Lùi thời gian triển khai áp dụng chương trình GDPT sách giáo khoa mới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTiếp theo chương trình kỳ họp, chiều 2-11, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo tờ trình, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội yêu cầu từ năm học 2018 - 2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Cụ thể, lộ trình thực hiện đến năm học 2018 - 2019: Lớp 1, lớp 6 và lớp 10; năm học 2019 - 2020: Lớp 2, lớp 7 và lớp 11; năm học 2020 - 2021: Lớp 3, lớp 8 và lớp 12; năm học 2021 - 2022: Lớp 4 và lớp 9; năm học 2022 - 2023: Lớp 5.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: Khánh Phong |
Đến nay, việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội tuy đã đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập.
Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được ban hành để làm căn cứ biên soạn sách giáo khoa, thời gian thực tế để hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến; việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn.
Nếu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ngay từ năm học 2018 - 2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng.
Cũng theo Tờ trình, nếu theo lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới nêu tại Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội thì việc chuẩn bị giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập; trong 3 năm học đầu tiên của lộ trình, mỗi năm học đều phải triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở 3 lớp thuộc ba cấp học khác nhau, trong khi 2 năm học cuối của lộ trình mỗi năm học chỉ triển khai thêm ở 1 hoặc 2 lớp ở cấp tiểu học.
Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả xây dựng và áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đồng thời tạo sự đồng thuận, yên tâm của xã hội cần điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.
Căn cứ tình hình xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, việc chuẩn bị về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc; trên cơ sở phân tích lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo yêu cầu của Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 - 2022.
Lộ trình cụ thể đối với từng lớp như sau: Năm học 2019 - 2020: Lớp 1; Năm học 2020 - 2021: Lớp 2 và lớp 6; Năm học 2021 - 2022: Lớp 3, lớp 7 và lớp 10; Năm học 2022 - 2023: Lớp 4, lớp 8 và lớp 11; Năm học 2023 - 2024: Lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại