Thứ năm 10/10/2024 02:19
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024):

Phở “treo” Hà Nội: “Trao đi sự tử tế nhận lại một cuộc đời hạnh phúc”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khởi xướng từ tháng 7/2024, quán phở “treo” với cái tên khá lạ trên phố Bảo Khánh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là điểm đến của những khách hàng đặc biệt. Họ là những người lao động nghèo, người già, người khuyết tật, trẻ nhỏ… mỗi người một hoàn cảnh, khó khăn riêng nhưng có một niềm vui chung khi đón nhận sự tử tế từ những điều giản dị.
Phở “treo” Hà Nội: “Trao đi sự tử tế nhận lại một cuộc đời hạnh phúc”
Chị Nguyễn Thị Cát Lệ là người khởi xướng phở "treo" đầu tiên tại Hà Nội. Ảnh: Mộc Miên

Bình dị phở “treo” đầu tiên ở Hà Nội

Một ngày tháng 8, cái nóng hầm hập của mặt đường cùng với âm thanh xe cộ buổi trưa đều nhường chỗ cho những nụ cười thân quen. Bà Lê Thị Tám vừa kịp để chiếc giỏ đồ hàng bán rong trước cửa quán đã nhận được lời chào thân thuộc “Mời cô ngồi” của chị chủ quán Nguyễn Thị Cát Lệ. Vừa đon đả sắp xếp chỗ ngồi cho vị khách “đặc biệt”, chị Nguyễn Thị Cát Lệ lên tiếng cho nhân viên: “Làm một suất phở treo nhé!”.

Chỉ ít phút, bát phở bò nóng hổi, thơm lừng được bê ra mời khách. Trên gương mặt sạm đen vì nắng gió, bà Lê Thị Tám nở nụ cười hiền và lời cảm ơn tới chị chủ quán. Bà Lê Thị Tám cho biết, đây là lần thứ 3 bà ghé quán ăn suất phở treo, phở ở đây thơm ngon và rất nhiều thịt bò. Thường ngày mỗi bữa trưa, bà Lê Thị Tám chỉ ăn tạm chiếc bánh mì hay suất cơm 10.000 - 15.000 đồng, nay được thưởng thức bát phở bò thơm ngon và miễn phí hoàn toàn nên cảm thấy ấm lòng.

Phở “treo” Hà Nội: “Trao đi sự tử tế nhận lại một cuộc đời hạnh phúc”
Bà Lê Thị Tám (quê Thanh Hóa) đón nhận suất phở "treo" giữa phố cổ Hà Nội. Ảnh: Mộc Miên

Bà Lê Thị Tám kể: “Tôi quê Thanh Hóa ra Hà Nội bán hàng rong từ sau đợt dịch Covid-19. Ở quê không có việc làm nên dù bước sang tuổi 70, sức khỏe yếu vẫn bươn chải cuộc sống mưu sinh trên đất thị thành. Mỗi ngày, thu nhập từ nghề bán hàng rong từ 50.000 – 100.000 đồng nên để dành tiền ăn bát phở là điều vô cùng xa xỉ”. Cùng với bà Lê Thị Tám, mỗi ngày quán ăn của chị Nguyễn Thị Cát Lệ chào đón nhiều vị khách đặc biệt khác.

Nói về ý tưởng này, chị Nguyễn Thị Cát Lệ (SN 1979, Hà Nội) cho biết, trong đợt dịch Covid-19, tình cờ chị xem một chương trình của Ý về cà phê "treo", táo "treo", gần đây nhất là mô hình cơm "treo" tại TP Hồ Chí Minh. Thấy chương trình ý nghĩa, chị bàn với chồng và được cả gia đình đồng ý.

Tuy nhiên, thời điểm sau đại dịch nên điều kiện kinh doanh chưa ổn định, đến tháng 7/2024 chị Nguyễn Thị Cát Lệ chính thức tổ chức hoạt động phở “treo”. Theo đó, quán ăn tự treo 30 bát phở mỗi ngày trích từ doanh thu của quán. Những khách hàng muốn gieo duyên thì có thể “treo” phở bắt đầu từ số 31. Các suất “treo” còn lại của ngày hôm trước chưa được dùng sẽ được quán cộng dồn sang ngày hôm sau.

Ban đầu quán gắn biển phở “treo” nhiều người dân tỏ ra lạ lẫm, thắc mắc. Sau nhiều lần được nhân viên đon đả chào mời và giải thích rõ ràng câu chuyện đằng sau tấm biển phở “treo” ai cũng hiểu và nhiệt tình ủng hộ. Câu chuyện về phở “treo” khiến nhiều du khách nước ngoài hiếu kỳ, ghi hình và quay video làm tư liệu quảng bá hình ảnh, điểm đến của Hà Nội.

Trước đây, quán ăn của gia đình chị Nguyễn Thị Cát Lệ nổi tiếng với món bánh cuốn nóng được trao truyền qua 3 thế hệ. Ngoài món ăn đặc trưng, giờ đây quán ăn còn kinh doanh phở bò. Nhờ vị trí đắc địa, gần phố cổ Hà Nội, chỉ cách Hồ Gươm hơn trăm mét đi bộ nên quán ăn thường ngày khá đông khách quốc tế. Các bình luận trên trang du lịch nhận được đánh giá cao từ khách du lịch.

Khái niệm phở “treo” hiểu nôm na thực khách ăn trước rồi mua một phần ăn để dành ở đó cho những người có hoàn cảnh khó khăn, không đủ khả năng chi trả cho một bữa ăn tử tế. Về mặt ý tưởng, phở “treo” tại Hà Nội không phải ý tưởng tiên phong nhưng nhân lên ý nghĩa cao đẹp, nhân văn. Dưới dòng chữ phở “treo” chị Nguyễn Thị Cát Lệ có làm thêm biển ghi dòng chữ: “Đây là hình thức từ thiện bằng việc để lại một phần ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn trong cộng đồng mà vẫn ủng hộ quán ăn địa phương” để nhiều người hiểu và ủng hộ hoạt động.

Phở “treo” Hà Nội: “Trao đi sự tử tế nhận lại một cuộc đời hạnh phúc”
Chị Nguyễn Thị Cát Lệ gắn số suất "treo" mới vừa được một khách hàng ủng hộ. Ảnh: Mộc Miên

Theo quy định của quán, số bát phở “treo” chỉ dừng lại ở hai chữ số. Con số 99 bát phở “treo” tối đa mỗi ngày qua lý giải của chị Nguyễn Thị Cát Lệ cho rằng, “của cho không bằng cách cho”, do diện tích quán ăn nhỏ, hẹp nên hoạt động phở “treo” đúng nghĩa cũng cần đảm bảo chỗ ngồi đầy đủ cho khách hàng. Cùng với đó là sự tinh tế trong cung cách phục vụ. Những ngày đầu khởi xướng hoạt động phở “treo”, quán ăn đã chuẩn bị bộ bát phở riêng với hình dáng to hơn bát phở thông thường.

Chị Nguyễn Thị Cát Lệ cho hay: “Bát phở quán ăn bán cho khách vẫn giữ nguyên như thường ngày, còn bát phở dành cho khách ăn phở “treo” được cửa hàng đặt riêng. Chiếc bát to hơn để đựng được nhiều bánh phở và thịt bò đầy đặn hơn”.

Từng trải qua quãng thời gian khó khăn, ốm đau bệnh tật nên chị Nguyễn Thị Cát Lệ hiểu rằng, người dân đến ăn phở “treo” đều là những lao động nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Có trường hợp gần trưa mới đến ăn vì họ gộp cả bữa sáng và bữa trưa thành một. Có người chọn trưa muộn hay tối muộn mới đến vì ái ngại quán còn phục vụ khách hàng. Bởi vậy, bát phở “treo” được quán ăn phục vụ nhiều thịt bò, nhiều bánh phở hơn để mỗi trường hợp nhận suất phở “treo” có thể ăn no bụng.

Lan tỏa nghĩa cử nhân văn tới cộng đồng

Bên cạnh hoạt động phở “treo”, hơn 13 năm nay gia đình chị Nguyễn Thị Cát Lệ đều đặn tổ chức hoạt động “Cơm nhân ái” phát cơm, phát cháo tại Bệnh viện K và Bệnh viện E… Trong thời điểm Covid-19, hàng quán đóng cửa, phong tỏa phía trong quán ăn của gia đình chị Nguyễn Thị Cát Lệ vẫn “đỏ lửa”, ủng hộ hàng trăm suất cơm nhân ái mỗi ngày. Những suất cơm, suất cháo nhân ái là sự chia sẻ đầy tử tế và khiêm nhường trong thời buổi còn nhiều người khó khăn cần sự giúp đỡ.

Giữa phố xá náo nhiệt, lối sống thành thị “nhà nào đóng cửa nhà đó” vẫn lấp lánh tình người ấm áp của những người con Hà Nội với cái tâm sáng. Ở đó, mọi nghĩa cử cao đẹp xuất phát từ những việc làm, hành động giản dị với tinh thần “lá lành đùm lá rách” nhân lên thêm nhiều nghĩa cử nhân văn để giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vơi đi gánh nặng trong cuộc sống.

Cách chị Nguyễn Thị Cát Lệ làm thiện nguyện đó là “trao đi sự tử tế để nhận lại cuộc đời hạnh phúc”. Điều chị Nguyễn Thị Cát Lệ mong muốn, hành động nhỏ sẽ lan tỏa ý nghĩa lớn, truyền cảm hứng tới nhiều cơ sở kinh doanh khác, sẽ có thêm nhiều cửa hàng cơm “treo”, bánh mì “treo”, bún chả “treo”…tại các con phố Hà Nội thời gian tới.

Ngày 9/8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 2328/QĐ - BVHTTDL đưa “Phở Hà Nội” của thành phố Hà Nội vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia: Tri thức dân gian. Phở Hà Nội đáp ứng các tiêu chí, vừa có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương, vừa phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người. Nét đẹp từ hình thức phở “treo” giúp lan tỏa ẩm thực di sản phở Hà Nội được giữ gìn và vươn ra thế giới, là hoạt động thiết thực ý nghĩa hướng đến dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Phở Hà Nội được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Phở Hà Nội được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Hà Nội trong tôi: ngọn lửa cách mạng sáng mãi cùng năm tháng Hà Nội trong tôi: ngọn lửa cách mạng sáng mãi cùng năm tháng
Kỳ 1: Nét thanh lịch trong kinh doanh của người Hà Nội Kỳ 1: Nét thanh lịch trong kinh doanh của người Hà Nội
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động