Nghệ nhân trẻ giữ lửa văn hóa làng cổ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (ngoài cùng bên phải) bên mô hình đèn Trung thu biểu tượng trâu cổng làng ngũ sắc. Ảnh: Khánh Huy |
Mô hình đèn Trung thu độc đáo cách điệu từ tích “mục đồng chăn trâu”
Nếu Tuyên Quang có lễ hội Thành Tuyên nổi tiếng, trở thành sự kiện văn hóa têu biểu, điểm hẹn du lịch hấp dẫn du khách thì tại Hà Nội, dịp Trung thu năm nay, cuộc thi đèn lồng Trung thu khổng lồ tổ chức tại làng cổ Đường Lâm hứa hẹn là sản phẩm du lịch độc đáo nhất Hà Nội. Trước đây, thị xã Sơn Tây chỉ đạo các phường trên địa bàn tổ chức, năm nay mở rộng tại các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn. Tại làng cổ Đường Lâm, ngoài 9 thôn tham dự sẽ có các mô hình của nhiều địa phương khác tham gia trưng bày.
Theo nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát, cuộc thi đèn lồng Trung thu khổng lồ tại làng cổ Đường Lâm sẽ diễn ra thứ 7 (ngày 31/8/2024) nằm trong chuỗi hoạt động của tour du lịch “Đêm làng cổ” - tour du lịch đêm đặc sắc nhất ngoại thành Hà Nội. Tham dự cuộc thi đèn lồng Trung thu khổng lồ có 9 thôn tại xã Đường Lâm và nhiều đèn lồng của địa phương khác trưng bày. Những ngày này, người dân làng cổ Đường Lâm tất bật hoàn thành các công đoạn cuối cùng của mô hình đèn Trung thu khổng lồ.
Làng cổ Đường Lâm không chỉ là ngôi làng cổ “độc nhất vô nhị” đồng bằng Bắc Bộ, còn là mảnh đất 2 vua, nơi sinh ra hai vị vua lừng lẫy của lịch sử Việt Nam là Phùng Hưng và Ngô Quyền. Dựa trên câu chuyện văn hóa, lịch sử địa phương, người dân làng cổ Đường Lâm lên ý tưởng thiết kế các mô hình đèn Trung thu gắn với văn hóa bản địa. Đó là chiếc đèn Trung thu hình con trâu kết hợp với cổng làng Mông Phụ nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát thiết kế, tái hiện từ tích “mục đồng chăn trâu”; đèn lồng biểu tượng hình con voi gắn với huyền tích xưa của làng cổ Đường Lâm do thôn Phụ Khang thiết kế từ tre nứa và giấy bồi; chiếc đèn biểu tượng con hổ kể về tích “Ông Phùng Hưng đánh hổ” của người dân thôn Cam Lâm…
Chia sẻ về quá trình lên ý tưởng và thực hiện thiết kế mô hình đèn Trung thu biểu tượng con trâu kết hợp cổng làng Mông Phụ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết, ban đầu, mô hình được phác thảo từ mô hình bằng gốm, gắn với tích “mục đồng chăn trâu” nhưng do quy định từ UBND xã Đường Lâm, để đảm bảo việc di chuyển ngoài đường làng, những chiếc đèn đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chiều cao tối đa không quá 5m, chiều dài tối đa 8m nên bản thiết kế “mục đồng chăn trâu” không khả thi.
Sau đó, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát quyết định tái hiện hình ảnh con trâu với cổng làng Mông Phụ, kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại. Trước đây, phần lớn người dân làng cổ Đường Lâm làm nông nghiệp nên hình ảnh con trâu gắn với cổng làng, đồng thuộc thân thuộc, gần gũi. Tác phẩm hoàn thành sau 40 ngày thực hiện, điểm nhấn mô hình trâu cổng làng ngũ sắc là thiết kế cổng làng truyền thống mang tính biểu tượng, màu sắc được sử dụng rực rỡ, sống động, tạo sức hút với trẻ em. Chất liệu tác phẩm thiết kế từ khung sắt và nhựa mica phủ ngoài, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại sẽ tham gia dự thi trong dịp Trung thu của làng cổ Đường Lâm sắp tới.
Phát triển và lan tỏa làng nghề thời kỳ mới
Hoạt động từ cuộc thi thiết kế đèn Trung thu tại làng cổ Đường Lâm được kỳ vọng sẽ mang đến sản phẩm du lịch mới thu hút người dân và du khách trong khuôn khổ tour du lịch “Đêm làng cổ”.
Khởi xướng từ tháng 5/2024, tour du lịch “Đêm làng cổ” đã trở thành điểm hẹn văn hóa của người dân và du khách dịp cuối tuần. Qua hơn hai tháng triển khai, “Đêm làng cổ” tạo dấu ấn đặc biệt cho du khách. Không dừng lại sản phẩm du lịch mới, hoạt động “Đêm làng cổ” còn hỗ trợ, thúc đẩy các dịch vụ du lịch qua đêm khác, tạo sinh kế cho hơn 50 hộ dân tại địa phương. Đến nay, UBND xã Đường Lâm và Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm đã kết nối với các resort, khu nghỉ dưỡng lân cận để đưa khách đến trải nghiệm sản phẩm mới này. Ước tính, mỗi hoạt động cuối tuần có hàng trăm khách lưu trú qua đêm.
Tour du lịch “Đêm làng cổ” là sản phẩm du lịch thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đêm của TP Hà Nội. Cùng với chuỗi hoạt động phong phú, giới thiệu sản phẩm OCOP làng nghề, ẩm thực địa phương, trình diễn các loại hình dân gian truyền thống như: múa rồng, hát chầu văn, thổi sáo, hát quan họ, nhảy sạp… Việc tổ chức cuộc thi đèn lồng Trung thu nhằm đa dạng hóa các hoạt động địa phương, gia tăng sản phẩm du lịch phục vụ du khách lưu trú, quảng bá giới thiệu nét đẹp, đặc sắc làng cổ cùng với nét văn hóa riêng đồng bằng Bắc Bộ tới đông đảo người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát (SN 1983, trú tại tổ 1, Ái Mỗ, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) chọn về quê để khởi nghiệp. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát là người khởi xướng lớp học mỹ thuật, điêu khắc sơn mài, trải nghiệm miễn phí nghề truyền thống: tò he, tranh in khắc gỗ…. Tính đến nay, anh đã có 14 năm tổ chức và thu hút hàng nghìn người tham gia. Bên cạnh việc đào tạo, dạy nghề, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát còn mở hoạt động “Phat Studio” nơi trưng bày các sản phẩm sơn mài đặc sắc, không gian chụp ảnh, trải nghiệm trực tiếp về nghề điêu khắc sơn mài giống như một “bảo tàng mini” - điểm đến du lịch yêu thích của du khách.
Với tài năng và tích cực tham gia phong trào địa phương, Nguyễn Tấn Phát được UBND TP Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, ngành nghề khảm trai, sơn mài năm 2017; Tác phẩm “Cổng di sản Thăng Long” đạt giải “Thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022” là một bộ sản phẩm quà tặng riêng của Hà Nội; Giấy khen có thành tích tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023; Chứng nhận tích cực tham gia Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2024 và Chứng nhận có đóng góp tích cực công tác tổ chức chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và chứng nhận tích cực tham gia Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2024.
Ngắm đèn trung thu khổng lồ tại Đường Lâm trước ngày khai hội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại