Nhật Bản đã đầu tư 6,6 tỷ USD vào tỉnh Thanh Hóa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChiều 6/5, tại khách sạn FLC Sầm Sơn Golf Resort, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với bộ Ngoại giao và Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023 |
Hiện tại, Thanh Hóa đã đón nhận 17 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 6,6 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư FDI và đang là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất trong nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản có quy mô lớn, tác động lan tỏa không những trong tỉnh mà lan tỏa cả nước.
Từ năm 1997, tỉnh Thanh Hóa bắt đầu tiếp nhận viện trợ ODA từ Nhật Bản thông qua JICA/JBIC; đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 10 chương trình, dự án ODA của JICA Nhật Bản (gồm 46 tiểu dự án) với tổng số vốn ODA cam kết tài trợ gần 45,5 triệu USD. Ngoài viện trợ ODA, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện 24 dự án viện trợ quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh về các lĩnh vực y tế, nước sạch, giáo dục với ngân sách trung bình mỗi dự án khoảng 89.000 USD.
Bên cạnh hợp tác phát triển kinh tế, từ năm 2016 đến nay, Thanh Hóa đã có gần 14 nghìn tu nghiệp sinh sang tu nghiệp tại các xí nghiệp của Nhật Bản, trong ngành nghề dệt, may công nghiệp, lắp ráp điện tử, gia công cơ khí, chế biến, xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng...
Năm 2022, khách du lịch Nhật Bản đến Thanh Hóa đạt 53 nghìn lượt, chiếm 21,6% tổng lượt khách quốc tế, với tổng doanh thu du lịch đạt 17,7 triệu USD, chiếm 24,7% tổng doanh thu từ khách du lịch quốc tế.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, thành tựu từ sự đầu tư của Nhật Bản trên đất Thanh Hóa. |
Những kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa tỉnh Thanh Hóa với các đối tác Nhật Bản trong những năm qua, đã góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản; đồng thời là điểm tựa tin cậy để Việt Nam - Nhật Bản, tỉnh Thanh Hóa và các đối tác Nhật Bản xây dựng, vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác ngày càng phát triển bền chặt, vì lợi ích của Nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Bày tỏ vui mừng, ông Takio Yamada - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định: Thanh Hóa là tỉnh có mối quan hệ khăng khít, chặt chẽ với phía Nhật Bản. Đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản đã lên đến 2,2 nghìn tỷ đồng cho dự án nhà máy phát điện Nghi Sơn 2 và dự án này được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu cung cấp điện cho Việt Nam sau khi đi vào vận hành thương mại vào năm ngoái.
Lý do các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Thanh Hóa là điểm đến để đầu tư là bởi Thanh Hóa có nguồn lao động dồi dào, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, trong đó phải kể đến hệ thống đường cao tốc, hơn nữa tại Thanh Hóa có thiết lập Bộ phận hỗ trợ Nhật Bản (JAPAN DESK) và thành lập đặc khu kinh tế nên có thể nói Thanh Hóa là một điểm hấp dẫn thu hút đầu tư.
Trong thời gian sắp tới, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ còn quan tâm nhiều đến tỉnh Thanh Hóa. Ví dụ điển hình là tập đoàn bán lẻ AEON hiện đang có kế hoạch khởi công xây dựng khu trung tâm thương mại trong năm nay và dự kiến khai trương vào năm 2025.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại