Người lao động tỉnh táo trước những lời hứa hẹn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBị cáo Giang tại toà |
Nguyên cán bộ CA lừa “chạy việc”
TAND Hà Nội vừa mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Vũ Giang, SN 1983, nguyên Phó Đồn trưởng Đồn CA Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, Nguyễn Vũ Giang không có chức năng xin học, xin chuyển vào ngành CA. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ tháng 4-10/2017, bị cáo giới thiệu với nhiều người, có mối quan hệ, có thể xin học vào các trường trung cấp CA và xin cho các trường hợp khi hết thời gian nghĩa vụ CA được chuyển vào biên chế trong ngành.
Tin tưởng Giang, một số người đã đưa tiền và hồ sơ để bị can giúp xin học và xin vào Ngành CA. Một trong số những nạn nhân của Giang là bà Lê Thị Đ, trú ở huyện Ba Vì, Hà Nội. Bà Đ nhờ anh Nguyễn Đức Đ, người nhà, xin cho con trai được vào biên chế ngành CA sau khi kết thúc thời gian nghĩa vụ.
Anh Đ là bạn học tại Học viện Cảnh sát Nhân dân nên đã nhờ Giang giúp. Giang “ra” chi phí 520 triệu đồng. Sau khi nhận tiền từ bà Đ, anh Đ chuyển cho Giang số tiền trên. Nhận tiền xong, Giang không làm gì để giúp đỡ con trai bà Đ.
Một nạn nhân khác của Giang là ông H. Cuối tháng 10/2017, ông H nhờ Giang xin cho con trai là CA nghĩa vụ được vào biên chế trong ngành. Giang hứa, trong 2 tháng sẽ xin cho con trai ông H vào học tại Trường Trung cấp CA, hoặc chuyển chuyên nghiệp biên chế trong ngành, với chi phí 650 triệu đồng. Ông H đồng ý và đã giao cho Giang 650 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Giang không xin được việc như đã cam kết, cũng không trả lại tiền cho người bị hại.
CQĐT làm rõ, tổng số tiền mà bị cáo đã nhận hai bị hại hơn 1,1 tỷ đồng. Bị can đã trả lại một phần, còn lại chiếm đoạt 580 triệu đồng. Theo lời khai của Giang, sau khi nhận tiền của người bị hại, Giang đã chuyển tiền cho một người tên Đỗ Tuấn A, giảng viên tại một trường cảnh sát để nhờ người này giúp "chạy việc". Tuy nhiên, sau đó Giang không liên lạc được với người này và cũng không được trả lại tiền.
Quá trình điều tra, CQCA đã triệu tập Tuấn A đến làm việc để làm rõ nhưng người này đã bỏ trốn. CQĐT cũng đã ra lệnh truy nã do Tuấn A có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong một vụ án khác. Do đó, hành vi liên quan đến Tuấn A trong vụ án này được tách riêng để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý sau.
Do đó, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Vũ Giang 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước đó, TAND TP Hà Nội xét xử Nguyễn Văn Ý, SN 1987, quê Thanh Hoá, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên Ý 8 năm tù.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2013, Nguyễn Văn Ý là trung sĩ, y sĩ khoa cấp cứu BV 19-8, Bộ CA (đã bị tước danh hiệu CA Nhân dân ngày 30/3/2016). Trong thời gian công tác tại BV, Ý lam quen với ông Lâm Văn T, SN 1974, ở Hà Nội; bà Vũ Thị T, SN 1970, ở Thái Nguyên.
Thấy ông T đã học xong Trung cấp y, có nguyện vọng xin vào làm việc tại BV 19-8 và bà T có con gái đã tốt nghiệp trường Trung cấp y nhưng chưa xin được việc nên Ý đưa ra thông tin gian dối bản thân quen biết với lãnh đạo ngành CA, có khả năng xin cho ông T và con gái bà T vào làm việc tại BV 19-8.
Tin tưởng Ý, năm 2014-2015, ông T và bà T đã đưa hồ sơ, tiền cho Ý. Tuy nhiên, Ý không nộp hồ sơ, không xin việc như cam kết mà chiếm đoạt tiền của hai bị hại, tổng cộng 565 triệu đồng. Cụ thể, năm 2015, bà T nhiều lần đến BV 19-8 để khám chữa bệnh. Quá trình khám chữa bệnh, bà T làm quen với Ý. Bà T có tâm sự việc con gái đã ra trường nhưng chưa xin được việc làm.
Lúc này, Ý tự giới thiệu bản thân có khả năng xin cho con gái bà vào khoa Y học cổ truyền BV 19-8 với chi phí 365 triệu đồng. Ngày 30/6/2015, bà T đến cổng BV đưa cho Ý số tiền trên để lo lót. Ý viết Giấy nhận tiền với nội dung: “Tôi có nhận của bà T số tiền 365 triệu đồng để xin việc”.
Sau thời gian hứa hẹn không thấy được đi làm, bà T và con gái có giục Ý thì anh ta viết thêm một giấy biên nhân: “Tôi có nhận của cô T số tiền 365 triệu đồng để lo công việc nhưng đến nay chưa có trả được, tôi viết lại giấy này hẹn ngày 10/8/2015 sẽ hoàn trả đầy đủ”. Tuy nhiên, Ý không xin được việc như cam kết. Bà T nhiều lần yêu cầu trả tiền thì Ý mới trả được 60 triệu đồng, còn chiếm đoạt 305 triệu.
Tương tự thủ đoạn trên, Ý cũng chiếm đoạt của ông T số tiền 200 triệu đồng.
Dùng chiêu bài quen thuộc
Trên đây chỉ là ví dụ trong số hàng trăm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc hứa hẹn xin việc, “chạy biên chế” mà các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thời gian qua.
Có thể thấy, ở các vụ lừa đảo cùng một đặc điểm chung dễ nhận thấy, đó là các đối tượng nắm bắt rõ tâm lý của người dân mong muốn xin việc làm cho con vào cơ quan Nhà nước nên thường sử dụng các chiêu bài quen thuộc là có mối làm trong các cơ quan Nhà nước, có quen biết với lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương có thể xin việc vào CA, ngân hàng, BV, trường học... để người dân dễ dàng tin tưởng và giao tiền cho các đối tượng. Đây là thủ đoạn không hề mới và đã được cơ quan chức năng cảnh báo trên các phương tiện thông tin, tuyên truyền qua những phiên tòa xét xử lưu động... Nhưng nhiều người vẫn “mắc bẫy” vì nhẹ dạ cả tin, cần việc làm.
Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng, chống loại tội phạm trên, trước hết người dân muốn xin việc làm cho con thì phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng của nơi định tìm kiếm việc làm. Bởi theo quy định hiện nay thì khi có kế hoạch tuyển dụng, các cơ quan, ban, ngành phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người dân nên đến tận nơi để tìm hiểu, không nên vì quá nóng vội mà đặt niềm tin, giao tài sản cho đối tượng lừa đảo.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp tại TP HCM, cho biết: “Nhu cầu việc làm của người lao động thì lúc nào cũng có. Trước tình hình dịch bệnh đang dần lắng xuống thì nhu cầu tìm việc càng cao hơn”. Ông Tuấn nói, thời buổi hiện nay, thông tin tuyển dụng được đăng tải rộng khắp nên có nhiều người lợi dụng vào đó để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, người tìm việc cần lưu ý, thực tế không có những việc làm vừa nhẹ nhàng vừa lương cao mà lại không cần trình độ như những nơi lừa tuyển dụng hay rao tuyển. Hãy tìm những việc làm tương xứng với trình độ, khả năng của mình, đừng nghe những người vẽ vời mà dính bẫy.
Trường hợp người bị lừa phát hiện đối tượng nhận “chạy việc” có dấu hiệu lừa đảo, đưa ra các thông tin gian dối chứ thực chất không có khả năng xin việc có thể tố cáo các cơ quan chức năng. Khi đó, đối tượng lừa đảo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại