Thứ sáu 22/11/2024 04:05

Minh bạch tiền công đức - Kỳ cuối: Thông tư 04/2023 là hành lang pháp lý quan trọng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thông tư 04/2023 được coi là văn bản pháp lý quan trọng góp phần quản lý minh bạch tiền công đức, tài trợ nhưng vẫn không gây cản trở các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Dự báo về tính khả thi của Thông tư số 04/2023/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành, những ngày qua, thông tư này đã được nhiều người vui mừng đón nhận. Bởi nhìn lại cách thức quản lý tiền công đức hiện hành đều dễ nhận ra các vấn đề bất cập.

Chuyên gia nghiên cứu văn hóa PGS.TS Phạm Ngọc Trung khẳng định, Thông tư 04 rất cần thiết cho việc tổ chức lễ hội, quản lý tiền công đức và các tài sản khác mà các cá nhân, tổ chức, đơn vị trong nước và quốc tế tiến hành đóng góp cho các cơ sở thờ tự, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

“Thông tư này chính là hành lang pháp lý để theo dõi, giám sát, thanh tra, xử lý những đơn vị, những cá nhân sử dụng tiền công đức không đúng mục đích, sai phạm, đầu cơ trục lợi”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nói và khẳng định việc ban hành Thông tư 04 đánh dấu bước đầu cho việc minh bạch, công khai quản lý tiền công đức. Để có thể quản lý chặt chẽ hơn các cơ quan quản lý, chuyên gia cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung.

Ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội khẳng định, trong những năm qua, nhiều BQL di tích trên cả nước, đặc biệt là tại Thủ đô thực hiện khá nghiêm túc việc tiếp nhận, quản lý tiền công đức. Các đình, đền được Nhà nước xếp hạng đều minh bạch. Theo ông Tiến, Thông tư do Bộ Tài chính ban hành đem lại tín hiệu đáng mừng.

“Tiền công đức, giọt dầu ở di tích nào sẽ phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích đó. Yếu tố minh bạch được đặt lên hàng đầu. BQL di tích cần thông báo cụ thể, rõ ràng cho chính quyền, người dân địa phương về mục đích sử dụng, chi tiêu tiền công đức. Điều này thể hiện sự công bằng, tránh tình trạng người trông coi nơi thờ tự tư lợi tiền công đức”, ông Trương Minh Tiến nhấn mạnh.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc xây dựng và ban hành Thông tư 04.

“Trong bối cảnh các di tích, lễ hội đang rất cần có nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo và tổ chức, nguồn lực và sự quan tâm của xã hội đến di tích và lễ hội cũng rất lớn thì việc quản lý thu, chi tài chính sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động này đáp ứng nhu cầu, phù hợp với xu thế”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết và kiến nghị cần tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát theo đúng thẩm quyền khi xảy ra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thực hiện tốt những hoạt động quản lý Nhà nước này giúp thông tư được triển khai có hiệu quả hơn. Những lộn xộn vừa qua trong việc quản lý tiền công đức chính là những bài học kinh nghiệm và là lời cảnh tỉnh đối với việc quản lý tiền công đức.

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, việc ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội là hết sức cần thiết và kịp thời góp phần quản lý minh bạch tiền công đức, tài trợ.

Đây cũng là hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức tham gia đóng góp phát triển văn hóa đất nước, đồng thời tạo ra sự tin tưởng, minh bạch trong các hoạt động này. Khi có hiệu lực, Thông tư này sẽ góp phần giúp cho việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội trong tình hình mới theo hướng minh bạch, rõ ràng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên trường Đại học KHXH&NV khẳng định, thông tư này không phải để Nhà nước quản lý tiền mà mục đích là làm cho các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo tốt đẹp hơn. Đây là động thái cần thiết. Thông tư thể hiện sự hợp lý, minh bạch của việc thu chi tiền công đức, tiền lễ hội và tài trợ. Khi thông tư được thực hiện sẽ đem lại niềm tin, uy tín cho chính cơ sở tín ngưỡng tôn giáo và các ban tổ chức lễ hội.

“Việc ban hành Thông tư này thực sự cần thiết, tạo hành lang pháp lý để vừa tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức tham gia đóng góp phát triển văn hóa đất nước, vừa tạo ra sự tin tưởng, minh bạch trong các hoạt động này, giúp đóng góp tích cực hơn cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích và lễ hội nói riêng, phát triển văn hóa của đất nước nói chung”, bà Vũ Thị Hải Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định.
Để nghị bỏ quy định về nguyên tắc quyên, tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ
Thanh niên trộm hàng loạt hòm công đức ở chốn tâm linh “sa lưới”
Gã trộm nhiều tiền án đột nhập Đền Trần, cậy phá hòm công đức
Gã nghiện đột nhập vào chùa, phá hòm công đức trộm cắp tài sản
Quy định mới về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động