Thứ sáu 22/11/2024 09:31

Những thách thức trong công tác dân số tại Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong 60 năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc khống chế tốc độ gia tăng dân số, chuyển dịch cơ cấu dân số, tăng tuổi thọ trung bình, cải thiện chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít khó khăn, thách thức.
Những thách thức trong công tác dân số tại Việt Nam
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh luôn ở mức cao và lan rộng (ảnh minh hoạ, M.H)

Theo báo cáo của Tổng cục DS-KKHGĐ (Bộ Y tế) về 60 năm công tác dân số, hiện công tác dân số có thách thức như xu hướng mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế; mất cân bằng giới tính khi sinh luôn ở mức cao và lan rộng; việc lựa chọn giới tính thai nhi tăng...

Cụ thể, trong những năm gần đây có một xu hướng sinh mới nổi là mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long-chiếm hơn 1/3 (36,5% năm 2020) tổng dân số cả nước và đặc biệt thấp tại một số địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu… Đây là những địa phương có mức độ phát triển kinh tế-xã hội cao, tỷ lệ dân số đô thị lớn và tập trung nhiều khu công nghiệp.

Khi mức sinh thấp sẽ gây ra nhiều hệ lụy kinh tế-xã hội như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, gia tăng những vấn đề an sinh xã hội bất cập ảnh hưởng sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, Việt Nam cần triển khai các biện pháp tổng hợp, đồng bộ, hiệu quả để khuyến khích người dân ở các vùng có mức sinh thấp sinh đủ 2 con.

Cùng đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh luôn ở mức cao và lan rộng. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam được ghi nhận từ năm 2006, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, tỷ số giới tính khi sinh (số bé trai/100 bé gái) luôn ở mức cao (>110). Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay, Việt Nam sẽ có 1,5 triệu nam giới dư thừa vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059.

Vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh gia tăng sau mỗi lần sinh. Tỷ số giới tính khi sinh cao nhất (145) ở nhóm cha mẹ chỉ có 2 con gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới sâu sắc, dẫn đến các hệ lụy về cấu trúc gia đình và nhiều vấn đề kinh tế-xã hội trong tương lai (bạo lực, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, mại dâm…).

Ngoài ra là vấn đề đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tuy tuổi thọ trung bình được cải thiện nhiều, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam hiện là 65 tuổi. Chi phí chăm sóc người cao tuổi cao gấp nhiều lần so với chăm sóc trẻ em. Số người cao tuổi tăng sẽ làm tăng áp lực kinh tế, xã hội trong việc duy trì cuộc sống khoẻ mạnh của người cao tuổi. Trong khi đó, hệ thống y tế chưa chuyển đổi kịp và phù hợp với sự biến đổi nhân khẩu học và già hóa dân số nhanh, đặc biệt là hệ thống lão khoa. Cung cấp dịch vụ chuyên môn về lão khoa chưa phổ biến; các trạm y tế xã, phường chưa có nhân viên y tế được đào tạo về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; ít mô hình chăm sóc tại cộng đồng; phần lớn người cao tuổi chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ…

Bên cạnh đó, Việt Nam đã qua gần nửa thời kỳ dân cơ cấu dân số vàng nhưng việc tận dụng lực lượng lao động đông về số lượng chưa hiệu quả do chất lượng lao động thấp, trình độ chuyên môn kỹ thuật không đều-đặc biệt thiếu lao động có kỹ năng; năng lực quản lý còn nhiều bất cập; có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Chỉ gần 1/3 (26,9%) dân số 15+ có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Cùng đó, dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho người di cư (một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh như đại dịch Covid-19) còn hạn chế. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai của phụ nữ di cư (37,7%) thấp hơn khá nhiều so với phụ nữ không di cư (58,6%). Có sự khác biệt đáng kể trong nhận thức về các bệnh lây truyền qua đường tình dục của người di cư giữa các khu vực cư trú và giới.

Tình trạng trẻ em thừa cân, rối nhiễu tâm trí, tự kỷ những năm gần đây có xu hướng gia tăng; tỷ lệ tầm soát, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh còn thấp. Tỷ lệ trẻ (5-19 tuổi) thừa cân, béo phì tăng nhanh từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020, rất cao ở khu vực thành thị (26,8%)...

Ngành dân số đặt mục tiêu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Cụ thể, đó là nhiệm vụ duy trì vững chắc mức sinh thay thế vì một Việt Nam phát triển nhanh, bền vững. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, khi mức sinh giảm sâu thì khó đưa về được mức sinh thay thế. Vì vậy, mục tiêu chung là duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, đảm bảo phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Nhiệm vụ tiếp theo là đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên theo quy luật sinh sản tự nhiên khi tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) trong khoảng 103-107 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Mục tiêu đặt ra là khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến năm 2030, đưa tỷ số giới tính khi sinh ở mức dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

Nhiệm vụ thích ứng với già hoá dân số và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại cộng đồng; Nâng cao chất lượng dân số vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động