Thứ bảy 27/04/2024 22:22

Những quy định mới về lương và chứng chỉ nghiệp vụ đối với giáo viên: Vẫn còn băn khoăn cần tháo gỡ!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây Bộ GD&ĐT đã ban hành các thông tư số 01, 02, 03 và 04 để điều chỉnh một số nội dung trong các thông tư số 20, 21, 22 và 23 đã được liên Bộ ban hành năm 2015 về việc Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghê nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập mầm non và phổ thông (Tiêu chuẩn nghề và xếp lương). PV PL&XH đã có cuộc trao đổi với TS Đặng Tự Ân – Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) về vấn đề này.

Giáo viên được hưởng lợi, xã hội bớt tiêu cực

PV: Thưa ông, từ tháng 3-2021 nhiều chính sách mới có hiệu lực, trong đó có nhiều điểm đáng chú ý như giáo viên được tăng lương, xin ông cho biết ý kiến về vấn đề tăng lương giáo viên?

TS. Đặng Tự Ân: Sở dĩ có sự điều chỉnh tới cả một cụm thông tư như vậy (4 thông tư) là có lý do của nó, đó là chúng ta cần sớm đưa các Luật Giáo dục (2019) và Luật Viên chức (2010); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (2019) vào thực tế cuộc sống vốn rất đang sôi động trong lĩnh vực GD&ĐT.

Theo tôi, về vấn đề lương quy định mới sẽ giúp giáo viên được hưởng lợi, xã hội bớt tiêu cực.

Dải lương của giáo viên được mở rộng và có hệ số cao hơn, ở cả hai phía tối thiểu và tối đa trong mỗi hạng. Thay vì hưởng mức lương khởi điểm 1,86 (MN và TH) và 2,10 (THCS) như trước đây, nay được hưởng mức lương khởi điểm tương ứng là 2,10 và 2,34. Qua khảo sát sơ bộ ở một số cơ sở giáo dục, cho thấy số giáo viên có thâm niên dưới 12 năm được hưởng lợi nhiều hơn so với giáo viên có thâm niên dưới 24 năm. Riêng số giáo viên lớn tuổi, sắp nghỉ chế độ hưởng lợi về lương theo thông tư mới là không đáng kể.

Ngoài ra những quy định về danh hiệu thi đua, khen thưởng thể hiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên được thống nhất chung và mở rộng để giáo viên ở mọi cấp học, môn học đều thuân lợi phấn đấu, thực hiện.

PV: Vậy còn vấn đề về việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì sao, thưa ông?

TS Đặng Tự Ân: Để đạt được các bằng cấp, các chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn được quy định trong chức danh nghề dạy học là nỗi lo lắng của hầu hêt các giáo viên đang đứng lớp hành nghề, trong suốt 3, 4 năm qua. Chính thức tới ngày 20 tháng 3 này các tiêu chí giáo viên có trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học và trình độ ngoại ngữ thứ 2 của tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng, được bãi bỏ. Các trường học từ mầm non tới TH, THCS và THPT thở phào nhẹ nhõm, như trút bỏ dược gánh nặng, không khác gì đã cởi được nút thắt, một quy định thật không nên có khi áp dụng đồng loạt với tất cả các giáo viên phải có chứng chỉ trình độ.

Việc yêu cầu một thứ không gắn trực tiếp với chuyên môn, công việc thường nhật của giáo viên, chỉ có tác dụng “làm đẹp hồ sơ” liệu có cần thiết? Quy định về chứng chỉ nếu áp đặt một cách máy móc, cào bằng sẽ khiến đội ngũ công chức, viên chức khổ sở bổ sung hoàn thiện. Thực tế, những “giấy phép con” này cũng đã từng tạo ra những hành vi tiêu cực để “đạt chuẩn” theo yêu cầu. Đồng thời, cũng tạo nên những kẽ hở, vùng đất màu mỡ cho các đối tượng “cò bằng cấp”, “cò chứng chỉ” sống gửi, gây tốn kém và lãng phí cho người dân và cả xã hội.

Tuy nhiên, yêu cầu về năng lực sử dụng ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin không “ đoạn tuyệt” với nhà giáo mà tiếp tục được đưa vào tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên trong tất cả các hạng nhằm đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên trong quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Đây lại điểm mừng cho giáo viên, bởi vì nó là kỹ năng không thể thiếu của mỗi người viên chức trong xu hướng hội nhập và thời đại CN 4.0.

Những quy định mới về lương và chứng chỉ nghiệp vụ đối với giáo viên:  Vẫn còn băn khoăn cần tháo gỡ!

TS Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) trao đổi về những chính sách mới liên quan đến giáo viên

Còn đó những bất cập cần tiếp tục tháo gỡ

PV: Thực tế là quy định về chứng chỉ bồi dưỡng nghề nghiệp theo tiêu chuẩn hiện nay vẫn còn những ý kiến trái chiều, ông có ý kiến gì về vấn đề này không?

TS. Đặng Tự Ân: Giáo viên phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn nghề của hạng hiện giữ thì mới được bổ nhiệm vào hạng tương ứng. Cái này là quy định chung không chỉ viên chức ngành giáo dục. Nhưng vấn đề là chất lượng, biến tướng của các lớp học chứng chỉ. Nhiều trung tâm, cơ sở giáo dục đã và đang đưa ra những lời mời chào đi học với mức giá khác nhau, rồi rầm rộ tuyển sinh. Thậm chí, mỗi nơi đưa ra một chỉ dẫn, kèm theo những thông tin như không đi học sẽ không được thăng hạng, thậm chí bị tụt hạng, bị giảm lương.

Thực tế, quy định giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã có từ trước và cũng đã có nhiều giáo viên trên toàn quốc đăng ký học. Tuy nhiên, có thể thông tư mới này ghi “hiệu lực từ 20-3-2021” nên giáo viên lo lắng vì thời gian còn quá ngắn.

Tôi cho rằng, “nạn” mang tên “chứng chỉ” vẫn tiếp tục được duy trì, ít nhất là 16 lần xuất hiện trong tiêu chuẩn về quy định trình độ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ở các bậc học và cấp học. Thực tế rất trớ trêu là người cần chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ lại tự nguyện bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để cốt có chứng chỉ (giảm nhẹ thời gian, chương trình học, thậm chí không phải học). Thực tế giáo viên không phải chịu áp lực là phải đi học để có chứng chỉ mà phần nhiều chịu áp lực là phải có tiền để đi “mua” chứng chỉ. Bức xúc hơn là 100% giáo viên (trừ cấp THPT) tiền học phí do họ tự lo chi trả.

PV: Thưa ông, ngoài chính sách tiền lương, có cần thêm những chính sách nào đối với nhà giáo để hỗ trợ họ nữa hay không?

TS. Đặng Tự Ân: Tôi biết, nhiều nhà giáo đang ước ao, được nhận phụ cấp đứng lớp 30% tới 35 % và trợ cấp thâm niên 1% mỗi năm (xuất phát từ 5%). Có vậy, tổng lương thực giáo viên được lĩnh mới cao hơn giải lương mới hiện hành.

Câu chuyện về nhà giáo, ngoài tiền lương sẽ còn nhiều vấn đề khác. Ở các nước phát triển (trong đó có Mỹ) những bất cập trên nếu có xảy ra thì thuộc khu vực trường tư và việc quản lý các chứng chỉ theo quy định lại do các Hội nghề đảm nhiệm, chức không phải nhà nước. Ở các nước, trình độ đào tạo của giáo viên đã được nhà nước làm rất chặt, rất hoàn thiện trược khi được nhận vào nhà trường, đứng lớp dạy học.

Phải chăng, chúng ta cần xây dựng một số trường Sư phạm khu vực, đủ mạnh để có thể đào tạo giáo viên có trình độ chuyên môn chuẩn cho tất cả cơ sở giáo dục trong cả nước, tránh được các bất cập về chứng chỉ mà giáo dục chúng ta đang đương đầu tới mức đau đầu thế này.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Phan Thủy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động