Một nạn nhân trong vụ sập trần phòng học ở Nghệ An bị liệt vận động, khả năng phục hồi kém
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBác sĩ thăm khám cho bệnh nhân M. Ảnh: BVCC |
Theo đó, chiều ngày 21/12, khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận bệnh nhân Đ.T.M trong tình trạng đa chấn thương. Ngay sau khi bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện, các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu, xử trí, đảm bảo việc cứu chữa được kịp thời và có hiệu quả cao nhất.
Theo TS.BS Nguyễn Hoàng Long, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân vào viện do tai nạn sinh hoạt, đa chấn thương, vỡ trật đốt sống ngực T11 liệt tủy hoàn toàn; sọ não xuất hiện dưới nhện nhỏ, Glasgow 15 điểm; gãy xương sườn 1-4 bên phải, tràn máu tràn khí màng phổi hai bên.
Bệnh nhân được chuyển vào phòng mổ cấp cứu để dẫn lưu màng phổi hai bên; mổ nắn chỉnh trật cột sống, cố định cột sống và giải phóng thần kinh. Tuy nhiên, do bệnh nhân M bị liệt hoàn toàn vận động và cảm giác nên khả năng phục hồi kém. Các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi và tích cực điều trị cho bệnh nhân.
Trước đó, vào khoảng gần 8h sáng 21/12, tại phòng 26 lớp 11A9, trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh (TP Vinh, Nghệ An), 50 học sinh trong lớp đang học thì bất ngờ trần nhà bị sập. Sự việc khiến nhiều học sinh phải nhập viện cấp cứu.
Hiệu trưởng trường Hermann Gmeiner Vinh Trần Thị Thu Hiền thông tin, sau khi sự việc xảy ra phía nhà trường đã đưa các học sinh đi cấp cứu. Trong đó có 2 đến 3 học sinh bị thương, xây xát, còn lại có hoảng loạn về tinh thần.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, tại hiện trường qua ghi nhận gần như toàn bộ phần trần nhà được làm bằng gỗ đã sập, một số bàn học sinh bị cả những tảng bê tông từ dầm bê tông phần sàn nhà sập đè gãy.
Cùng ngày, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Nghệ An về việc chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời người bị tai nạn trong vụ việc sập trần phòng học của trường Phổ thông Hermann Gmeiner.
Theo công văn, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Nghệ An tiếp tục tích cực xử lý các công việc. Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo các các bệnh viện trực thuộc và phối hợp với các bệnh viện tuyến trên, các đơn vị liên quan huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa người bị nạn, nhằm bảo đảm việc cứu chữa được kịp thời và có hiệu quả cao nhất.
Đồng thời, tập trung cứu chữa, quan tâm chăm sóc về sức khỏe, ổn định tâm lý cho người bị nạn vượt qua khủng hoảng; phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trong việc chuyển tuyến, hội chẩn chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa qua telehealth, theo dõi điều trị cho nạn nhân tại các bệnh viện tuyến trên.
Bên cạnh đó, các đơn vị cử đầu mối cung cấp thông tin chính thức, cụ thể cho cơ quan báo chí, truyền thông, cha mẹ, người nhà người bị nạn.
Cục cũng đề nghị Sở Y tế Nghệ An sớm tổng hợp báo cáo gửi về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cập nhật diễn biến của việc cứu chữa người bị nạn và các ý kiến đề xuất, kiến nghị với Bộ Y tế (nếu có) nhằm bảo đảm công tác cấp cứu, điều trị cho nạn nhân vụ việc.
Xử trí ra sao khi trẻ gặp vết thương phần mềm vùng hàm mặt?! | |
Suýt vỡ mũi vì "đồ long đao" đập vào mặt |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại