Tuổi thọ trung bình của người Việt tăng gần gấp 2 lần
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSau 60 năm, tuổi thọ trung bình của người Việt tăng gấp gần 2 lần (ảnh minh hoạ, H.M) |
Đây là thông tin quan trọng được Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) nêu trong báo cáo tổng kết 60 năm công tác dân số Việt Nam (26-12-1961/26-12-2021).
Theo đó, Tổng cục DS-KHHGĐ đánh giá, công tác dân số đã trải qua 60 năm và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc khống chế tốc độ gia tăng dân số, chuyển dịch cơ cấu dân số, tăng tuổi thọ trung bình, cải thiện chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản… góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Từ năm 1961 do mức sinh rất cao và tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, trọng tâm của chính sách dân số là sinh đẻ có kế hoạch. Từ sau Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển 1994, trọng tâm chính sách được mở rộng sang nội dung dân số và sức khỏe sinh sản (SKSS) bao gồm cả KHHGĐ. Pháp lệnh dân số (2003) và các chiến lược dân số giai đoạn này hướng tới mục tiêu mỗi gia đình có 2 con, năng cao chất lượng dân số. Đối tượng truyền thông bao gồm cả thanh niên, vị thành niên, người cao tuổi, nam giới. Cơ cấu các biện pháp tránh thai được cải thiện với tăng sử dụng các biện pháp hiện đại.
Từ năm 2016 đến nay với việc mức sinh thay thế được duy trì trong 15 năm qua, trọng tâm của chính sách dân số chuyển từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Nghị quyết số 21-NQ/TW (25-10-2017) của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới xác định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nghị quyết đề ra mục tiêu chung là giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề dân số về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số; tỉ số giới tính khi sinh; cơ cấu dân số vàng; già hoá dân số; và chất lượng dân số.
Trong thời gian qua, công tác dân số đã đạt được những thành tựu bao gồm: Tốc độ gia tăng dân số được kiểm soát; mức sinh thay thế được duy trì vững chắc. Trong 6 thập kỷ qua, quy mô dân số Việt Nam tăng hơn 3 lần từ 30,2 triệu (1960) lên 97,2 triệu (2020). Tỷ lệ tăng dân số những năm 1960-1970 đặc biệt cao (>3%). Từ sau năm 1990, việc thực hiện chính sách dân số được tăng cường, tỷ lệ tăng dân số liên tục giảm và đạt 1,03% vào năm 2020.
Hiện tại, trung bình mỗi phụ nữ 15-49 tuổi có 2,1 con, bằng một phần ba so với sáu thập niên trước (6,3 con/phụ nữ). Năm 2006, Việt Nam đạt mức sinh thay thế và mức sinh này được duy trì vững chắc trong suốt 15 năm qua-một thành tựu nổi bật của công tác DS-KHHGĐ.
Năm 2020, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam thấp hơn của khu vực Đông Nam Á (2,3 con/phụ nữ). Cơ cấu dân số thay đổi theo hướng tích cực.
Mức sinh giảm trong nhiều năm do tác động của công tác dân số làm thay đổi sâu sắc cơ cấu tuổi của dân số: giảm tỷ trọng dân số trẻ (0-14 tuổi) và tăng tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-64) và dân số cao tuổi (65+).
Từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, khi tỷ trọng dân số 0-14 tuổi dưới 30%, và tỷ trọng dân số 65 trở lên đạt 7%. Trong giai đoạn này, tỷ số phụ thuộc chung (dân số 0-14 tuổi và dân số 65 trở lên tính trên dân số 15-64 tuổi) đạt <50%, nghĩa là cứ hai người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) hỗ trợ một người ở độ tuổi phụ thuộc (< 15 hoặc 65 trở lên).
Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” chỉ xuất hiện một lần với mỗi quốc gia, là cơ hội lớn để tận dụng nguồn nhân lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam bước vào giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” từ năm 2007, dự báo thời kỳ này sẽ kết thúc vào năm 2039.
Cùng với giảm sinh và những cải thiện quan trọng về sức khỏe, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng đáng kể, từ 40 tuổi năm 1960 lên 73,7 tuổi năm 2020 (nam: 71,0 tuổi, nữ: 76,4 tuổi).
Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (70,5 tuổi), đứng thứ 5/11 nước, sau Singapore (83,0 tuổi), Bru-nây (77,0 tuổi), Thái Lan (75,5 tuổi) và Ma-lai-xia (75,0 tuổi). Đây là một trong những thành tựu của Việt Nam trong việc nâng cao tuổi thọ của người dân.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về dinh dưỡng như tăng trưởng chiều cao, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em < 5 tuổi là 19,6%, đạt mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (< 20%).
Chiều cao của thanh niên Việt Nam có sự thay đổi mạnh ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi tăng từ 164,4 cm năm 2010 lên 168,1 cm năm 2020, nữ thanh niên từ 154,8 cm lên 156,2 cm)...
Mặc dù vậy, Tổng cục DS-KHHGĐ cũng chỉ ra rằng, tuy tuổi thọ trung bình được cải thiện nhiều, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam hiện là 65 tuổi. Chi phí chăm sóc người cao tuổi cao gấp nhiều lần so với chăm sóc trẻ em. Số người cao tuổi tăng sẽ làm tăng áp lực kinh tế, xã hội trong việc duy trì cuộc sống khoẻ mạnh của người cao tuổi.
Hệ thống y tế chưa chuyển đổi kịp và phù hợp với sự biến đổi nhân khẩu học và già hóa dân số nhanh, đặc biệt là hệ thống lão khoa. Cung cấp dịch vụ chuyên môn về lão khoa chưa phổ biến; các trạm y tế xã, phường chưa có nhân viên y tế được đào tạo về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; ít mô hình chăm sóc tại cộng đồng; phần lớn người cao tuổi chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ…
Việc xã hội hóa chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi còn nhiều khó khăn; cơ chế chính sách chưa đồng bộ; chưa khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Các cơ sở chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi ngoài công lập ít, quy mô nhỏ, giá thành còn cao so với mặt bằng chung.
Tổng cục DS-KKHGĐ nêu một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới là hoàn thiện và bổ sung khung pháp lý hướng tới già hóa khỏe mạnh, đặc biệt về bảo hiểm chăm sóc dài hạn; Tổ chức hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, tập trung vào các bệnh không lây nhiễm; củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu; bảo hiểm y tế phổ cập.
Kết nối, hợp tác giữa chăm sóc dựa vào cộng đồng, chăm sóc tập trung với cơ sở y tế, đặc biệt trong chuyên môn lão khoa.
Tăng cường truyền thông về các vấn đề của cao tuổi: ý thức tự chăm sóc sức khoẻ của người cao tuổi; hiểu biết về quyền của người cao tuổi; vai trò và lợi ích chăm sóc sức khoẻ tại cộng đồng; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của xã hội đối với các vấn đề của người cao tuổi…
Hoàn thiện và triển khai xã/phường thân thiện với người cao tuổi. Tăng cường tập huấn tình nguyện viên, hỗ trợ viên và người chăm sóc không chính thức về chăm sóc người cao tuổi. Phát triển các mô hình hoạt động hiệu quả như Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau, trung tâm chăm sóc ban ngày; lồng ghép công tác chăm sóc, phát huy vai trò, sự tham gia của người cao tuổi.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại