Thứ năm 21/11/2024 22:03

Nhiều trường ĐH điều chỉnh phương án tuyển sinh tạo công bằng cho các thí sinh đặc cách

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh được xét đặc cách, không phải thi tốt nghiệp THPT quốc gia đợt 2, nhiều trường ĐH đã điều chỉnh phương án tuyển sinh, dành chỉ tiêu cho các em.

Dù có 10-20 học sinh diện đặc cách cũng phải đảm bảo công bằng cho các em

Ngày 26-7, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Công văn số 2381 về việc không tổ chức đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, do toàn thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội.

Từ ngày 2-8, TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thêm 2 tuần. Ngoài TP.HCM, 18 tỉnh, thành khu vực phía Nam cũng được Thủ tướng đồng ý cho tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày.

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 10.000 em trong tổng 26.000 học sinh của cả nước dự kiến thi tốt nghiệp THPT quốc gia đợt 2 sẽ được đặc cách tốt nghiệp THPT.

Để học sinh được xét đặc cách tốt nghiệp THPT có cơ hội ngang bằng các thí sinh dự thi, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu 2 ĐH Quốc gia lớn (ĐHQG TP.HCM và ĐHQG Hà Nội) tính toán, dành chỉ tiêu cho thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp THPT. Những trường có nhu cầu lớn, điểm chuẩn cao, có thể bổ sung chỉ tiêu.

“Số lượng thí sinh đặc cách có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm có thể lên tới hàng chục nghìn. Dù chỉ là 10 hay 20 em, chúng ta cũng phải có phương án chủ động để đảm bảo quyền lợi cho các em”, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GDĐT nhấn mạnh.

Về phương thức tuyển sinh, Bộ GDĐT yêu cầu cơ sở đào tạo căn cứ lịch tuyển sinh điều chỉnh và thực tiễn để quyết định điều chỉnh, bổ sung phương thức xét tuyển phù hợp và tạo thuận lợi cho thí sinh. Trong đó có phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT, dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM và ĐHQG Hà Nội (dự kiến tổ chức trong tháng 9-2021) và phương thức khác (do cơ sở đào tạo quyết định và chịu trách nhiệm giải trình).

Bộ GDĐT sẽ phối hợp với hai đại học quốc gia và các địa phương tính toán, xác định thời gian, địa điểm thi đánh giá năng lực cho nhóm thí sinh đặc cách. Hai đại học quốc gia sẽ công bố thông tin để thí sinh đăng ký dự thi, kèm theo đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các cơ sở đào tạo có sử dụng kết quả kỳ thi này.

Sau đợt 2 thi tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT sẽ công khai thông tin số thí sinh ở các địa phương làm căn cứ cho trường tính toán, để lại chỉ tiêu. Đối với những ngành có nhu cầu lớn, điểm chuẩn cao, Bộ GDĐT cho phép các trường có thể tuyển đủ chỉ tiêu đã xác định.

Sau đó trường được bổ sung chỉ tiêu cho những ngành này, tỉ lệ tương ứng với tỉ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số em có nguyện vọng xét tuyển thuộc khu vực xét tuyển chủ yếu của trường.

Vụ Giáo dục ĐH đề nghị các trường tổ chức xét tuyển riêng, thực hiện các bước theo đúng quy định. Trường hợp các đợt xét tuyển có cùng phương thức, tiêu chí xét tuyển thì điều kiện trúng tuyển vào trường phải như nhau.

Nhiều trường ĐH điều chỉnh phương án tuyển sinh tạo công bằng cho các thí sinh đặc cách
Học sinh được xét đặc cách tốt nghiệp THPT vẫn có cơ hội công bằng so với các thí sinh dự thi

Nhiều Trường ĐH dành chỉ tiêu cho học sinh diện đặc cách

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch quyết định điều chỉnh lại đề án tuyển sinh cho phù hợp bối cảnh mới. Theo đề án tuyển sinh đã công bố trước đó, trường chỉ xét dựa vào điểm thi tốt nghiệp, trong khi số lượng thí sinh xét đặc cách tốt nghiệp còn khá nhiều. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, trường sẽ điều chỉnh đề án theo hướng bổ sung phương thức xét riêng cho thí sinh đặc cách tốt nghiệp để trình UBND TP.HCM và Bộ GD&ĐT.

Dự kiến sẽ có một số điều kiện đối với đối tượng thí sinh này. Đó là xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên năm lớp 12; riêng các ngành Y khoa, Dược học và Răng - Hàm - Mặt, thí sinh phải có điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12) tối thiểu là 7. Thí sinh đủ điều kiện được xét tuyển từ cao xuống thấp căn cứ điểm trung bình học bạ 3 môn theo tổ hợp xét tuyển của 5 học kỳ.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng thông báo bổ sung phương thức riêng xét thí sinh đặc cách tốt nghiệp do ảnh hưởng Covid-19 với 200 chỉ tiêu. Phương thức dựa trên kết quả quá trình học tập từng năm lớp 10, lớp 11, lớp 12 để làm cơ sở xét tuyển. Tiêu chí ưu tiên là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, là học sinh trường chuyên hoặc năng khiếu.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM sẽ dành 5% chỉ tiêu (tức là 175 chỉ tiêu) để xét tuyển thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2 hoặc thí sinh đặc cách tốt nghiệp.

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng dự kiến dành tối đa khoảng 5% chỉ tiêu để ưu tiên xét tuyển thí sinh đặc cách tốt nghiệp. Phương thức xét tuyển gồm xét bằng điểm học bạ hoặc xét bằng điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.

ĐHQG TP.HCM cho biết ở đợt thi thứ nhất, kỳ thi đánh giá năng lực của của trường có hơn 69.000 thí sinh dự thi. Số thí sinh dự thi đợt 2 sẽ khoảng 26.000, dự kiến tổ chức tại 4 địa phương: TP HCM, An Giang, Khánh Hòa và Đà Nẵng. Trường quyết tâm tổ chức khi dịch bệnh được kiểm soát và sẽ có phương án đảm bảo an toàn cho thí sinh.

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động