực sự là một quá trình công phu và kỹ lưỡng” - TS Lê Ngọc Anh nhấn mạnh

Vào cuộc đồng bộ để bảo đảm chất lượng quy hoạch

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội là lập quy hoạch cấp tỉnh nhưng không phải chỉ là quy hoạch cho một đơn vị hành chính cấp tỉnh mà là quy hoạch phát triển Thủ đô cho cả nước. Ý thức được tầm quan trọng này, ngay sau khi Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều quyết định, văn bản để huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị TP.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, TS Lê Ngọc Anh cho biết, với sự chỉ đạo kịp thời của TP, Viện đã bắt tay ngay vào triển khai nhiệm vụ một cách bài bản, quyết liệt, mời các chuyên gia, nhà khoa học để tham vấn, hướng dẫn cơ quan lập quy hoạch. Đồng thời tổ chức hàng trăm buổi tọa đàm, hội thảo xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; làm việc với các đơn vị sở ngành, quận, huyện, thị xã về những nội dung tích hợp quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa bàn... Nhất là sau khi lựa chọn được Liên danh tư vấn lập Quy hoạch (tháng 5/2023) gồm 7 đơn vị là các viện nghiên cứu đầu ngành, trường đại học, cơ quan, đơn vị của bộ, ngành, TP đã luôn đồng hành, theo sát trong thực hiện nhiệm vụ.

GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân (đơn vị đứng đầu Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô) cho biết, lập Quy hoạch Thủ đô là một dự án lớn, gồm rất nhiều đầu việc khó nhưng phải hoàn thành trong thời gian tương đối khẩn trương. Tuy nhiên, điểm thuận lợi đó là có sự quyết tâm rất lớn từ chính quyền TP, luôn đồng hành cùng với các đơn vị tư vấn trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng nên chỉ trong thời gian ngắn, Liên danh tư vấn đã hoàn thành được phương án đề xuất ban đầu, nêu được các định hướng, ý tưởng lớn cho phát triển Thủ đô.

Cũng theo GS.TS Hoàng Văn Cường, để bảo đảm yêu cầu chất lượng đặt lên hàng đầu, việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã quán triệt và bảo đảm sự tuân thủ, bám sát các quy trình, nội dung, nguyên tắc theo Luật Quy hoạch, nghị định, các thông tư hướng dẫn thực hiện. Quy hoạch cũng bảo đảm tính thống nhất, tổng thể, đồng bộ và hệ thống giữa quy hoạch Thủ đô với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, bảo đảm sự kết hợp hiệu quả giữa quản lý ngành, lĩnh vực với quản lý lãnh thổ, bảo vệ môi trường, quốc phòng - an ninh.

Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch cũng bảo đảm tính khả thi trong triển khai, phù hợp với khả năng thực tế, nguồn lực thực hiện của Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030 và khả năng huy động nguồn lực trong tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng các phương án, định hướng phát triển phù hợp với xu thế phát triển, vận động của bối cảnh trong và ngoài nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Đặc biệt, bảo đảm phát huy được vai trò vị thế và tiềm năng của Hà Nội là Thủ đô của cả nước, trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế hàng đầu của quốc gia cũng như khu vực. Quy hoạch cũng bảo đảm tính khoa học, kết nối liên thông, khả thi, tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật, phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.

Quy hoạch Thủ đô hoàn thành sẽ là công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng để các cấp chính quyền TP Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển. Với sự chỉ đạo linh hoạt của TP, sự tập trung vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị và sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng, xã hội với phương châm "Cả nước vì Thủ đô, Thủ đô vì cả nước", Hà Nội sẽ hoàn thành được bản quy hoạch đặc biệt quan trọng này với chất lượng cao nhất nhằm xây dựng Thủ đô - Thành phố anh hùng, hòa bình, sáng tạo, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Nội dung quy hoạch Thủ đô Hà Nội gồm: phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; yêu cầu về phương án phát triển các ngành quan trọng; yêu cầu về phát triển trong điều kiện kết nối Hà Nội với các tỉnh, TP trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng nhằm phát huy vai trò động lực phát triển của Thủ đô trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hà Nội đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng về quy hoạch, xây dựng và nhà ở
Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo đột phá trong công tác quy hoạch
Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học về quy hoạch Thủ đô
Vũ Lê
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động