Ảnh
Lặng ngắm khu phố cổ thứ hai của Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thị xã Hà Đông đã từng là một đô thị cổ sầm uất. Trải qua hơn một trăm năm hình thành và phát triển, Hà Đông nay trở về là một quận của Hà Nội nhưng vẫn còn đó những căn nhà, những khu phố cổ nằm im ắng bên bờ Nhuệ Giang.
|
Thời nhà Nguyễn, quận Hà Đông nguyên là làng Cầu Đơ thuộc huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Nội, có cầu Đơ lợp ngói bắc qua sông Nhuệ. Năm 1888, sau khi phần đất của thành Hà Nội cắt làm nhượng địa cho Pháp, phần còn lại của tỉnh Hà Nội thành lập tỉnh Cầu Đơ, với tỉnh lỵ ở Cầu Đơ. |
|
Năm 1904, tỉnh Cầu Đơ đổi tên thành tỉnh Hà Đông, và tỉnh lỵ Cầu Đơ cũng đổi tên thành thị xã Hà Đông. Tỉnh Hà Đông bao gồm thị xã Hà Đông, các phủ Hoài Đức, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, huyện Hoàn Long (nguyên là khu vực ngoại thành Hà Nội) - (Ngôi nhà ở số 8 - Phan Bội Châu) |
|
Thị xã Hà Đông chính thức thành lập vào ngày 6-12-1904 (tỉnh Hà Đông), cho đến nay đã tồn tại hơn một trăm năm. Năm 2008, Hà Đông trở lại thành một quận của TP Hà Nội. Việc sáp nhập phân chia lại địa giới hành chính Thủ đô biến thị xã Hà Đông đã trở thành một quận rộng thứ hai của Hà Nội, song vẫn còn đó bóng dáng của một đô thị cổ sầm uất trước kia. |
|
Các khu phố Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bùi Bằng Đoàn... được xem là những tuyến phố trung tâm của thị xã Hà Đông xưa kia. |
|
Trải qua năm tháng, những căn nhà mang dáng dấp của một tỉnh lỵ sôi động khi xưa vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn. |
|
Khu ngã tư phố Bà Triệu - Trần Hưng Đạo có những nét quen thuộc, rất giống với khu 36 phố cổ của Hà Nội. |
|
Căn nhà tại số 46-48 Trần Hưng Đạo vẫn được giữ nguyên vẹn hình dáng bên ngoài của một ngôi nhà cổ. |
|
Bà Trần Thị Đình (82 tuổi, 46 Trần Hưng Đạo) cho biết: "Lúc tôi còn bé tí đã thấy ngôi nhà ở đây rồi. Từ đó đến nay, căn nhà vẫn giữ nguyên vẹn, không sửa sang lại gì. Bên ngoài là cánh cửa gỗ, bên trong vẫn giữ từ viên gạch đất nung, cầu thang gỗ, trần cót ép. Trông thế thôi chứ đây toàn là gỗ lim đấy". |
|
Khi xưa, Hà Đông là nơi phát triển giao thương vô cùng nhộn nhịp ở phía tây nam của Hà Nội và là một vùng làng nghề tiểu thủ công rất phát triển. |
|
Theo cách quy hoạch, toàn bộ tuyến phố được coi là trung tâm xưa kia đều được bố trí xung quanh chợ trung tâm của tỉnh lỵ là chợ Hà Đông cũ. |
|
Căn nhà được xây dựng từ năm 1930 nằm trên ngã ba phố Trần Hưng Đạo, Trưng Trắc vẫn còn giữ được nguyên vẹn lối kiến trúc xưa. |
|
Khi mới hình thành thị xã Hà Đông chỉ rộng khoảng 1km2 nằm dọc 2 bên quốc lộ 6 ven sông Nhuệ. Tại khu trung tâm các phố được chia nhỏ như ô bàn cờ, hoạt động giao thương sầm uất. |
|
Phố Trưng Nhị ngày nay vẫn còn nhiều căn nhà mang dáng dấp của một đô thị phát triển sôi động cách đây cả trăm năm. |
|
Căn nhà nằm trên ngã tư Trưng Nhị - Hoàng Văn Thụ được xây dựng từ năm 1926 vẫn còn được giữ nguyên vẹn kiến trúc từ hình dáng, lan can cho tới cánh cửa gỗ nâu. |
|
Thị xã Hà Đông xưa là trung tâm giao thương với rất nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng như lụa Vạn Phúc, dao kéo Đa Sỹ... |
|
Năm 1965, 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây được sáp nhập lại thành tỉnh Hà Tây, thị xã Hà Đông trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tây và vẫn giữ vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội. |
|
Ngày nay, Hà Đông vẫn còn đó những khu phố với nhiều ngôi nhà cổ xen lẫn với nhà mới xây và mang bóng dáng của một đô thị sầm uất khi xưa. Hà Đông vì thế vẫn lưu giữ lại một khu phố cổ thứ hai của người Hà Nội. |
Khánh Huy