Thứ ba 23/04/2024 15:33

Mỗi người cao tuổi tại Việt Nam "cõng" trung bình 3 bệnh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mô hình bệnh tật ở nước ta nói chung và ở người cao tuổi nói riêng đang thay đổi nhanh chóng, chuyển từ mô hình chủ yếu là bệnh lây nhiễm sang mô hình chủ yếu là bệnh không lây nhiễm. Người cao tuổi nước ta thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, trung bình mỗi người mắc 3 bệnh phải điều trị suốt đời.
Mỗi người cao tuổi tại Việt Nam
Trung bình mỗi người cao tuổi tại Việt Nam mắc 3 bệnh phải điều trị suốt đời (ảnh TTYT HBT)

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế, năm 2011, nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số; năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 11,86% dân số. Theo dự báo tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và lên 26,10% vào năm 2049. Nước ta là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như: Pháp: 115 năm; Australia: 73 năm…nhưng ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm.

Số lượng người cao tuổi Việt Nam tăng nhanh từ 7,67 triệu năm 2009 lên 11,4 triệu năm 2019. Theo dự báo đến năm 2030, người cao tuổi ở nước ta khoảng 18 triệu chiếm 17,5% dân số, tức là cứ 6 người dân thì có hơn 1 người cao tuổi.

Theo quy luật tự nhiên, khi tuổi càng cao sức khỏe và năng lực nội tại càng suy giảm. Năm 2011, hơn 60% người cao tuổi cho biết tình trạng sức khỏe là yếu và rất yếu cần được chăm sóc sức khỏe; hơn 46% người cao tuổi mắc bệnh tăng huyết áp; 34% mắc bệnh viêm khớp; khoảng 20% mắc các bệnh khác như tim mạch, răng miệng, viêm phế quản và bệnh phổi mạn tính.

Mức độ suy giảm năng lực nội tại ở nhóm cao tuổi nhất (từ 80+) càng nghiêm trọng hơn. Kết quả nghiên cứu dọc về người cao tuổi và sức khỏe Việt Nam năm 2018, ở nhóm người cao tuổi nhất (80+) có gần 74,6% mắc tăng huyết áp; 54,3% mắc bệnh viêm khớp.

Mô hình bệnh tật ở nước ta nói chung và ở người cao tuổi nói riêng đang thay đổi nhanh chóng, chuyển từ mô hình chủ yếu là bệnh lây nhiễm sang mô hình chủ yếu là những bệnh không lây nhiễm. Người cao tuổi nước ta thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, trung bình mỗi người mắc 3 bệnh phải điều trị suốt đời. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sự hoà nhập cộng đồng của người cao tuổi.

Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi như bệnh Alzheimer, các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tiểu đường, ung thư...

Mặc dù phần lớn người cao tuổi ở nước ta sống chung với gia đình được người thân chăm sóc, nhưng trong xu hướng chuyển đổi mạnh từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân, vai trò gia đình với người cao tuổi giảm dần, con cái sống xa cách và bận rộn hơn, đặc biệt là tốc độ tăng nhanh của nhóm dân số cao tuổi nhất (≥80 tuổi) và số lượng các cụ thọ từ 100 tuổi trở lên, đã đặt ra nhu cầu chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi ngày càng lớn.

Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2015 trong số 610 người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên được phỏng vấn có 28% cần sự trợ giúp về hoạt động sống cơ bản hàng ngày (vệ sinh, đánh răng,...), và 90% cần sự trợ giúp trong các hoạt động cần thiết (mua bán, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo,..(.

Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng, khó khăn, bấp cập trong chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi hiện nay là tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm.

Người cao tuổi đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính. Bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Tuổi thọ trung bình cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta thấp (64 tuổi); đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu.

Cùng đó, người cao tuổi Việt Nam sống chủ yếu ở nông thôn, sống cùng con cháu; đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn. Có tới 73% người cao tuổi tại Việt Nam không có lương hưu và phải sống phụ thuộc vào con cái. Số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội nên rất nhiều người cao tuổi vẫn phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày.

Mỗi người cao tuổi tại Việt Nam
Hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng già hóa dân số nhanh (ảnh minh hoạ-TTYT HBT)

Ngoài ra, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng già hóa dân số nhanh. Việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống y tế-lão khoa chưa đầy đủ và trang bị chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh mãn tính-bệnh đặc trưng của người cao tuổi.

Thêm vào đó là sự khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Hiện tại, người cao tuổi nghèo và người cao tuổi sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa ít có khả năng tiếp cận được tới dịch vụ chăm sóc cần thiết.

Người cao tuổi nước ta phần đông là nữ, tỷ lệ góa chồng cao trong khi phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi xét về thu nhập, tình trạng khuyết tật, khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế. Vì vậy cũng tạo thách thức lớn trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hệ thống an sinh xã hội còn nhiều bất cập, chưa thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số”. Với các nước phát triển, quá trình “già hoá dân số” diễn ra từ từ.

Và cuối cùng là thách thức trong công tác lập kế hoạch, hoạch định chính sách. Để thích ứng với “già hoá dân số”, việc chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để đáp ứng nhu cầu của “dân số già” trong 1-2 thập niên tới sẽ là một thách thức rất lớn đối với các nhà lập kế hoạch và hoạch định chính sách ở nước ta.

Để đạt được các mục tiêu đề ra trong Chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đến năm 2030, Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh các nhiệm vụ bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;

Củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi; Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, quản lý Chương trình...

Theo Kế hoạch số 30/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030 trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2022-2025, Hà Nội có trên 80% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; khoảng 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng. Giai đoạn 2026-2030 có 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; khoảng 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.

Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu giai đoạn 2022-2025 có 100% người cao tuổi không phải sống trong nhà tạm, dột nát; 100% người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không có người phụng dưỡng được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định.

Nhằm tăng cường sức khỏe cho người cao tuổi, Hà Nội sẽ thực hiện trợ giúp y tế như: Triển khai chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe người cao tuổi ở trạm y tế tuyến xã, ưu tiên nhóm người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên và từng bước mở rộng đến nhóm từ 65 tuổi trở lên. Hà Nội phát triển Khoa Lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tuyến thành phố; phát triển mạng lưới nhân viên chăm sóc, thực hiện tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại nhà và cộng đồng.

70% người cao tuổi “đeo” ít nhất 2 bệnh
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số
Người cao tuổi phải được coi là một ưu tiên trong nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19
Hà Nội triển khai đồng bộ các chính sách quy định về người cao tuổi
Áp lực tài chính khi dân số bước vào thời kỳ già hoá
Tuổi thọ trung bình của người Việt tăng gần gấp 2 lần
Những thách thức trong công tác dân số tại Việt Nam
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động