Những bất cập đã được xử lý triệt để?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, để giải quyết căn cơ các vấn đề đang tồn tại và sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành một khung khổ pháp lý cao hơn Quyết định số 19/QĐ-TTg để đảm bảo các nguyên tắc vận hành hệ thống |
Quá bất cập, VEC bỏ quy định về số dư tối thiểu
Anh Cao Quang Minh (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, hôm 4/8, anh vào từ nút Liêm Tuyền, nhưng đến đến điểm cuối cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình thì barie không mở, nhân viên trạm thu phí báo thẻ bị lỗi. Dù vẫn đi qua, nhưng nhân viên thu phí lại tính cho anh lưu thông từ đầu tuyến, khiến tài xế bị thiệt. “Thứ nhất là lỗi phần mềm, thứ 2 là hỏi người lái xe lên từ điểm nào, sau đấy nhập vào để lái xe đi qua. Tài xế thiệt thòi, lại còn rất dở khi lái xe làm sai thì bị phạt, trong khi bên VETC có sai thì chả có một lời nào?” - anh Minh cho hay.
Ông Nguyễn Văn Nhi - Phó Tổng GĐ Tổng Cty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng thừa nhận, từ khi đi vào hoạt động, hệ thống thu phí không dừng đến nay đã xảy ra một số lỗi như: xe vào nhưng chưa có thẻ, có thẻ nhưng không nhận diện được, có trạm nhận diện được, trạm không, không qua trạm thu phí vẫn bị trừ tiền… trong đó, tình trạng xe có thẻ nhưng không đủ tiền vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Ông Lê Kim Thành - Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ GTVT cho biết, về giải pháp kết nối giữa thẻ của VETC và VDTC cũng như kết nối với các ngân hàng để tạo thuận lợi cho người sử dụng, cũng như việc mở rộng phạm vi thu phí không dừng đến các trạm thu phí khác theo lộ trình. Do hệ thống này là hệ thống rất mới và liên quan đến nhiều chủ thể, từ ngân hàng, từ hai nhà đầu tư thu phí không dừng, cũng như các nhà đầu tư, do vậy Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng nghiên cứu và có những đánh giá để đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất và luôn có ứng trực kịp thời để xử lý những tình huống phát sinh.
Trước đó, nhiều lái xe cũng bất ngờ và bức xúc khi bị từ chối đi vào đường cao tốc của VEC với lý do tài khoản ETC không đủ số dư tối thiểu. Đơn cử, tại cao tốc Nội Bài-Lào Cai, phương tiện phải duy trì số dư tối thiểu 150 nghìn đồng dù chỉ đi chặng ngắn với mức phí chỉ 30 nghìn đồng.
Được biết, từ ngày 6/8, VEC đã điều chỉnh lại quy định, không kiểm soát số dư tài khoản thu phí không dừng (ETC) của khách hàng tại đầu vào của 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý (gồm Nội Bài-Lào Cai, Cầu Giẽ-Ninh Bình, Đà Nẵng-Quảng Ngãi và TP HCM-Long Thành-Dầu Giây). Tuy nhiên, VEC khuyến cáo, trước khi tham gia giao thông vào đường cao tốc, chủ phương tiện/người điều khiển phương tiện cần kiểm tra số dư trong tài khoản thu phí để bảo đảm đủ thanh toán cho chiều dài quãng đường phương tiện di chuyển.
Lí giải về việc yêu cầu bắt buộc tài khoản phải có số dư tối thiểu, ông Nguyễn Văn Nhi cho biết, sau gần một tuần đưa hệ thống ETC vào khai thác, vẫn xảy ra tình trạng phương tiện không dán thẻ ETC khi vào đường cao tốc hoặc phương tiện có dán thẻ nhưng chưa nạp tiền vào tài khoản thu phí, hoặc số dư trong tài khoản thu phí không đủ để thanh toán tại đầu ra,… Điều này đã gây áp lực rất lớn cho việc khai thác vận hành, gây ùn tắc tại các trạm thu phí do phải kéo dài thời gian xử lý offline bằng thủ công.
Để tạm thời xử lý tình huống, VEC đã ban hành văn bản khuyến cáo số dư tối thiểu trong tài khoản thu phí của chủ phương tiện/người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông vào đường cao tốc. Cụ thể, tuyến Nội Bài-Lào Cai là 150 nghìn đồng, Đà Nẵng-Quảng Ngãi là 100 nghìn đồng, TP HCM-Long Thành-Dầu Giây là 40 nghìn đồng và Cầu Giẽ-Ninh Bình là 35 nghìn đồng.
Kiến nghị Chính phủ ban hành một khung khổ pháp lý cao hơn
Kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện thu phí ETC trên toàn quốc, Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Đến thời điểm ngày 5/8, ước tính có hơn 3,6 triệu phương tiện trên cả nước dán thẻ đầu cuối (hơn 76%), tăng hơn 1,2 triệu phương tiện so cuối năm 2021. Với tốc độ này, đến cuối tháng 8, việc đạt tỷ lệ hơn 80% phương tiện là rất khả thi.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế Tô Nam Toàn thừa nhận, trong ngày đầu tiên áp dụng thu phí tự động trên các tuyến cao tốc vẫn còn tồn tại một số hạn chế làm phát sinh ùn tắc cục bộ tại các trạm thu phí trên một số tuyến cao tốc. Nguyên nhân là do chủ phương tiện chưa dán thẻ đầu cuối trước khi vào tuyến, không có hoặc không đủ số dư trong tài khoản giao thông; xe đến trạm thu phí mới dán thẻ nên tài khoản chưa được kích hoạt kịp thời; chủ phương tiện không kiểm tra số dư tài khoản giao thông trước khi vào cao tốc, đến trạm thu phí mới nạp tiền nên có trường hợp tiền đã nạp nhưng chưa kịp về tài khoản; hệ thống thiết bị tại trạm không đọc được thẻ bởi nhiều chủ phương tiện dán thẻ đã lâu nhưng chưa sử dụng dịch vụ nên thẻ bị suy giảm chất lượng, thẻ bị dán sai quy cách.
Đồng thời, hệ thống thu phí tại các trạm thu phí của VEC mới đưa vào hoạt động nên cần thời gian để hiệu chỉnh, hoàn thiện hệ thống; nhân viên chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống thu phí điện tử không dừng.
Bên cạnh đó, còn có các lỗi khách quan như xe dán 2 thẻ dẫn đến khi qua trạm barie không mở do có một tài khoản không đủ số dư. Xe đổi chủ nên chủ phương tiện không nắm được thông tin để nạp tiền vào tài khoản giao thông hoặc không dán được thẻ mới. Đối với trường hợp này, chủ phương tiện nên tìm hiểu thông tin với chủ phương tiện cũ và liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ để được hỗ trợ chuyển đổi tài khoản hoặc dán thẻ mới.
Đối với vấn đề nạp tiền vào tài khoản phải mất phí, đại diện hai nhà cung cấp dịch vụ là Cty TNHH Thu phí không dừng VECT (VETC) và Cty CP giao thông số Việt Nam (VDTC) cho biết, không hề thu bất cứ loại phí nạp tiền nào của người dân, phí này là do phía ngân hàng hoặc đơn vị trung gian thanh toán quy định.
“Hiện nay, có khoảng 10 kênh để nạp tiền vào tài khoản giao thông, chúng tôi đang tiếp tục đàm phán với các tổ chức tín dụng để xem xét liên kết dịch vụ và miễn phí khi nạp tiền vào tài khoản giao thông. Đồng thời, thông báo và khuyến nghị cho người dân nên sử dụng dịch vụ chuyển khoản miễn phí vào tài khoản ngân hàng của VETC hoặc VDTC bằng hình thức Internet banking để nạp tiền, nội dung chuyển khoản chỉ cần điền thông tin biển số xe hoặc số tài khoản giao thông là có thể đảm bảo thành công. Số tiền trong tài khoản giao thông thuộc quyền sở hữu và quản lý của khách hàng, khi xe đi qua trạm thì số tiền bị trừ sẽ thuộc quyền sở hữu của đơn vị cung cấp dịch vụ và số dư còn lại có thể rút ra tùy theo nhu cầu của khách hàng” - ông Tô Toàn Nam cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, vấn đề thanh toán, các đơn vị cung cấp dịch vụ phải kết nối, đàm phán với các tổ chức tín dụng để việc nạp tiền vào tài khoản không phải là nhiều kênh nạp tiền mà phải có phương án nhanh nhất, tiện lợi nhất. Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, trước mắt giải quyết căn cơ các vấn đề đang tồn tại và sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành một khung khổ pháp lý cao hơn Quyết định số 19/QĐ-TTg để đảm bảo các nguyên tắc vận hành hệ thống thu phí không dừng một cách lâu dài và quy định rõ quy trình, tiêu chuẩn và trách nhiệm của các chủ thể liên quan. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại