Việt Nam có quán cà phê đầu tiên của người khiếm thị
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Chiều 22/11, quán “Cafe More Hanoi” chính thức khai trương tại Hà Nội. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Đào tạo nghề pha chế đồ uống và tạo việc làm cho người khiếm thị tại Việt Nam” do Hội Người mù Việt Nam triển khai từ năm 2023 với sự hỗ trợ của tổ chức Siloam International từ nguồn kinh phí của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Ảnh: Mộc Miên |
Ở giai đoạn 1 (năm 2023 và năm 2024), dự án thí điểm đào tạo nghề pha chế đồ uống cho 12 học viên khiếm thị tại Trung tâm Đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng cho người mù - Hội Người mù Việt Nam. |
Đây là lần đầu tiên người khiếm thị tại Việt Nam được tiếp cận với các khóa đào tạo nghề bài bản trong lĩnh vực này. Trải qua khóa đào tạo trong 16 tuần với đầy đủ kiến thức về lý thuyết và thực hành, các học viên đã được huấn luyện chuyên sâu về các kỹ năng pha chế từ cơ bản đến nâng cao cùng với các kỹ năng chăm sóc khách hàng và các kỹ năng xã hội khác, giúp họ có thể tự tin làm việc trong môi trường thực tế. |
Sau đợt đào tạo, 6 học viên xuất sắc trở thành nhân viên tại quán “Cafe More Hanoi”, đảm nhận toàn bộ quy trình từ pha chế đồ uống, bưng cà phê cho khách và thực hiện quá trình thanh toán. |
Quán cà phê đầu tiên do người khiếm thị pha chế đồ uống có địa chỉ tại số 1 Nguyễn Thị Duệ (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Với không gian sang trọng nhưng vô cùng ấm áp, thiết kế tràn đầy sắc xanh của quán khiến cho bất cứ thực khách nào cũng tìm thấy sự thư thái và gần gũi. |
Trong quầy pha chế đồ uống, các bạn trẻ khiếm thị cẩn thận đong, đo, đếm từng loại nguyên liệu để chế biến thành những món đồ uống đúng vị. Mỗi ly cà phê, mỗi món đồ uống đều chứa đựng sự nỗ lực, tình cảm của các nhân viên, đồng thời cũng là thông điệp về tình yêu thương và niềm tin vào khả năng của người khiếm thị. |
Tại buổi lễ khai trương, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: “Mặc dù đây là một nghề mới mẻ đối với người khiếm thị ở Việt Nam, tuy nhiên, khi nhu cầu về thưởng thức ẩm thực, đồ uống đang ngày một cao trong xã hội, sự phù hợp về sức khỏe, khả năng của người khiếm thị đối với công việc này, sự thành công của các lớp đào tạo nghề cùng kinh nghiệm triển khai mô hình tương tự tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Mông Cổ, Indonesia… chúng tôi tin rằng, dự án sẽ mở ra cơ hội nghề nghiệp mới, giúp người khiếm thị Việt Nam nâng cao khả năng tự lập và hòa nhập xã hội”. |
Theo ông Phạm Xuân Trường - Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng cho người mù, từ nguồn kinh phí tài trợ của tổ chức Siloam International và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã hỗ trợ một phần kinh phí cho việc sửa chữa cơ sở vật chất của quán, đến nay quán cà phê đầu tiên của người khiếm thị chính thức được hoạt động. Ngày đầu khai trương, với vị trí không gian mở đã thu hút khá đông khách hàng. |
Trước đó, Trung tâm Đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng cho người mù đã tổ chức một buổi trải nghiệm pha chế đồ uống và một buổi thưởng thức đồ uống do chính các học viên khiếm thị pha chế. 200 khách mời đã được thưởng thức những ly cafe muối ngon đúng điệu, những ly sinh tố thơm ngon được trình bày bắt mắt, hấp dẫn… |
Bạn Trần Linh Chi, nhân viên quầy pha chế “Cafe More Hanoi” chia sẻ: “Trải qua khóa học và suốt thời gian thực hành vừa qua, em thực sự thích nghề này và khi quán “Cafe More Hanoi” đăng tuyển nhân viên em đã ứng tuyển và tham gia phỏng vấn ngay từ đầu. Em rất vui mừng vì mình đã được nhận vào đây để làm việc mặc dù công việc không hề dễ dàng nhưng em tin với kỹ năng mình đã được học và rèn luyện bấy lâu nay, em hoàn toàn có thể làm hài lòng khách hàng”. |
Việc khai trương quán “Cafe More Hanoi” không chỉ góp phần tạo việc làm cho các học viên, mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng, khẳng định người khiếm thị hoàn toàn có thể làm việc với các ngành nghề khác nhau nếu được đào tạo và trao cơ hội. |
Mục tiêu của dự án “Đào tạo nghề pha chế đồ uống và tạo việc làm cho người khiếm thị tại Việt Nam” hướng tới đào tạo 36 người khiếm thị thông qua 6 khóa học trong 3 năm từ năm 2024 – 2026 và mở 3 quán cà phê. Quán “Cafe More Hanoi” trở thành mô hình kinh doanh sáng tạo đầu tiên, mang đến môi trường làm việc nhân văn và chuyên nghiệp, tạo thêm cơ hội việc làm bền vững cho người khiếm thị. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại