Ngành du lịch chuyển mình thu hút khách quốc tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Ngành du lịch chuyển mình thu hút khách quốc tế |
Khách quốc tế tăng nhưng doanh thu giảm
Tất cả các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… hay trên thế giới như Mỹ, các nước châu Âu... đều sử dụng mô hình factory outlet (trung tâm thương mại bán hàng giảm giá qua mùa) để thu hút du khách, tăng chi tiêu và doanh thu du lịch.
Đặc điểm thu hút của các khu outlet là hàng hóa phong phú và được giảm giá rất mạnh (từ 50 - 90%) so với nguyên giá. Một trong những yếu tố chính là giá cạnh tranh so với khu vực. Nhưng để có thể cạnh tranh được, cần có các chính sách hỗ trợ cho du khách quốc tế, cả du khách trong nước được mua hàng factory outlet trong khu phi thuế quan.
Dẫn thống kê từ World Data về lịch sử khách quốc tế đến các nước trong khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2008 - 2019, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết: Nếu xét về số lượt khách du lịch quốc tế hàng năm, tỷ lệ tăng trưởng số lượng khách tới Việt Nam đã vượt qua Indonesia để vươn lên vị trí số 4 ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong khi các nước về cơ bản giữ được doanh thu bình quân trên 1 khách thì Việt Nam lại trên đà giảm từ vị trí thứ 5 xuống thứ 6.
Nếu tính tốc độ tăng trưởng lượng khách của Việt Nam chỉ bằng 50% Thái Lan và mức độ chi tiêu khách quốc tế còn thấp hơn, chỉ bằng 40%. Tương tự, nếu so sánh với Philippines, Singapore, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì tổng mức chi tiêu của du khách tại Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều.
Như vậy, mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng về số lượng nhưng về chất lượng và dịch vụ chưa đạt.
Việt Nam cần có trung tâm mua sắm phi thuế quan
Ngành du lịch Việt Nam đã và đang phát triển phổ biến nhất là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch trải nghiệm, chủ yếu nhờ vào tính sẵn có, ưu đãi về điều kiện tự nhiên và đa dạng văn hóa. Còn với 2 xu hướng mới về du lịch là du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm, giải trí thì Việt Nam còn rất hạn chế.
Kinh nghiệm từ các nước, Singapore, Thái Lan… là những điểm đến đang làm rất tốt việc “móc hầu bao” du khách. Đơn cử, Singapore có diện tích chỉ tương đương đảo Phú Quốc. Với hạn chế về thiên nhiên ưu đãi, họ chọn “đánh thật mạnh” 4 loại hình du lịch để phát triển là mua sắm, vui chơi giải trí, du lịch công việc và du lịch trải nghiệm.
Với lợi thế đảo quốc Singapore đã trở thành thiên đường mua sắm vì đây là đảo quốc miễn thuế. Ở đây đã hình thành các trung tâm mua sắm quy mô cỡ lớn, các cửa hàng thương hiệu từ cao cấp tới trung cấp. Với mức độ phong phú về số lượng trung tâm mua sắm, sự thuận lợi trong việc hoàn thuế VAT cho du khách quốc tế, họ đã hút được lượng lớn khách tới với mục đích du lịch mua sắm là chính.
Tương tự, Thái Lan có nét tương đồng về điều kiện thiên nhiên với Việt Nam nhưng khoảng cách ngành du lịch 2 nước còn rất lớn. Thái Lan tập trung cải thiện về các loại hình dịch vụ, sản phẩm, nâng cao các trải nghiệm cho du khách. Du lịch mua sắm của Thái Lan có đầy đủ các mô hình, từ trung tâm thương mại trung cấp, cao cấp tại các trung tâm thành phố, trung tâm thương mại factory outlet hàng hiệu bán hàng qua mùa, tới cửa hàng miễn thuế dưới phố, mô hình ẩm thực đường phố cùng nhiều hoạt động bán lẻ đặc biệt khác như chợ vải, chợ thời trang… Du lịch mua sắm Thái Lan góp phần tăng mạnh doanh thu chi tiêu quốc tế với tỷ lệ tăng trưởng kép 28,2% và du lịch sức khỏe đóng góp tới 4,7 tỷ USD trong năm 2020.
Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương nhận định, đang có cuộc cạnh tranh rất khốc liệt giữa các điểm đến. Thái Lan giảm giá tour xuống chỉ còn 500 USD/người. Đây cũng là đất nước nổi tiếng với cách làm du lịch, cách liên kết chặt chẽ từ cơ quan xây dựng chính sách tới các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn... Nhờ vậy, Thái Lan có nhiều nét tương đồng nhưng tỷ lệ hút khách tới và mức chi tiêu của du khách bỏ rất xa Việt Nam.
Nhìn vào các số liệu trên, chúng ta có thể thấy tác động đến vĩ mô của chính sách miễn thuế không những mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư mà việc du khách nội địa được mua sắm miễn thuế tại các khu thương mại tự do hoặc phi thuế quan… còn giữ lại được ngoại tệ trong nước, hạn chế dòng chảy ngoại tệ ra nước ngoài.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đề xuất: Chính phủ cần xem xét việc xây dựng cơ chế chính sách Khu phi thuế quan trong lĩnh vực thương mại - du lịch. Nếu quyết tâm triển khai, Việt Nam sẽ có các Factory Outlet trong khu miễn thuế đầu tiên của cả khu vực, giá bán lẻ tại các factory outlet này sẽ rẻ như ở Mỹ hoặc Milan, Ý. Du khách từ các nước lân cận sẽ đổ về Việt Nam mua sắm, kéo theo các dịch vụ khác tăng cộng hưởng theo và ngành du lịch Việt Nam sẽ có bước nhảy vượt bậc.
Những sản phẩm cao cấp và hợp thời trang được bày bán tại các cửa hàng không chỉ thu hút du khách quốc tế mà còn tạo ra các cơ hội cho các nhà sản xuất và thương hiệu Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là nguồn thu hút mới cho các nhà đầu tư nước ngoài và tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam với các nước lân cận và trên thế giới.
“Vua hàng hiệu” Hạnh Nguyễn đề xuất, cần các chính sách để phát triển mô hình du lịch sức khỏe và phát triển các tổ hợp mua sắm, vui chơi, giải trí. Đặc biệt, du lịch sức khỏe là một trong những loại hình du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất hiện nay. Theo báo cáo của Global Wellness Institute, quy mô du lịch sức khỏe năm 2020 là 436 tỷ USD và dự báo tăng lên tới 1.128 tỷ USD vào năm 2025. Đây được coi là một trong những thị trường mang lại doanh thu cao nhất trong các loại hình du lịch. Nên Việt Nam cần ưu tiên phát triển thị trường này, đây có thể sẽ trở thành lĩnh vực mũi nhọn trong thời gian tới.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại