Thu phí cao tốc đầu tư công qua GPS, bỏ hết barrier: Liệu có khả thi?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông hiện có 20 đoạn đầu tư công (cả giai đoạn 1 và 2), trong đó có 2 đoạn đã đưa vào khai thác, những đoạn còn lại sẽ khai thác trong năm nay và 2 năm tới |
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, thực tế nêu trên đã được một số nước áp dụng. Dự kiến trong năm nay đề án thu phí phương tiện lưu thông tại các tuyến đường này (trong đó có nhiều tuyến cao tốc Bắc - Nam) sẽ được trình Quốc hội xem xét. Kỳ vọng thu phí tự động bằng công nghệ hiện đại nhất, bỏ trạm thu phí sẽ giảm bớt chi phí, giảm ùn tắc cục bộ tại các trạm thu phí, tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, liệu đề án này có tính khả thi cao?
Trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông hiện có 20 đoạn đầu tư công (cả giai đoạn 1 và 2), trong đó có 2 đoạn đã đưa vào khai thác, những đoạn còn lại sẽ khai thác trong năm nay và 2 năm tới. Được biết, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài chính sớm thống nhất để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm nay. Nguồn phí thu được để hoàn trả một phần vốn nhà nước đầu tư, tạo nguồn làm thêm dự án mới.
Tuy nhiên, băn khoăn của lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho rằng, muốn thu được phí cao tốc đầu tư công trước tiên phải có hành lang pháp lý đủ vững chắc để triển khai sớm trước khi đưa vào các luật liên quan. Khi Quốc hội chấp thuận cho thu phí, Chính phủ giao thực hiện, Bộ GTVT sẽ triển khai chi tiết, làm rõ thu theo Luật Giá hay Luật Phí và Lệ phí, tránh người dân hiểu nhầm phí chồng phí.
Về khả năng ứng dụng công nghệ thu phí qua GPS và vệ tinh thay cho trạm thu phí hiện nay, một lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, có thể làm được nhưng cần thêm thời gian nghiên cứu để khai thác ổn định. Để áp dụng công nghệ trên, các phương tiện phải được lắp thiết bị định vị, có mã số và tài khoản giao thông; chủ phương tiện phải tuân thủ đầy đủ quy định về quản lý thu phí, thanh toán trả trước hoặc sau, xử lý khi nợ phí...
Kinh nghiệm triển khai thu phí tự động vừa qua cho thấy, ban đầu đơn vị triển khai chỉ tính tới công nghệ, chưa quan tâm tổ chức thu, hệ thống thanh toán, nên khi áp dụng phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc. Với các tuyến cao tốc đầu tư công nếu tính đến việc thu phí, sẽ tiến tới bỏ barie nhưng vẫn có trạm thu phí; còn thu phí qua công nghệ GPS và vệ tinh thì không cần trạm nên được nghiên cứu kỹ, không để vướng mắc như thời gian vừa qua.
Theo nhận định của các chuyên gia, với lĩnh vực thu phí đường bộ, công nghệ GPS cũng có thể được sử dụng để giúp cho việc quản lý và thu phí hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc gắn thêm các thiết bị định vị trên toàn bộ phương tiện giao thông là một thách thức rất lớn.
Hiện tại, hầu hết các phương tiện kinh doanh vận tải đều đã được lắp thiết bị định vị. Tuy nhiên, với các phương tiện xe cá nhân thì chưa nhiều. Thách thức lớn nhất với nhóm xe cá nhân chính là xâm nhập thông tin đời tư khi lắp định vị vào xe họ. Điều này vi phạm các qui định của pháp luật.
Hơn thế nữa, công tác bảo mật dữ liệu sẽ được thực hiện ra sao nếu áp dụng việc theo dõi giám sát định vị phương tiện cá nhân. Cùng với đó, nếu áp dụng cũng cần phải xây dựng một hệ thống tiếp nhận dữ liệu rất lớn. Như vậy, sẽ cần cả thời gian và kinh phí lớn để xây dựng.
Được biết, trước đây Bộ GTVT đã nghiên cứu và đưa ra một số phương án thu phí phương tiện lưu thông trên cao tốc đầu tư công. Từ đó, Bộ nghiêng về phương án chuyển nhượng quyền thu phí theo thời hạn, có thể triển khai trong 3 năm, hoặc 5-10 năm.
Nếu không có doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền thu phí, Nhà nước sẽ thuê dịch vụ thu phí. Bộ GTVT tính toán, nếu thu mức phí khoảng 1.000 - 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn (dưới 12 chỗ ngồi), riêng 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đầu tư công, trong 5 năm đầu có thể thu được khoảng 18.300 tỷ đồng, trong 10 năm thu được khoảng 37.900 tỷ đồng.
Tham khảo và học tập kinh nghiệm các nước, Bộ Giao thông vận tải xây dựng lộ trình triển khai hệ thống thu phí ETC qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1, các trạm thu phí vẫn tồn tại có barrier. Barrier sẽ mở cho xe đi qua trong trường hợp khi xe có thông tin thẻ dịch vụ hợp lệ, có đủ số dư tài khoản thu phí và vẫn tồn tại hình thức thu phí một dừng. Khi xe chưa gắn thẻ dịch vụ, hoặc có gắn thẻ dịch vụ nhưng không đủ số dư tài khoản thì khách hàng có thể trả tiền phí sau khi đi qua trạm.
Giai đoạn 2, tại các trạm thu phí không còn barrier, chỉ duy trì các dải phân cách các làn. Các phương tiện lưu thông tự do theo làn qua trạm thu phí, không tồn tại hình thức thu phí một dừng.
Giai đoạn 3, khu vực trạm thu phí chỉ còn duy trì giá long môn và các thiết bị thu phí gắn trên giá long môn. Các phương tiện lưu thông tự do đa làn qua khu vực trạm thu phí. Đây là giai đoạn được mong chờ nhất của cả Chính phủ và người tham gia giao thông.
Hiện, nước ta có 147 trạm thu phí trên toàn quốc và vẫn đang đầu tư thêm nhiều tuyến đường cao tốc, rất phù hợp để phát triển công nghệ thu phí không barie, tiết kiệm hơn so với đầu tư hệ thống trạm thu phí không dừng. Tính đến đến cuối năm 2022, cả nước đã có hơn 4,2 triệu phương tiện được dán thẻ đầu cuối, đạt tỷ lệ 92%, đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí cơ bản ổn định, tạo thuận lợi và an toàn cho phương tiện. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại