Ảnh
Phở “treo” - quán phở của sự tử tế giữa lòng Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những ngày gần đây, mọi người đang truyền tai nhau về một quán phở đặc biệt nằm trên phố Bảo Khánh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với tên gọi là quán Phở "treo".
|
Mô hình phở "treo" của quán đã được triển khai hơn một tháng nay. Để có số lượng suất phở ổn định, mỗi ngày quán sẽ tự treo 30 bát. Số tiền sẽ được trích từ phần trăm doanh thu của quán. Các thực khách muốn phát tâm thì sẽ bắt đầu "treo" từ số 31. |
|
"Sau khi biết đến mô hình cà phê "treo" ở Ý, tôi đã nảy ra suy nghĩ sẽ thực hiện một mô hình như vậy. Nhưng thói quen buổi sáng của Việt Nam khác bên nước Ý. Thay vì uống cà phê vào buổi sáng, người Việt sẽ lựa chọn ăn sáng để bắt đầu một ngày làm việc. Bởi vậy, tôi đã nghĩ đến phở "treo". Nhưng thời điểm đó, nhịp sống chưa ổn định nên tôi chưa thể thực hiện" - Chị Nguyễn Thị Cát Lệ (chủ mô hình phở "treo") tâm sự. |
|
Để mọi người có thể hiểu rõ hơn về mô hình phở "treo", chị Lệ có làm thêm biển ghi dòng chữ: Đây là một hình thức từ thiện bằng việc để lại một phần ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn trong cộng đồng mà vẫn ủng hộ quán ăn địa phương. ''Mình làm biển treo số lên là để những người thực sự cần đi qua có thể thấy và thoải mái ăn mà không cần hỏi quán xem hôm nay còn phở miễn phí không. Số tiền khách gửi lại cũng tùy tâm, có thể bằng giá một bát phở hoặc ít hơn nhưng quán cam kết vẫn chuẩn bị những phần ăn đầy đủ, chất lượng cho người có hoàn cảnh khó khăn" - chị Lệ cho biết thêm. |
|
Chị Lệ nói thêm: "Bất kể ai đến ăn phở treo đều được nhưng chúng tôi sẽ ưu tiên người già, trẻ nhỏ, người tàn tật, sinh viên. Đối với những người trẻ, khỏe mạnh, chúng tôi đều hỗ trợ. Bởi nhiều khi họ gặp khó khăn, muốn đi làm kiếm tiền nhưng chưa thể xin được việc, bát phở treo sẽ giúp họ đỡ được phần nào chi phí". |
|
Số lượng khách "treo" phở cũng tùy ngày, có ngày một, hai suất, nhưng cũng có ngày đến 20 suất. Đặc biệt, số tiền khách gửi lại tùy tâm, có thể bằng giá một bát phở hoặc ít hơn, nhưng quán cam kết chuẩn bị phần ăn đầy đủ, chất lượng. |
|
Chị Lệ cho biết, mình khá may mắn khi được gia đình và họ hàng hết lòng ủng hộ trong mọi việc, nhất là công việc thiện nguyện. Cả nhà chị đều quen với chuyện bếp núc, hàng quán, nên trong những chuyến đi thiện nguyện ở xa, mọi việc nhà cửa đều được mọi người trông nom, quán xuyến cẩn thận để chị yên tâm lên đường. Ngay cả tấm biển in chữ phở "treo" cũng được con trai chị chủ động lên ý tưởng, thiết kế, chuyển song ngữ Việt - Anh và in ấn. |
|
Qua quan sát, PV nhanh chóng nhận thấy có sự khác biệt giữa bát phở "treo" với bát phở bình thường. Chị Lệ cũng thừa nhận sự khác biệt này. Theo đó, chiếc bát dành để treo có kích thước lớn hơn, được đặt riêng. Phần ăn cũng được đưa vào đầy đặn hơn, nhiều hơn so với bát thường. |
|
Chị Lệ giải thích: "Bởi vì, đa phần các cô, chú đến ăn phở "treo" đều là những người lao động, có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người gần trưa mới đến ăn vì họ muốn gộp hai bữa sáng và trưa thành một. Tôi cũng khuyên họ đói thì cứ đến ăn, nhưng họ ngại, họ chỉ đến ăn một bữa. Chính vì điều này nên chúng tôi quyết định đặt riêng những chiếc bát to hơn để dành cho khách ăn phở "treo", để họ được ăn no bụng. Tôi nghĩ đây cũng là mong muốn của những người ủng hộ, phát tâm". |
|
Mô hình phở "treo" là một hình thức thiện nguyện dành cho người yếu thế, người lao động, vô gia cư tại Hà Nội. Thông qua bát phở, những người thực hiện "treo" phở cũng được ấm lòng khi phát tâm tới được đúng đối tượng. Số tiền tuy nhỏ nhưng lại thể hiện được tinh thần sẻ chia, lá lành đùm lá rách. Lựa chọn bát phở cũng là một sự tinh tế khi phở thực sự là một bữa ăn no, đầy đủ chất và thấm đượm những giá trị truyền thống. |
|
Bà Nguyễn Thị Ngoạt (68 tuổi, Thanh Trì) là một công nhân vệ sinh tại vườn hoa Hàng Trống, ngày ngày bà phải đạp xe hơn 10km từ Văn Điển (huyện Thanh Trì) lên phố Nhà Chung để làm việc. Kể về lần đầu tiên đến ăn phở "treo", bà cho biết: "Tôi được các bà làm cùng nói chuyện về một quán ăn trên phố miễn phí cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Lúc đầu đi qua, tôi đắn đo chưa vào vì không hiểu cách thức họ làm, lại băn khoăn không biết người ta có thu tiền hay không. Chỉ khi được chị chủ quán giải thích tận tình về hình thức phở "treo" này, tôi mới yên tâm ngồi vào ăn". |
|
Hơn một tháng nay, quán phở "treo" trên phố Báo Khánh đã là một địa chỉ quen thuộc với người lao động nghèo, người yếu thế tại Hà Nội. |
|
Anh Tuấn Việt (ngõ Báo Khánh) chia sẻ: "Tôi làm việc tại đây và có biết mô hình phở "treo" này khoảng 1 tháng nay. Cá nhân tôi đánh giá đây là một hình thức hay, không cần hô hào kêu gọi gì nhiều nhưng vẫn đạt được hiệu quả lan rộng. Bởi lẽ, người Việt Nam thực sự giàu lòng sẻ chia, thông qua những bát phở giá trị không quá cao nhưng vẫn cùng chung tay làm thiện nguyện mà đúng đối tượng, đúng với ý nghĩa. Hầu như tuần nào tôi cũng góp tay treo 1-2 bát để ủng hộ". |
|
Bà Nguyễn Thị Hiên (người vô gia cư) chia sẻ: "Bát phở này có ý nghĩa lắm. Không bao giờ chúng tôi có nổi 50 nghìn để ăn 1 bát phở. Với tôi nó là số tiền lớn. Hàng ngày tôi chỉ làm việc nhặt ve chai, phế liệu, tiền thuê nhà còn phải lo thì nói gì đến tiền ăn phở. Một phát phở với nhiều người là đơn giản nhưng với người vô gia cư, người lao động như chúng tôi có khi nó là ước mơ". |
|
Quán phở của sự tử tế luôn tràn đầy nụ cười và tình yêu thươg. |
|
"Số phở "treo" còn sẽ cộng dồn tiếp vào hôm sau. Bản thân mình là người kinh doanh, vẫn không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mình mà còn là cầu nối cho mọi người. Cứ như thế, những bát phở treo sẽ ngày càng tăng lên, sẽ càng giúp được nhiều người yếu thế hơn. Mình thực sự tin vào việc lòng tốt cứ cho đi là sẽ còn mãi" - chị Lệ chia sẻ thêm |
Khánh Huy