Thứ tư 17/04/2024 01:01

Mâu thuẫn không đóng tiền làm ngõ đi chung và cái kết bất ngờ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Một hộ gia đình đã không đóng tiền làm ngõ đi chung và sau đó muốn mở đường đi ra ngõ này không được người dân đồng ý. Mâu thuẫn xảy ra và chỉ được giải quyết khi tổ hòa giải vào gặp gỡ các bên.
Mâu thuẫn không đóng tiền làm ngõ đi chung và cái kết bất ngờ
Bác Đào Trí Hùng, người có 16 năm công tác hòa giải tại tổ dân phố đang kể lại câu chuyện mâu thuẫn ngõ đi chung.

Trao đổi với PV, ông Đào Trí Hùng, 70 tuổi ở Số 117 ngõ 663 đường Trương Định, tổ phó tổ dân phố số 9, tổ trưởng tổ hòa giải liên tổ 8,9,10,11 phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội cho biết, ông làm ở tổ dân phố 16 năm và tham gia công tác hòa giải được 8 năm.

Thời điểm đầu làm công tác hòa giải mới là Nghị định, chưa có Luật hòa giải như bây giờ. Khi làm công tác hòa giải, ông có thuận lợi bởi là người gốc ở phường Thịnh Liệt nên nắm rõ địa bàn dân cư cũng như những nhân khẩu ở địa phương. Hiện tại, có hơn 2.000 hộ và 5.000 nhân khẩu trong tổ ông.

Ông Hùng cho biết thêm, tổ hòa giải có 9 thành viên phân bổ trong các địa bàn dân cư gồm Bí thư chi bộ, ban công tác mặt trận, hội phụ nữ, hội người cao tuổi, 4 tổ trưởng dân phố. Công việc hòa giải trên địa bàn phần lớn xảy ra mâu thuẫn ở các lĩnh vực về đất đai, mốc giới, ly hôn, vứt rác bừa bãi,...

Quy trình hòa giải là mỗi thành viên tổ hòa giải ở một địa bàn dân cư khác nhau và phải nắm bắt được tình hình mâu thuẫn ở khu vực mình sinh sống. Khi biết có mâu thuẫn, thành viên tổ hòa giải sẽ đến hỏi thăm, tìm hiểu thông tin mâu thuẫn giữa các bên và cùng đưa ra phương hướng giải quyết hòa giải. Nếu không hòa giải được, hai bên đều không đồng ý thì đề nghị hai bên gia đình làm đơn gửi tổ hòa giải. Lúc này, tổ hòa giải mới thành lập và vào giải quyết vụ việc mâu thuẫn giữa hai nhà. Tổ hòa giải không giải quyết được mâu thuẫn thì sẽ làm đơn gửi phường.

“Do làm tốt công tác hòa giải nên năm vừa qua tổ hòa giải được UBND quận Hoàng Mai khen thưởng tập thể”, ông Hùng nói.

Kể về câu chuyện hòa giải , ông Hùng cho hay, một hộ dân sinh sống lâu đời trên mảnh đất thuộc nghách 16 ngõ 93 đường Giáp Nhị. Mảnh đất này lại có phần giáp với ngách 28 cùng ngõ. Năm 2011 hộ này tiến hành xây dựng lại ngôi nhà trên một phần mảnh đất cho phù hợp với yêu cầu mới của gia đình. Phần đất giáp với ngách 28 được để lại nhưng lối vào theo ngách 16 của chỗ đất này đã bị ngôi nhà mới xây chắn mất. Có lẽ gia đình nghĩ rằng khi nào xây nhà trên mảnh đất để lại đó thì đương nhiên phải mở lối đi theo ngách 28.

Sau đó một thời gian, thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bà con dân cư sống dọc theo ngách 28 bàn nhau góp tiền làm lại đường đi, cống ngầm thoát nước hiện đại khang trang hơn cho toàn ngách. Bình quân mỗi gia đình đóng góp 15 triệu đồng vào thời điểm đó. Chủ trương này cũng được phổ biến đến gia đình có mảnh đất giáp ngách 28 chưa xây nhà. Nhưng không hiểu do kinh tế khó khăn hay lý do nào khác, hộ này không đóng tiền làm lại đường ở ngách 28 với bà con.

Đến khi hộ này có nhu cầu bán mảnh đất giáp ngách 28 cho người khác đến xây nhà thì yêu cầu tất yếu phải có lối đi ra ngách 28. Khi đó bà con ngách 28 kiên quyết không cho hộ ở ngách 16 mở lối đi ra ngách 28 mà bà con đã đóng tiền mới làm xong. Họ yêu cầu hộ dân kia phải nộp cho bà con trong ngách 28 mức tiền lên tới 100 trệu đồng để họ sung công làm các việc tân trang cho ngách. Hộ dân ở ngách 16 này cho rằng đó là điều vô lý nên không chịu nộp tiền, có đóng là đóng mức 15 triệu đồng như mọi người đã đóng trước đây. Đôi bên tranh cãi nhau nhiều lần và càng ngày càng trở nên căng thẳng. Thậm chí có lúc có thể gây nên xô xát, dù hầu hết mọi người đều là bà con lối xóm gắn bó nhiều đời trong tinh thần “tắt lửa tối đèn có nhau”...

Sự việc được phản ánh đến tổ dân phố 14B và lãnh đạo UBND phường Thịnh Liệt. Khi đó tập thể lãnh đạo tổ dân phố đến tận nơi hai bên mâu thuẫn nắm kỹ tình hình sự vụ và nhận ra rằng vụ việc này có thể thông qua hòa giải, không để mâu thuẫn căng hơn đi đến hậu quả xấu hơn.

Tổ hòa giải đã gặp và tán thành với đại diện các gia đình ở nghách 28 là gia đình ở ngách 16 cần phải đóng khoản tiền theo mức mới, nhưng không nên quá cao như là “kiểu phạt vạ”. Tổ hòa giải đã đến gặp hộ dân ở ngách 16 phân tích rõ thiếu sót của gia đình không tham gia ngay từ đầu với bà con ngách 28. Bà con nghách 28 đòi thu cao cũng có lý do họ dùng tiền đó để đảm bảo cho sinh hoạt công cộng của ngách chứ không phải dành cho việc riêng ai.

Qua nhiều lần đàm đạo thuyết phục, hai bên nhất trí để gia đình ở ngách 16 đóng góp 70 triệu đồng cho ngách 28 sung công. Sự vụ được giải quyết êm xuôi, chuyện không cần phải kéo nhau đến cấp phường giải quyết theo Luật và các quy định của chính quyền.

Từ sự vụ đó và nhiều vụ khác đã hòa giải ở tổ dân phố thành công, ông Hùng cho rằng, khi có vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong dân cư ở tổ dân phố, nếu tập thể lãnh đạo Tổ không ngại khó ngại khổ, kịp thời phát hiện, nắm chắc tình hình, đề ra giải pháp hòa giải thấu lý đạt tình, thuyết phục được bà con hòa giải thành công là điều rất tốt, tránh được những căng thẳng không đáng có.

Hoà giải viên đã biến mâu thuẫn lớn thành nhỏ, mâu thuẫn nhỏ thành không có, giúp cấp trên không phải mất thời gian công sức giải quyết. Giúp bà con đoàn kết trong “nghĩa xóm tình làng” đã gắn bó với nhau bao năm, cùng chung tay xây dựng “Đời sống văn hóa từ cơ sở” theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Cần làm rõ tính pháp lý trong xây dựng và việc mở cửa ra ngõ đi chung Cần làm rõ tính pháp lý trong xây dựng và việc mở cửa ra ngõ đi chung

Trong Giấy phép xây dựng của UBND quận Đống Đa, do ông Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, Hà Nội ký ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động