Thứ ba 30/04/2024 04:53

Nguy cơ tai nạn từ “mạng nhện” ở tập thể cũ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không chỉ mất an toàn phòng chống cháy nổ, việc những búi “rác trời” cũ hỏng, lõng thõng xuống đường còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn không đáng có khác.
Nguy cơ tai nạn từ “mạng nhện” ở tập thể cũ
Tại khu tập thể E8 phường Thành Công, quận Ba Đình, dây điện, cáp viễn thông vẫn tồn tại khá phổ biến gây mất mỹ quan đô thị

“Rác trời” bủa vây tập thể cũ

Hiện nay dọc theo con đường dẫn vào những khu tập thể cũ trên địa bàn Hà Nội, người dân không khó để bắt gặp những cột điện phải “gồng mình” cõng vài chục đường dây chồng chéo lên nhau như mạng nhện.

Ghi nhận tại một số khu tập thể như Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh… có thể dễ ràng nhận thấy nhiều hệ thống điện dân dụng, cáp viễn thông vẫn tồn tại khá phổ biến tại những con phố nhỏ, trong ngõ ngách và tại các khu tập thể. Những loại dây này cuốn lấy nhau, chằng chịt, có đoạn còn trĩu nặng xuống như mắc võng.

Không chỉ mất an toàn phòng chống cháy nổ, việc những búi “rác trời” cũ hỏng, lõng thõng xuống đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn không đáng có khác. “Đây là khu vực đông dân cư, phương tiện giao thông đi lại đông đúc. Đi sâu vào bên trong khu tập thể, các đường dây điện chồng chéo kết thành búi nhìn rất sợ. Ngày thường thì không sao, sợ nhất là những hôm mưa gió chẳng may chập cháy thì nguy hiểm cả khu” - ông Nguyễn Văn Mô, quận Ba Đình chia sẻ.

Tương tự, tại khu tập thể phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, một số khu tập thể đã xuống cấp, theo đó hệ thống điện cùng dây của các nhà mạng viễn thông cũng chằng chịt, ẩn chứa nhiều rủi ro.

Cách đó không xa, khu tập thể trên phố Nguyễn Công Trứ được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, hiện nay có hơn 700 hộ dân đang sinh sống trong điều kiện cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng. Những đường điện chằng chịt, có nguy cơ xảy ra chập cháy cao là một trong những mối nguy treo lơ lửng trên đầu những người dân sống tại đây.

Chị Đặng Thị Hương, quận Hai Bà Trưng cho biết, dây điện ngày một nhiều hơn, đặc biệt là dây cáp mạng. Một số nhà thay đổi mạng nhưng dây cũ vẫn còn dây mới chồng lên mà chưa thấy ai xử lý. “Trước đó đã có trường hợp cháy bốt điện do quá tải, tôi chỉ lo thời tiết mưa gió như hiện tại dễ gây đứt dây rơi xuống đường hoặc chập cháy nguy hiểm cả khu” - chị Hương chia sẻ.

Siết quy định về an toàn sử dụng điện

Theo các chuyên gia đô thị, khu tập thể cũ sau khi hoạt động hàng chục năm đã xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống điện gần như đã xuống cấp. Ngoài ra đường điện còn bị những hộ dân tự ý đấu nối không đảm bảo kỹ thuật, lắp thêm thiết bị chiếu sáng, tiêu thụ điện vượt công suất làm gia tăng nguy cơ quá tải, dễ dẫn đến cháy nổ.

Bên cạnh đó, cấu trúc và hình thức kiến trúc của toàn bộ các khu nhà tập thể cũ trên toàn thành phố hiện nay đã bị thay đổi do tình trạng xây dựng lấn chiếm, cơi nới tự do, tùy tiện. Hệ thống hạ tầng đã bị quá tải và xuống cấp trầm trọng.

Các nhà tập thể cũ đều được xây dựng trước khi Luật PCCC ra đời, nên không được thiết kế và lắp đặt hệ thống PCCC, không có đủ các trang thiết bị về PCCC; các khu vực người dân sinh sống tự ý cơi nới, lấn chiếm, làm gia tăng nguy cơ cháy lan, gây cháy lớn.

Để ngăn chặn cháy nổ tại các chung cư, tập thể cũ, một số quận, huyện đã có những chỉ đạo, hướng dẫn người dân. Tuy nhiên, trước mùa hè năm nay, vẫn rất cần các đơn vị quản lý, chính quyền sở tại cần chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành các quy định về PCCC.

Bên cạnh đó, cần sớm kiểm tra và loại bỏ các dây cũ không còn sử dụng cùng các biện pháp thu gọn các dây cáp điện, viễn thông để đảm bảo cảnh quan đô thị và an toàn cho người dân. Giới chuyên gia ngành điện cũng khuyên, các gia đình chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, lô gia, sân thượng, lên mái, sang nhà bên cạnh.

Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) khuyến cáo, các hộ gia đình nói chung, đặc biệt là cư dân sinh sống trong những khu tập thể cũ phải tuyệt đối tuân thủ những quy định về an toàn sử dụng điện.

Trong đó, cần thường xuyên kiểm tra đường dây, các thiết bị đóng cắt, bảo vệ điện. Bên cạnh đó, tốt nhất hãy ngắt nguồn điện các thiết bị khi không sử dụng để đề phòng cháy nổ, chập điện. Trong trường hợp dây dẫn điện bị đứt, tróc cách điện hay các thiết bị, đồ dùng điện bị hư hỏng, cần phải thay thế hoặc sửa chữa mới được tiếp tục sử dụng.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, hiện nay vẫn còn nhiều cột điện gồng gánh những búi dây cáp quang đang được đặt ở vị trí không phù hợp, ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân nhất là trong thời điểm mùa hè nắng nóng. Bên cạnh đó, vấn đề kết nối giữa mạng lưới viễn thông vào từng gia đình qua các tủ điện vẫn tồn tại nhiều bất cập. “Chính vì vậy, cần những biện pháp tối ưu trên cả phương diện kỹ thuật và PCCC; đảm bảo an toàn cho từng hộ dân đang bị đe dọa bởi nguy cơ cháy, nổ tiềm ẩn” - KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.
Hà Nội lần đầu tiên có mô hình PCCC chuyên nghiệp tại khu tập thể cũ
Hà Nội: Đề xuất nâng chiều cao dự án khu tập thể Trung Tự từ 24 lên 48 tầng
Thời gian như ngừng lại bên những khu tập thể cũ
Triệu Tâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động