Người cao tuổi phải được coi là một ưu tiên trong nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐó là chia sẻ của bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam trong phiên khai mạc Hội thảo Quốc tế Tăng cường hợp tác giữa các bên nhằm thúc đẩy già hóa năng động và sức khỏe tâm thần trong khu vực ASEAN ngày 18-11.
Bà Naomi Kitahara cho biết, già hóa dân số là một chủ đề không thể bỏ qua trong Chương trình nghị sự Phát triển bền vững năm 2030. Già hóa dân số xảy ra không phải vì tỷ lệ tử vong giảm, hay vì con người sống lâu hơn mà phần lớn là do mức sinh giảm.
“Tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, phải chuẩn bị cho già hóa dân số, khi các cặp vợ chồng bắt đầu có một gia đình nhỏ hơn. Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới có thể đồng bộ hóa vấn đề già hóa dân số với tăng trưởng kinh tế và xã hội, đồng thời đảm bảo hòa nhập xã hội cho người cao tuổi”, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh.
Theo Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng và nêu bật tính dễ bị tổn thương cũng như những nhu cầu cụ thể của người cao tuổi. Rõ ràng, tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi là cao hơn, và tỷ lệ này ở người trên 80 tuổi cao gấp 5 lần mức trung bình toàn cầu. Người cao tuổi phải được coi là một ưu tiên trong nỗ lực nhằm vượt qua đại dịch Covid-19 của cộng đồng ASEAN, nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động ứng phó nhân đạo cũng như trong nỗ lực phát triển.
Hội thảo có sự tham gia của 150 đại biểu thuộc 10 quốc gia ASEAN và các đối tác theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp, thảo luận về thực trạng và xu hướng già hóa trong khu vực ASEAN |
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, cộng đồng ASEAN hiện có hơn 45 triệu người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên), chiếm 7% dân số ASEAN và đang là khu vực già hóa dân số. Đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên là 132 triệu người, chiếm 16,7% dân số ASEAN. Các quốc gia đang già hóa dân số như Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia sẽ trở thành các quốc gia siêu già vào năm 2050 và các quốc gia còn lại đã và đang ở thời kỳ dân số già hoặc già hóa dân số.
Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 nhưng tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Số người cao tuổi Việt Nam (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7,7% dân số, tức có 7,4 triệu người cao tuổi. Riêng nhóm dân số từ 80 tuổi trở lên đã hơn 2 triệu người.
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng, phát huy vai trò và chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi trong đó có chăm sóc y tế và không ai bị bỏ lại phía sau. Dân tộc Việt Nam có truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay luôn kính trọng người cao tuổi. Nhiều chính sách, chương trình chăm sóc sức khỏe, chăm sóc người cao tuổi đã được Việt Nam ban hành và thực hiện.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho rằng, sự chuyển đổi nhân khẩu do già hóa dân số đã, đang và sẽ tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, mỗi xã hội, trong đó có chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Vì vậy, Bộ Y tế mong muốn hội thảo là cơ hội tốt để các nước cùng nhau bàn thảo về việc tăng cường phối hợp liên ngành, sự chung tay của các lĩnh vực tư nhân, các tổ chức, các bên liên quan; tăng cường khả năng hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN; giữa ASEAN và các đối tác trong việc phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi và nhằm hướng đến xây dựng một cộng đồng ASEAN già hóa năng động và khỏe mạnh, một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.
Với chủ đề ASEAN “Gắn kết và đáp ứng”, các đại biểu tham dự đã đưa ra các khuyến nghị về việc thúc đẩy các ứng phó có ý nghĩa quan trọng đối với tình trạng già hóa dân số-các biện pháp ứng phó dựa trên cơ sở không phân biệt đối xử và bình đẳng giúp thúc đẩy tầm nhìn về một tuổi già hạnh phúc và khỏe mạnh cho một cộng đồng ASEAN gắn kết và đáp ứng trong việc thúc đẩy quá trình già hóa năng động và khỏe mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại