Nghịch lý phim của siêu mẫu Xuân Lan giữ “ngôi vương” phòng vé Việt
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDiễn viên Thái Hòa và siêu mẫu Xuân Lan trong một phân cảnh phim "Cái giá của hạnh phúc". Ảnh: Đoàn làm phim |
Hiệu ứng từ “ông hoàng phòng vé”
Khởi chiếu từ ngày 19/4, bộ phim “Cái giá của hạnh phúc” có sự góp mặt của “ông hoàng phòng vé” Thái Hòa đã mang đến làn sóng sôi động cho các rạp chiếu Việt. Đây cũng là lần đầu tiên Thái Hòa (doanh nhân Đinh Công Thoại) đảm nhận vai phản diện và siêu mẫu Xuân Lan (Võ Thùy Dương) lần đầu đóng vai nữ chính.
Trái ngược với hình ảnh trầm lắng của hai bộ phim “B4S-Trước giờ yêu” chỉ đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng và bộ phim “Đóa hoa mong manh” có doanh thu thấp kỷ lục phim Việt với gần 400 triệu đồng thì bộ phim “Cái giá của hạnh phúc” đạt doanh thu ấn tượng hơn 16 tỷ đồng sau 5 ngày công chiếu chính thức (theo số liệu từ Box Việt Nam).
Nhiều đánh giá cho rằng, bộ phim “Cái giá của hạnh phúc” đạt doanh thu tốt như hiện nay nhờ điểm sáng duy nhất từ diễn viên Thái Hòa. Kịch bản phim vẫn khai thác đề tài cũ về hôn nhân gia đình, dàn diễn viên có diễn xuất không đồng đều.
Các tính tiết mang yếu tố bi kịch được cài cắm trong phim về câu chuyện người chồng ngoại tình bị vợ phát hiện, cuộc sống áp đặt của người mẹ lên con cái, tình yêu đồng giới… đôi lúc còn gượng gạo, thiếu điểm nhấn. Diễn xuất thiếu đồng đều, nhạt nhòa của các diễn viên cũng là “điểm trừ” cho bộ phim.
Bộ phim “Cái giá của hạnh phúc” là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm và nhà sản xuất siêu mẫu Xuân Lan. Dù chưa thực sự bùng nổ phòng vé Việt như tác phẩm “Mai” của Trấn Thành, không phủ nhận dự án phim của cặp vợ chồng Xuân Lan tạo hiệu ứng tích cực tới khán giả.
Trên diễn đàn phim, nhiều khán giả đăng tải những câu thoại “đinh” đáng suy ngẫm trong “Cái giá của hạnh phúc” như: “Hôn nhân như chiếc cà vạt, ngày cũng cũng thắt chặt mới bền vững”; “Hôn nhân là chuyện ràng cuộc cả đời, một người đàn ông không chung thủy với vợ thì không trung thành với ai hết được”; “Đi đâu cũng phải về nhà vì gia đình là nguồn cội”; “Yêu là chuyện của con nhưng kết hôn là chuyện của cả gia đình”; “Hạnh phúc nào cũng đánh đổi bằng nỗi đau nhưng có đau cũng xứng đáng”; “Xã hội không chấp nhận mình. Mình phải chấp nhận mình”; “Chỉ cần vén 2 bức màn ra thì ánh sáng sẽ lọt vào thôi”.
Diễn xuất của Thái Hòa là điểm sáng duy nhất chinh phục khán giả trong phim. Ảnh: Đoàn làm phim |
Lợi thế ra mắt đúng thời điểm
Bên cạnh lợi thế khi có sự xuất hiện của “ông hoàng phòng vé” Thái Hòa, lý do phim “Cái giá của hạnh phúc” giữ vị trí số 1 phim Việt hiện nay còn kể đến từ quyết định đổi lịch chiếu đúng thời điểm.
Trước đó, phim có kế hoạch khởi chiếu ngày 26/4 sau đó đổi lịch chiếu sớm hơn 1 tuần so với dự kiến ban đầu nhằm tránh chạm mặt với tác phẩm “Lật mặt 7: Một điều ước” của vợ chồng Lý Hải.
Theo siêu mẫu Xuân Lan, nhiều năm qua, loạt phim “Lật mặt” của Lý Hải đã có lịch chiếu quen thuộc vào dịp 30/4. Vì thế, quyết định công chiếu “Cái giá của hạnh phúc” sớm hơn để dự án mỗi bên được tiếp cận khán giả, báo chí, các anh chị em nghệ sĩ một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất.
Mặc dù phủ nhận không muốn tạo cạnh tranh giữa hai phim nhưng việc lựa chọn ra rạp sớm hơn dự kiến ban đầu cũng là tính toán có chủ đích của nhà sản xuất. Điều này tạo thuận lợi cho bộ phim có thể tiếp cận số đông khán giả, bởi thực tế một số phim Việt ngoài rạp chưa thực sự bứt phá, thậm chí rơi vào cảnh thất thu ngoài phòng vé.
Bộ phim “Cái giá của hạnh phúc” xoay quanh câu chuyện một gia đình thượng lưu, mỗi thành viên đều tự hào về sự giàu có cùng nền tảng giáo dục, đạo đức chuẩn mực. Đằng sau vỏ bọc bức tranh gia đình giàu có và tri thức là những xung đột, mâu thuẫn gia đình kéo dài.
Phim gây bất ngờ ở những phân cảnh cuối trong thời lượng hơn 100 phút nhịp phim bị chê chậm, thiếu cao trào. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên tên tuổi: nghệ sĩ Hữu Châu, Thái Hòa, Xuân Lan, Lâm Thanh Nhã, Uyển Ân, Trâm Anh, Trương Thanh Long, Bé Quyên…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại