e magazine
15:20 | 30/10/2024
Người thầy có trái tim mặt trời đánh thức những mảnh đời khiếm khuyết

15:20 | 30/10/2024

Dạy khiêu vũ thể thao (dancesport) cho người sáng mắt đã khó thì đối với người khiếm thị, áp lực hơn bội phần. Thế nhưng hơn 6 năm qua, huấn luyện viên Tô Văn Hòa không quản ngại nắng, mưa thắp lửa ánh sáng từlớp học khiêu vũ thể thao miễn phí dành cho người khiếm thị. Từ CLB khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (SoLaR) với 4 học viên ban đầu lan tỏa sâu rộng tới các tỉnh, thành phố trên cả nước, khơi dậy phong trào thể thao sôi nổi cho cộng đồng người khuyết tật.
Người thầy có trái tim mặt trời đánh thức những mảnh đời khiếm khuyết

Dạy khiêu vũ thể thao (dancesport) cho người sáng mắt đã khó thì đối với người khiếm thị, áp lực hơn bội phần. Thế nhưng hơn 6 năm qua, huấn luyện viên Tô Văn Hòa không quản ngại nắng, mưa thắp lửa ánh sáng từ lớp học khiêu vũ thể thao miễn phí dành cho người khiếm thị. Từ CLB khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (SoLaR) với 4 học viên ban đầu lan tỏa sâu rộng tới các tỉnh, thành phố trên cả nước, khơi dậy phong trào thể thao sôi nổi cho cộng đồng người khuyết tật.

Từ lớp học “dancesport 0 đồng”

Đều đặn mỗi sáng thứ 4, thứ 6 hàng tuần, ngôi nhà số 49, ngõ 64 Nguyễn Lương Bằng (địa chỉ trụ sở Hội Người mù quận Đống Đa, Hà Nội) lại vang lên tiếng nhạc của những bước nhảy không chuyên. Trên nền gỗ vừa được cải tạo, thay mới nền gạch cũ kỹ, dù không thể nhìn thấy vũ điệu, nhưng hơn 20 học viên thuộc CLB khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (SoLaR) vẫn sải bước nhảy đầy tự tin, duyên dáng. Đứng ở vị trí “cánh gà”, anh Tô Văn Hòa giữ vai trò huấn luyện viên chăm chú quan sát từng học viên, chỉnh sửa từng động tác và đặc biệt sửa biểu cảm khuôn mặt sao cho đúng.

Nhìn cách HLV Tô Văn Hòa cần mẫn chỉnh từng lỗi nhỏ của các học viên khiếm thị đủ cảm nhận được tinh thần nhiệt huyết, hết lòng vì học trò.

HLV Tô Văn Hòa cho biết, bình thường các lớp anh dạy cho người sáng mắt có giáo án sẵn nhưng đến “lớp học đặc biệt” thì mỗi buổi dạy là một giáo án khác nhau. Nắm bắt tâm lý người khiếm thị mặc cảm, tự ti hơn so với người bình thường, trong các bài tập khéo léo lồng ghép câu chuyện vui vẻ, hài hước, tạo không khí thoải mái cho các học viên. Đối với người bình thường chỉ cố gắng 1 thì những người khuyết tật phải cố gắng 10, bởi thế các bài tập kéo dài hơn thường lệ. Nhưng cách mà các bạn người khuyết tật vượt ra khỏi vùng an toàn để tiếp cận bộ môn thể thao mới khiến cho HLV Tô Văn Hòa - “kiện tướng dancesport” một thời vô cùng bất ngờ.

Từ những bước chân vụng về, cánh tay đưa sai tư thế, mất thẩm mỹ, gương mặt đơ cứng… dần dần hoàn thiện với kỹ thuật chuẩn chỉnh trong từng động tác của bộ môn dancesport, tiếp cận với nội dung mới, kỹ thuật hiện đại trên thế giới.Khó ai tin, từ sàn tập không chuyên, những học viên khiếm thị đã trở thành vũ công chuyên nghiệp, thường xuyên được mời trình diễn tại các chương trình, sự kiện của Hội Người mù TP Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khác.

Sau hành trình nỗ lực tập luyện, cuộc thi khiêu vũ dành cho người khiếm thị với tên gọi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách” (tên tiếng Anh là PASS) lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam vào ngày 4/4/2021 thực sự lan tỏa hình ảnh đẹp của người khiếm thị đến cộng đồng. Sau hai mùa giải năm 2021, 2022, cuộc thi được cộng đồng đón nhận, góp phần quảng bá và đưa khiêu vũ thể thao đến với người khiếm thị. Cuộc thi cũng tạo được tiếng vang với các bạn bè quốc tế và được truyền thông trong nước và quốc tế đưa tin. Đây cũng là tiền đề để giải “Cúp các CLB khiêu vũ thể thao người khiếm thị năm 2023” do Hội Người mù Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Paralympic Việt Nam và Liên đoàn khiêu vũ thể thao Việt Nam tổ chức với quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn. Giải đấu thu hút sự tham gia của gần 80 vận động viên khiếm thị đến từ 20 đơn vị Hội người mù, các CLB khiêu vũ thể thao khu vực Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Người thầy có trái tim mặt trời đánh thức những mảnh đời khiếm khuyết

Năm nay, cuộc thi có quy mô tổ chức toàn quốc với tên gọi “Hội thi các CLB khiêu vũ thể thao người khiếm thị toàn quốc” năm 2024 do Hội Người mù Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Paralympic Việt Nam và Liên đoàn khiêu vũ thể thao Việt Nam tổ chức. Theo kế hoạch, “Hội thi các CLB khiêu vũ thể thao người khiếm thị toàn quốc” diễn ra ngày 20/11/2024 tại Nhà thi đấu quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Theo bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, giải đấu năm 2024 sắp tới là cơ hội để tiếp tục giới thiệu rộng rãi với người khiếm thị một môn thể thao đem lại hiệu quả cao trong việc rèn luyện về thể chất và tinh thần. Qua đó, giới thiệu tới cộng đồng về khả năng hòa nhập của người khiếm thị, tạo tinh thần đoàn kết giữa những người cùng cảnh ngộ. Đồng thời, hưởng ứng phong trào rèn luyện thể dục thể thao người khuyết tật. Hướng người khiếm thị tham gia tập luyện và thi đấu khiêu vũ thể thao chuyên nghiệp, góp phần đưa bộ môn này thành nội dung thi đấu chính thức tại ParaGames trong tương lai.

“Sau 4 mùa tổ chức, các vận động viên khiêu vũ từ sàn tập cơ sở địa phương sẽ có cơ hội bước lên sàn đấu quốc tế tại ParaGames. Việt Nam sẽ tạo dấu ấn đầu tiên trong lịch sử ParaGames, có môn khiêu vũ thể thao dành cho đối tượng khiếm thị thể hiện nỗ lực của cộng đồng người yếu thế trong hành trình phát triển và tỏa sáng” – bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam chia sẻ.

Để viết giấc mơ trở thành bộ môn thi đấu chính thức tại ParaGames thầy và trò CLB Solar Dancer đã dành trọn tâm huyết, ngọn lửa đam mê truyền tải cho những người không thuộc năng khiếu bẩm sinh và bất hạnh vì khiếm khuyết nay trở thành vũ công và có thể trong tương lai, họ sẽ trở thành VĐV chuyên nghiệp.

Người thầy có trái tim mặt trời đánh thức những mảnh đời khiếm khuyết

Lan tỏa “vũ điệu ánh sáng”

Mang khát khao đó nhóm lửa trong từng buổi học, HLV Tô Văn Hòa cùng với các học viên khiếm thị tại SoLaR ngày ngày cần mẫn trên sàn tập. Đối với các học viên khiếm thị có thể đến muộn, vắng mặt những buổi nắng, mưa còn riêng với HLV Tô Văn Hòa lúc nào thầy cũng có mặt đúng giờ, không bao giờ nghỉ. Từ đam mê và sự kiên trì của người thầy, rất nhiều học viên Hà Nội như anh Đỗ Xuân Quang (Hội Người mù quận Tây Hồ), chị Đỗ Thúy Hà (Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa), anh Vũ Thủy (Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàng Mai) gặt hái nhiều thành tích trong bộ môn khiêu vũ thể thao. Tiêu biểu là thành tích của anh Đỗ Xuân Quang với Huy chương Vàng hạng E1 giải vô địch khiêu vũ thể thao quốc tế Hà Nội mở rộng năm 2019, Huy chương Vàng nội dung đồng diễn giải khiêu vũ thể thao CLB Linh Anh, Huy chương Đồng hạng E1 giải Hanoi Stars Open Dancesport C và hiện nay đang tích cực luyện tập để có thể chinh phục những cuộc thi tiếp theo.

Đến nay, từ lớp học khiêu vũ thể thao miễn phí tại Hà Nội, phong trào tập luyện đã lan tỏa đến các hội viên Hội người mù tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Cao Bằng, TP Hồ Chí Minh… Lớp học khiêu vũ thể thao ngày càng thu hút đông đảo hội viên và phát triển rộng khắp, tại Hà Nội có hơn 100 học viên, Bắc Ninh có 100 học viên, Thái Bình có trên 100 học viên, Cao Bằng có 15 học viên, Bắc Giang có hơn 10 học viên, TP Hồ Chí Minh có gần 50 học viên đang tập luyện.

Tới đây, Ủy ban Paralympic Việt Nam tổ chức tập huấn các bộ môn thể thao mới, trong đó có môn khiêu vũ thể thao cho người khiếm thị tại Đà Nẵng (từ ngày 26/11 - 30/11/2024) nhằm tạo dựng phong trào thể thao cho người khuyết tật tại miền Trung.

Trên hành trình truyền cảm hứng đưa khiêu vũ thể thao đến với cộng đồng người khiếm thị, nhiều học viên khiếm thị gọi HLV Tô Văn Hòa là người thầy có “trái tim mặt trời”.

Người thầy có trái tim mặt trời đánh thức những mảnh đời khiếm khuyết

Đối với chị Dương Thanh Hiền (Hội Người mù quận Hoàng Mai), HLV Tô Văn Hòa giống như “Mặt trời của SoLaR”, lan tỏa từng thành viên để mỗi người có thay đổi tích cực, được sống một cuộc đời ý nghĩa hơn. Vốn sinh ra là một người bình thường nhưng tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến chị Dương Thanh Hiền gặp biến cố về đôi mắt. Sau một năm điều trị tích cực, chị Dương Thanh Hiền may mắn được biết đến CLB Solar Dancer và đăng ký theo học. Tại đây, chị Dương Thanh Hiền được gặp gỡ, giao lưu với những người có hoàn cảnh giống mình, xóa bỏ mặc cảm, tự ti.

“CLB Solar Dancer như ngôi nhà thứ hai để chữa lành, nơi những buồn, vui được sẻ chia, đồng cảm. Có những người ban đầu rụt rè, ít nói vì mặc cảm thì khi tham gia lớp học khiêu vũ thể thao, họ được vun đắp bởi tinh thần đoàn kết, sẻ chia, cùng nhau nỗ lực, cố gắng” – chị Dương Thanh Hiền chia sẻ.

Đồng hành với cộng đồng khiếm thị, từ ngày 10/6/2024, lớp học khiêu vũ thể thao dành cho trẻ khiếm thị tại Hà Nội tiếp tục được HLV Tô Văn Hòa khởi xướng tại số 7 Lạc Trung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Với địa điểm đối diện trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, ngôi trường dạy trẻ hòa nhập.

Sĩ số lớp học ngày đầu là 35 học viên nhí từ độ tuổi 6-18 tuổi và có thể tăng lên. Mỗi em một độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung niềm yêu thích với môn khiêu vũ thể thao. “Lớp học đặc biệt” không chỉ là lớp học khiêu vũ thể thao dành cho trẻ khiếm thị đầu tiên tại Việt Nam mà còn là lớp học được tổ chức hoàn toàn miễn phí, đội ngũ trẻ kế cận của bộ môn khiêu vũ thể thao.

Theo HLV Tô Văn Hòa, trở ngại lớn nhất khi đồng hành với các học viên khiếm thị nhí là nhận thức của các em còn hạn chế về bộ môn nhảy, đa số các em được phụ huynh đăng ký nên chưa hiểu được nhiều về việc học nhảy sẽ giúp ích cho cuộc sống của các con những gì. Nắm vững tâm lý học trò, HLV Tô Văn Hòa đã tạo không khí sôi nổi trong lớp học. Quan điểm giảng dạy của HLV Tô Văn Hòa cho rằng, “Nếu không cười được với người khiếm thị, chúng ta sẽ không làm được gì cả?”. Một số gương mặt nhí buổi học đầu lạ lẫm, không nói, cười thì đến buổi học thứ 2 các bạn đã sôi nổi giao tiếp.

“Tôi muốn tạo môi trường cho các trẻ em được trải nghiệm, không đặt áp lực phải biết nhảy hay, nhảy giỏi mà muốn tạo sân chơi cộng đồng ý nghĩa để các có nhu cầu được sống như một người bình thường, dễ dàng hòa nhập cộng đồng, đặc biệt nếu cơ hội trở thành vận động viên khiêu vũ chuyên nghiệp tương” – HLV Tô Văn Hòa bày tỏ.

Nhiều học viên tiêu biểu như anh Vũ Thủy, anh Đỗ Xuân Quang, chị Dương Thanh Hiền… trở thành những trợ giảng ưu tú của HLV Tô Văn Hòa. Tại 3 cơ sở Hội Người mù quận Đống Đa và cơ sở Hội Người mù TP Hà Nội (địa chỉ quận Hà Đông, Hà Nội) vào sáng thứ 4, thứ 6 hàng tuần và chiều thứ 7 hàng tuần tại số 7 Lạc Trung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Đối với anh Vũ Thủy, buổi đầu đến với lớp học khiêu vũ được HLV Tô Văn Hòa hướng dẫn các bài tập đơn giản, bước chân sang hai bên, vỗ tay nghe nhạc, vỗ theo nhịp, dần dần kỹ thuật cao hơn, đứng một chân, đứng kiễng, bước chéo… với sự tận tình “cầm tay chỉ việc”… đã giúp những người khiếm thị từng khó khăn di chuyển, định hướng không gian hạn chế có thể tập nhảy giống như vũ công trên sàn diễn.

Người thầy có trái tim mặt trời đánh thức những mảnh đời khiếm khuyết

Để khơi dậy phong trào, HLV Tô Văn Hòa cùng với các học viên CLB SoLaR Dancer tại Hà Nội rong ruổi đến các cấp hội người mù các tỉnh, thành phố đểtruyền dạy bộ môn khiêu vũ thể thao dành cho người khiếm thị. Họ tự bỏ tiền túi, bắt xe khách, tự túc ăn, ở đến cơ sở tỉnh, thành hội để chắp cánh phong trào thể thao cho người khuyết tật. Mỗi chuyến đi có thêm những học viên khiếm thị là “món quà ý nghĩa” cho hành trình truyền lửa đam mê.

Mong muốn của HLV Tô Văn Hòa, thời gian tới chính là việc phát triển CLBSoLaR Dancer và xây dựng đội tuyển khiêu vũ thể thao chuyên nghiệp để có cơ hội bước lên sàn đấu quốc tế tại ParaGames.

Tất nhiên, giấc mơ ParaGames còn là một hành trình dài và nhiều thử thách. Thực tế để thành lập đội tuyển khiêu vũ người khiếm thị, nỗ lực thôi chưa đủ, cần phải có sự chung tay của các sở, ban, ngành và doanh nghiệp, mạnh thường quân trong đó là địa điểm tập sàn chuyên nghiệp hơn và có kinh phí hỗ trợ hoạt động đi lại cho người khiếm thị.

Đại diện lãnh đạo Ủy ban Paralympic Việt Nam từng đánh giá cao nỗ lực, sự kiên trì của HLV Tô Văn Hòa cùng các học viên người khiếm thị khi đã tổ chức một cuộc thi khiêu vũ dành cho người khiếm thị đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi “Bước nhảy xóa bỏ mọi khoảng cách”. Hiện nay, trên thế giới chưa có cuộc thi khiêu vũ dành cho đối tượng người khiếm thị mà chỉ xuất hiện dành cho người khuyết tật hệ vận động ngồi xe lăn. Tại Việt Nam, lần đầu tiên giải đấu tổ chức cần được lan tỏa và kết nối, khuyến khích phát triển bộ môn khiêu vũ thể thao tiệm cận hơn tới cộng đồng người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng.

Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: “Phong trào khiêu vũ thể thao đã nhanh chóng được cộng đồng người khiếm thị đón nhận và khơi dậy phong trào thể thao cho người khuyết tật. Bộ môn khiêu vũ phù hợp với người, sức khỏe, thể chất tinh thần của người khiếm thị, qua đó, xây dựng hình ảnh người khiếm thị năng động, lạc quan, tính thẩm mỹ. Trung ương Hội gửi công văn đến các tỉnh, thành hội đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao nói chung, đề nghị các đơn vị phát triển bộ môn khiêu vũ thể thao".

Hiện nay, về cơ chế chính sách đã có “Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 -2030”, trong đó có nội dung thúc đẩy phát triển phong trào thể dục, thể thao cho người khuyết tật. Tuy nhiên, việc luyện tập thể thao dành cho người khuyết tật còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa có thù lao tập luyện khi tham dự các cuộc thi, hội thi… Hầu hết các phong trào phụ thuộc vào nguồn kinh phí các đơn vị, địa phương. Việc phân bổ người dạy khiêu vũ thể thao không đồng đều, có nơi không có giáo viên, huấn luyện viên giảng dạy, chưa có cách thức tiếp cận đúng với cộng đồng người khiếm thị.

Anh Hoàng Văn Lý, Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, việc phát triển phong trào thể thao cho người khuyết tật nói chung và khiêu vũ thể thao cho người khiếm thị nói riêng cần có sự quan tâm của các sở, ban, ngành. Hiện nay, các học viên khiếm thị vừa đi làm, vừa tập luyện, nhiều người có cuộc sống bấp bênh. Với mục tiêu đưa môn khiêu vũ thể thao trở thành môn chính thức tham dự giải đấu ParaGames sẽ tạo động lực để người khiếm thị nỗ lực, cố gắng nhiều hơn để trở thành vũ công hoặc vận động viên chuyên nghiệp, tạo sinh kế cho chính bản thân họ, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.

Trên hành trình đưa những bước nhảy gắn kết những mảnh đời còn khiếm khuyết, HLV Tô Văn Hòa đã gieo những “hạt nắng vàng” giúp những người kém may mắn tìm được niềm vui, tinh thần lạc quan vượt lên nghịch cảnh. Câu chuyện về thầy Tô Văn Hòa cùng với học viên người khiếm thị đã lan tỏa hình ảnh đẹp của tình người giữa cuộc sống phố thị phồn hoa và riêng với cộng đồng người khiếm thị, một lần nữa được thắp lên “ánh sáng thứ hai” của cuộc đời.

Người thầy có trái tim mặt trời đánh thức những mảnh đời khiếm khuyết

Vi Giáng

Ảnh: Khánh Huy

Đồ họa: Khánh Huy