Ảnh
Nghệ nhân hô biến rơm rạ bỏ đi thành sản phẩm du lịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ những cọng rơm rạ bỏ đi sau mỗi mùa gặt, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã có sáng kiến độc đáo, khéo léo chế tạo thành những con vật như trâu, ngựa, chuồn chuồn…. Những món đồ chơi gần gũi trong dân gian này đã gây ấn tượng và thu hút nhiều du khách đến tham gia trải nghiệm.
|
Bằng nguyên liệu là những cọng rơm rạ, nghệ nhân sơn mài Nguyễn Tấn Phát đã có sáng kiến độc đáo chế tạo thành những con vật như trâu, ngựa… trong dân gian gây ấn tượng và thu hút người dân, du khách khi tới làng cổ Đường Lâm. |
|
Theo nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, rơm rạ những ngày nay không còn được sử dụng làm chất đốt như xưa nên thường bị bỏ đi và đốt bỏ ngay trên ruộng. Vừa tiện, không tốn công đưa về lại tạo thêm tro để bón ruộng. Tuy nhiên, chất liệu rơm rạ có thể trở thành một sản phẩm tốt nếu biết tận dụng. |
|
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ, tận dụng nguồn tài nguyên tự nhiên tại địa phương, anh Phát đã thu mua lại, phơi khô, làm sạch và chọn ra những cọng rơm đẹp chắc khoẻ nhất để dùng. Các cọng rơm được phân chia thành các bộ phận như sừng trâu, đầu, bờm ngựa, chân và thân đuôi sau đó được tết bện với nhau một cách có tính toán để đạt yếu tố thẩm mỹ cao. |
|
"Những sản phẩm này không chỉ mang lại niềm vui cho trẻ em trong làng mà còn góp phần nâng cao giá trị du lịch địa phương" - nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết thêm. |
|
"Thay vì để chúng lãng phí, tôi đã cố gắng tận dụng, sử dụng những cọng rơm để bện thành những con thú như trâu, ngựa. Sáng kiến này không chỉ giúp bảo tồn văn hóa mà còn trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, hướng dẫn, biến đây trở thành một trò chơi dân gian cho trẻ em quanh làng" - nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ. |
|
Theo nghệ nhân, các đoàn du lịch khi đến làng cổ Đường Lâm thường rất thích trải nghiệm các sản phẩm dân gian truyền thống, đặc biệt là những sản phẩm dân gian có tính mới lạ. Từ thực tế trên cho thấy rơm rạ có thể trở thành tài nguyên quý hiếm, đem lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao, thay vì chỉ là phế phẩm. |
|
Dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân, các trẻ em từ các đoàn du lịch rất thích việc tự tay bện nên những sản phẩm từ rơm rạ độc đáo. |
|
"Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng cho ra một số sản phẩm sáng tạo mới được làm từ rơm như thế này. Qua đó cũng giúp người nông dân có thêm thu nhập từ nguyên liệu bỏ đi, đồng thời phát huy được hết giá trị dân gian đặc trưng từ làng quê Việt Nam" - nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát nói thêm. |
|
Với ý tưởng sáng tạo này, người nông dân Đường Lâm không chỉ có thêm thu nhập, mà còn góp phần làm đa dạng hoạt động du lịch ở địa phương, quảng bá những hình ảnh đẹp của làng quê Việt Nam với bạn bè quốc tế. |
|
Ông Đỗ Văn Bình (làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho biết: "Trung bình, khoảng 1 tạ rơm sau một mùa gặt, anh Phát thu mua giúp chúng tôi cũng có thêm thu nhập lại không gây ô nhiễm môi trường, bởi bình thường bà con thường đốt rơm rạ tại ruộng ngay sau khi gặt". |
|
Những món đồ chơi từ rơm rạ của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát được trưng bày tại không gian triển lãm của anh đặt tại trung tâm làng cổ Đường Lâm. |
|
Ngoài hoạt động làm đồ chơi cho trẻ em, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát còn mở lớp trải nghiệm nghệ thuật sơn mài miễn phí. |
Khánh Huy