e magazine
12:46 | 27/07/2024
Kỳ 1: Nét thanh lịch trong kinh doanh của người Hà Nội

12:46 | 27/07/2024

Nói về sự thanh lịch của người Hà Nội, từ xưa đã có câu:“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Ngắn gọn, xúc tích nhưng thể hiện rõ nét hình ảnh của người dân Thủ đô nghìn năm văn hiến. Hà Nội từ lâu được xem là vùng đất linh thiêng, là nơi tinh hoa hội tụ. Thế nên, dẫu trải qua ngàn năm Bắc thuộc, oằn mình trong chiến tranh nhưng vùng đất này vẫn giữ cho mình những phẩm chất thanh cao nhất từ đời sống cho đến tâm hồn.
Kỳ 1: Nét thanh lịch trong kinh doanh của người Hà Nội
Bài 1: Nét thanh lịch trong kinh doanh của người Hà Nội

Cái thanh, cái đẹp của người dân Hà Thành không chỉ là nhan sắc, là giọng nói, là tâm hồn.. mà nó còn đến từ những chuẩn mực trong đời sống hằng ngày. Người Tràng An nhẹ nhàng, khiêm nhường từ trong đời sống, sinh hoạt cho đến trong giao tiếp, buôn bán… từ đó hình thành nên nét văn hóa kinh doanh mang cái phong cách, khí chất riêng của đất Kinh kỳ.

Nếu đã nói đến văn hóa kinh doanh của người Hà Nội thì phải nhắc đến 36 phố phường tấp nập với nét văn hóa buôn bán, kinh doanh nức tiếng một thời. Từ những khu chợ nhỏ, Hà Nội dần hình thành và xây dựng cho mình truyền thống kinh doanh độc đáo mà không đâu có được, đi kèm theo đó là cộng đồng cư dân đông đúc, quy tụ những thương nhân, những người thợ thủ công tinh hoa bậc nhất vùng đất linh kiệt này.

Để tìm hiểu về 36 phố phường chúng ta cần phải lần giở lại lịch sử, cũng chẳng có mốc thời gian xác định cụ thể, chỉ biết rằng từ ngàn năm trước, những người thợ tài hoa từ khắp các miền quê lân cận đã cùng nhau kéo lên Kinh đô mở nhà, lập phố. Bằng đôi tay khéo léo của mình, họ đã làm ra những sản phẩm hàng hoá tinh xảo cung cấp cho dân chúng Kinh kỳ và các vùng lân cận, làm cho phố phường ngày càng trở nên sầm uất. Từ chỗ buôn bán tự phát các sản vật của địa phương, qua thời gian, nhiều khu chợ bắt đầu kinh doanh theo ngành nghề, là nguồn gốc của 36 phố Hàng ngày nay.

Có thể nói rằng, mảnh đất Kinh kỳ mang những đặc trưng của vùng đất hội tụ tinh hoa cả nước. Bởi lẽ ấy, cuộc sống, tính cách con người Kinh kỳ cũng mang dáng dấp tiêu biểu cho cả dân tộc. Để tồn tại và phát triển được ở đất Kinh kỳ, những người nhập cư vào đây phải cọ xát, đua trí, đua tài và văn minh lên. Và dần, nét tài hoa, tính sành mặc, sành chơi, sành ăn, sành làm thấm dần vào từng thế hệ. Để rồi, đến những thế hệ tiếp theo và sau này được sinh ra ngay trên chính đất Hà Nội, chất kinh kỳ ngày càng nổi trội. Và cuối cùng, qua nhiều thập kỷ, thế kỷ, trở thành người Hà Nội.

Văn hóa giao thương Hà Nội còn có đặc trưng bởi tinh thần bán buôn đoàn kết, tương trợ hình thành suốt bao đời. Nhiều người dân buôn bán ở khu phố cổ cho rằng, việc buôn bán ở đây chủ yếu xuất phát từ lòng tin tưởng bạn hàng, mọi người cùng hỗ trợ nhau. Thế nên, dù qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, người Hà Nội vẫn giữ nếp xưa “buôn có bạn, bán có phường”.

Không chỉ hỗ trợ nhau, người Hà Nội xưa còn tự hào khi được ngợi ca tài năng trong lao động, sản xuất qua câu thơ “Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ”. Ngày nay, người Hà Nội lao động sản xuất trong nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng nét hào hoa, thanh lịch của con người Hà Nội vẫn được bộc lộ. Có thể nói, “Hà Nội - phố nghề” là sự hội tụ tài năng, bản sắc văn hoá và từ lâu đã trở thành niềm tự hào của cả nước.

Bài 1: Nét thanh lịch trong kinh doanh của người Hà Nội
Bài 1: Nét thanh lịch trong kinh doanh của người Hà Nội

Nếu nói về văn hóa kinh doanh của người Hà Nội mà không nói đến ẩm thực thì là một thiếu sót khó có thể chấp nhận được. Được góp nhặt từ các vùng quê theo bước chân của người di cư đến đất Kinh kỳ xưa, để rồi tất cả được đúc kết sự tinh túy theo thời gian hình thành nên cái ẩm thực riêng của người Hà Nội.

Thế nên, thật dễ hiểu khi cái ngon, cái hay trong ẩm thực của Hà Nội đã đi vào nhiều tác phẩm văn học như: “Hà Nội 36 phố phường” (1943) của Thạch Lam, “Miếng ngon Hà Nội” (1960) của Vũ Bằng hay “Thương nhớ mười hai” (1971) của Băng Sơn...

Thật vậy, Hà Nội có rất nhiều món ngon để đời. Món ăn truyền thống đầu tiên được nghĩ tới khi nói về Hà Nội luôn luôn là món phở nước. Phở Hà Nội là dấu ấn ẩm thực khó quên, lưu giữ những hương vị tinh túy của dân tộc. Phở là sự hòa quyện tinh tế giữa nước dùng béo ngậy, rau thơm thanh mát, thịt bò, thịt gà thơm lừng cùng nhiều nguyên liệu khác. Phở đặc biệt như nhà văn Nguyễn Tuân đã mô tả: “Phở còn tài tình ở cái chỗ là mùa nào ăn cũng thấy có nghĩa thâm thúy. Mùa nắng, ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợt thắm tươi lại”.

Bún chả Hà Nội cũng là một món ăn dân dã với chả thịt lợn nướng trên than hoa và bát nước mắm chua cay mặn ngọt. Món ăn là thứ quà có sức sống lâu bền nhất của đất Thủ đô. Có thể coi đây là một trong những đặc sản đặc trưng của ẩm thực Hà thành. Bún chả có nét tương tự món bún thịt nướng ở miền Trung và miền Nam, nhưng nước mắm pha có vị thanh nhẹ hơn. Đây cũng là món ăn mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng thưởng thức tại Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2016 khi còn đương chức.

Ngoài bún chả thì người Hà Nội còn có nhiều loại bún: bún riêu, bún ốc, bún chả, đặc biệt là bún thang. Nhiều người nhận xét rằng bún thang xứng đáng là đặc trưng cho ẩm thực cũng như cái cốt cách của người Hà Nội. Chế biến bát bún rất cầu kỳ, mất thời gian nhưng chế biến xong thì “đẹp như một bức tranh nhiều màu sắc”. Có lẽ họ cho rằng, bún thang là tiêu biểu cho ẩm thực Hà Nội vì nó thể hiện sự cầu kỳ, hình thức trong chế biến món ăn của người Hà Nội.

Còn nhiều, nhiều lắm những món ăn ngon trong ẩm thực của người Hà Nội mà chỉ cần nhắc tên người ta đã có thể hình dung ra cả hương và vị của món ăn như: chả cá, bánh cuốn, bánh tôm, cốm làng Vòng, bánh rán…

Thế nhưng, cùng với sự phát triển của đất nước, cuộc sống vội vã cộng với những guồng quay của công việc và biết bao lo toan khiến cho người ta quên hoặc cố tình quên đi một phần nào đó những gì thuộc về truyền thống. Dẫu biết rằng, người Hà Nội còn thì tức là cái vốn văn hóa của người Tràng An vẫn còn vì nó là một phần của cốt cách tạo nên con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, biến động dân cư, thay đổi xu hướng kinh doanh, áp lực cuộc sống… khiến văn hóa kinh doanh của người Hà Nội dẫu còn nhưng ít nhiều bị mai một, bị biến chất trong ngày nay.

Có thể, sự phát triển của thời đại vào một lúc nào đó làm phai mờ đi những giá trị mà người Hà Nội đã gầy công xây dựng. Thế nên, chúng ta cần gìn giữ các giá trị, từ văn hóa giao tiếp đến ứng xử, từ văn hóa ẩm thực đến cách ăn mặc, kinh doanh... Vì chúng ta hiểu rằng, giá trị văn hóa thanh lịch của người Hà Nội xưa chính là nền tảng để người dân Thủ đô tự hào và cố gắng phát huy các giá trị đó đến với bạn bè năm châu.

Kỳ 1: Nét thanh lịch trong kinh doanh của người Hà Nội

Nội dung: Thái Phương - Hải Yến

Ảnh: Khánh Huy

Thiết kế: Thanh Tuấn