Thứ sáu 11/10/2024 19:41

Minh bạch tiền công đức - Kỳ 2: Xây dựng chữ tín khi tiếp nhận công đức

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với tiền công đức, của một đồng, công một nén, khi người dân đã tin tưởng mà trao lòng thành thì nơi tiếp nhận cũng phải xây dựng chữ tín. Tiền công đức không ai kiểm toán, việc sử dụng đúng hay sai trông chờ hết vào tinh thần tự kiểm của mỗi người, mỗi đơn vị liên quan.
Các khoản thu - chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được ghi chép, quản lý an toàn, công khai, minh bạch
Các khoản thu - chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được ghi chép, quản lý an toàn, công khai, minh bạch

Khó có thể kiểm toán được tiền công đức

Vấn đề tiền công đức, tài trợ, từ thiện vẫn là đề tài "nóng" trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2022 vừa qua. Nhiều vụ việc tranh cãi, giành giật, mất cắp tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo, gây mất an ninh trật tự..., đã xảy ra tại nhiều địa phương, để lại nhiều bài học về quản lý, sử dụng khoản tiền này.

Một số bạn đọc cũng thắc mắc việc quản lý, sử dụng tiền công đức tại lễ hội, chùa chiền được pháp luật quy định như thế nào. Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, mọi hoạt động liên quan đến việc quản lý và sử dụng tiền công đức, tiền quyên góp, tài trợ đều phải tuân theo quy định tại Điều 56, Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016, Nghị định 162/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo.

Theo đó, cụm từ “tiền công đức” chưa được định nghĩa rõ ràng trong các quy phạm pháp luật mà đối tượng điều chỉnh được xác định chỉ đơn giản là “tài sản quyên góp”, “khoản tài trợ”. Các khoản thu này phải đảm bảo điều kiện chung nhất là phải dựa trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân.

Khi tiếp nhận tiền quyên góp, tài trợ của cá nhân, tổ chức bên ngoài, cơ sở tôn giáo phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức quyên góp, nêu rõ mục đích, địa bàn, cách thức, thời gian quyên góp, phương thức quản lý và sử dụng tài sản được quyên góp.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 19, Nghị định 162/2017, hoạt động quyên góp phải có sổ sách thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch. Tài sản được quyên góp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích đã thông báo, phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo và từ thiện xã hội. Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo không cần phải báo cáo cho đơn vị quản lý Nhà nước. Cơ quan Nhà nước chỉ tiếp nhận thông báo về hoạt động quyên góp, có trách nhiệm kiểm tra tài sản quyên góp có được lên sổ sách thu, chi công khai hay không; tài sản quyên góp có được sử dụng đúng mục đích đã thông báo hay không;…

Như vậy, trong bối cảnh hiện tại, việc quản lý tiền công đức theo yêu cầu mới càng trở nên cần thiết. Làm tốt được điều này không chỉ giúp cho hoạt động công đức, tài trợ tốt hơn, minh bạch hơn mà còn giúp cho lĩnh vực di tích, văn hóa nhận được thêm nhiều sự quan tâm, có thêm nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích. Câu chuyện quản lý tiền công đức tại Đền Cửa Ông, tỉnh Quảng Ninh là ví dụ điển hình.

Với tiền công đức, của một đồng, công một nén, khi người dân đã tin tưởng mà trao lòng thành thì nơi tiếp nhận cũng phải xây dựng chữ tín. Tiền công đức không ai kiểm toán, việc sử dụng đúng sai trông chờ hết vào tinh thần tự kiểm của mỗi người mỗi đơn vị liên quan.

Luật sư Thái cho rằng, khi người dân mang tiền công đức, tiền lễ, tiền giọt dầu, tiền thỉnh vong giải oan hay dâng sao giải hạn… là ý chí của chính người dân muốn gửi gắm tới Phật, Thánh để mong cầu bình an, may mắn, lộc tài cho mình. Điều này không sai nhưng hiện nay mọi thứ có vẻ như đang trở nên thái quá. Việc họ mang tiền đến đang là hành vi hối lộ Phật, Thánh, chứ không còn thể hiện sự thành kính tôn nghiêm ban đầu.

Còn với các đền chùa, nhiều doanh nghiệp liên tục xây đền chùa ngày càng to nhằm mục đích kinh doanh, lôi kéo du khách về đi lễ. Họ rầm rộ quảng bá và đưa ra nhiều thông tin mời gọi du khách chẳng khác gì việc kinh doanh các mặt hàng khác. Và khi họ kinh doanh, thì dĩ nhiên họ sẽ thu lợi nhuận.

“Việc quản lý sẽ rất khó vì nếu đưa vào ngân sách thì không khả thi, do đây là tiền hoàn toàn do người dân tự đóng góp. Do quan niệm tâm linh, nếu ngân sách quản lý tiền công đức, thì người dân sẽ không tự nguyện mang tiền vào chùa nữa, đây là điều không nên. Song, tiền nhiều quá sẽ dẫn tới những cách chi tiêu không hợp lý như một số hiện tượng thời gian qua khiến dư luận không đồng tình.

Tuy nhiên có nên kiểm toán không, thì theo tôi sẽ khó khả thi, vì đầu vào không quản lý được, thì việc kiểm toán đầu ra không có ý nghĩa. Kiểm toán chủ yếu ở những hạng mục như vé vào cửa, vé đò, vé cáp treo và các dịch vụ trông xe… tức là những khoản thu có chứng từ, còn các khoản thu người dân tự nguyện công đức vào hòm, hay đặt lễ lên mâm cúng sẽ không thể kiểm soát được. Bởi vậy, theo tôi, quan trọng là phải thay đổi từ suy nghĩ của người dân, du khách thập phương, đó mới là gốc rễ”, luật sư Thái phân tích.

Bộ Tài chính ban hành thông tư quản lý tiền công đức

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại khoản 6 Điều 19, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về quản lý tổ chức lễ hội, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 04/2023 về hướng dẫn quản lý, thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Thông tư 04 có hiệu lực từ ngày 19/3/2023.

Theo đó, Thông tư 04/2023 đã định nghĩa chi tiết hơn về “tiền công đức” và các hình thức tiếp nhận tiền công đức. Thông tư 04/2023 đã xác định cụ thể “tiền công đức” chỉ bao gồm các khoản hiến, tặng cho, tài trợ của tổ chức, cá nhân cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội dưới hình thức: Bằng tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền chuyển khoản; bằng các loại giấy tờ có giá, kim khí quý, đá quý theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Các hình thức tiếp nhận tiền công đức, tài trợ được quy định chi tiết tại Điều 9, Thông tư 04/2023. Cụ thể, khi nhận tiền mặt thì có người tiếp nhận ghi chép, hòm công đức cũng phải được kiểm đếm công khai định kỳ, nhận tiền chuyển khoản thì phải mở tài khoản ở kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại, giấy tờ có giá lẫn kim khí quý đều phải ghi chép cẩn thận đầy đủ. Việc quản lý, sử dụng tiền công đức cũng được quy định từng điều khoản riêng cho từng đối tượng.

Thông tư 04/2023 cũng quy định về các nội dung chi, mức chi bảo vệ và phát huy giá trị di tích gồm các khoản chi thường xuyên và khoản chi đặc thù, tạo điều kiện cho các cơ sở tôn giáo xây dựng kế hoạch thu chi tiền công đức và tài sản quyên góp một cách phù hợp.

Quy định mới về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức
Để nghị bỏ quy định về nguyên tắc quyên, tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ
Thanh niên trộm hàng loạt hòm công đức ở chốn tâm linh “sa lưới”
Gã trộm nhiều tiền án đột nhập Đền Trần, cậy phá hòm công đức
Gã nghiện đột nhập vào chùa, phá hòm công đức trộm cắp tài sản
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động