Nuốt nghẹn, sụt cân, cần nghĩ tới loại ung thư này
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBác sĩ hỏi thăm tình hình bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư thực quản. Ảnh: BVCC |
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ thực quản đoạn bụng, tạo hình thực quản bằng dạ dày đường bụng cho 1 bệnh nhân bị ung thư thực quản.
Được biết trước khi nhập viện bệnh nhân buồn nôn và nôn ra nhiều dịch dạ dày, gầy yếu sút cân. Bệnh nhân đi khám tại bệnh viện, khi tiến hành nội soi dạ dày các bác sĩ phát hiện có cục bã thức ăn vùng môn vị và khối u thực quản. Sau khi sinh thiết cho kết quả ung thư biểu mô sừng hóa độ II. Do đó, bệnh nhân được chỉ định nhập viện phẫu thuật cắt khối u và điều trị chuyên sâu ung bướu.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lấy cục bã thức ăn, cắt đoạn thực quản tạo hình bằng dạ dày và lập lại lưu thông thực quản dạ dày bằng máy nối tự động. Quá trình phẫu thuật diễn ra trong nhiều giờ đồng hồ, đặc biệt trên người bệnh lớn tuổi kèm theo bệnh lý nền đòi hỏi sự kết hợp tốt giữa các bác sĩ hồi sức, phẫu thuật, gây mê trước, trong và hậu phẫu. Bên cạnh đó là đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ, kinh nghiệm vững vàng để làm chủ cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi.
Theo TS.BS Vũ Đức Thụ, đây là phẫu thuật khó thuộc lĩnh vực phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa bởi vị trí giải phẫu phức tạp từ vùng ngực phải, bụng, cổ trái, cận kề tim, phổi và các mạch máu lớn. Do vậy đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ, kinh nghiệm vững vàng, thao tác tỉ mỉ, chuẩn xác, đảm bảo diện cắt âm, kiểm soát các nguy cơ chảy máu, rò bục miệng nối.
Thực quản là đoạn ống tiêu hóa giữa cổ họng và dạ dày. Ung thư thực quản là tổn thương ác tính, thường xuất phát từ lớp biểu mô của thực quản. Bệnh thường xuất hiện các triệu chứng khó nuốt và giảm cân.
Điều trị ung thư thực quản được thực hiện dựa trên giai đoạn và vị trí ung thư, cùng với thể trạng chung của từng người, là sự phối hợp của xạ trị, hóa chất và phẫu thuật. Trong đó, phẫu thuật đóng vai trò quyết định.
Theo các bác sĩ, ung thư thực quản ở giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu rõ rệt, người bệnh thường phát hiện bệnh qua khám sức khỏe định kỳ hoặc tầm soát một bệnh lý khác. Khi ung thư tiến triển, người bệnh mới bắt gặp triệu chứng nuốt nghẹn, sụt cân, thiếu máu, tăng tiết nước bọt. Ở giai đoạn muộn, khối u đã xâm lấn ra ngoài thực quản gây nên triệu chứng khó thở, ho, sặc, khàn tiếng, đau khi nuốt, đau ngực, đau lưng hoặc đau bụng vùng thượng vị…
Do vậy, để phát hiện bệnh sớm, cách tốt nhất là cần khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần để có những biện pháp xử trí kịp thời đối với những bất thường về sức khỏe.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại