Tạo sinh kế cho người khiếm thị với nghề pha chế đồ uống
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh người khiếm thị pha chế đồ uống tại một sự kiện trải nghiệm ngày 10/11. Ảnh: H.L |
Thưởng thức đồ uống do người khiếm thị pha chế
Sau 4 tháng triển khai dự án khóa học “Đào tạo nghề pha chế đồ uống và tạo việc làm cho người khiếm thị tại Việt Nam” do Trung ương Hội Người mù Việt Nam phối hợp với tổ chức Siloam International và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thực hiện, bước đầu cung cấp cho người khiếm thị kỹ năng cần thiết trong nghề pha chế đồ uống, giúp họ có thêm cơ hội việc làm, tạo ra thu nhập bền vững.
Đón nhận niềm vui sau khóa học, ngày 10/11 tại Hà Nội, Trung ương Hội Người mù Việt Nam cùng Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù tổ chức một sự kiện trải nghiệm thưởng thức đồ uống do chính những người khiếm thị pha chế. Sự kiện không chỉ đem đến cho các khách mời những ly cà phê thơm ngon và nước ép trái cây mát lành mà còn gửi gắm thông điệp đầy nhân văn về khả năng và nghị lực sống của người khiếm thị.
Sự kiện có sự tham dự của đồng chí Lê Thị Tường Thu - Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đại diện từ các vụ, đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể.
Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam chia sẻ: “Thông qua dự án, chúng tôi hy vọng mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn nữa cho người khiếm thị, không chỉ dừng lại ở việc pha chế đồ uống mà còn phát triển trong lĩnh vực kinh doanh, hướng tới việc vận hành các quán cafe do chính các bạn khiếm thị làm chủ”.
Tại sự kiện, các khách mời đã có cơ hội thưởng thức những loại đồ uống phong phú, từ cà phê, nước ép trái cây đến những loại đồ uống pha chế khác. Những ly cà phê được phục vụ không chỉ mang đến hương vị mà còn truyền tải cảm xúc và nỗ lực của người pha chế.
Chị Nguyễn Hoàng Điệp, đạo diễn, nhà làm phim độc lập bày tỏ: “Tôi thực sự ấn tượng khi chứng kiến hình ảnh các bạn khiếm thị pha chế từng ly cà phê với sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng thao tác. Điều đó chứng minh rằng, chỉ cần có cơ hội và kiên trì rèn luyện, họ sẽ có thể thành công và trở thành những chuyên gia pha chế thực thụ”.
Học viên Lê Anh Phương chia sẻ, quá trình học nghề pha chế đối với người bình thường đã khó thì với người khiếm thị không hề dễ dàng. Không chỉ là sự đong đếm nguyên liệu hay pha trộn theo công thức, mà việc cảm nhận và tinh chỉnh hương vị của từng loại đồ uống đòi hỏi sự nhạy bén và kiên nhẫn. Người khiếm thị không chỉ dựa vào xúc giác mà còn phải học cách cảm nhận và ghi nhớ từng quy trình bằng các giác quan khác.
Dưới sự hướng dẫn tận tình của thạc sĩ Nguyễn Thành Trung, một giảng viên giàu kinh nghiệm, chị Lê Anh Phương cùng các học viên khác đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn. Từ một người khiếm thị đang làm nghề kỹ thuật viên massage, chị Lê Anh Phương tìm thấy niềm đam mê khi tham gia khóa đào tạo pha chế đồ uống.
“Em rất yêu thích nghề này và dự định sẽ chuyển sang làm nghề pha chế. Em biết nghề này không hề dễ, nhưng em tin rằng nếu mình nỗ lực và chăm chỉ, em sẽ đạt được thành công” – chị Lê Anh Phương nói.
Đông đảo khách mời thưởng thức đồ uống do người khiếm thị pha chế. Ảnh: H.L |
Khai trương quán cà phê đầu tiên do người khiếm thị làm chủ
Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết, mục tiêu của dự án mở ba quán cafe tại Việt Nam, nhằm tạo ra môi trường làm việc nhân văn, chuyên nghiệp và bền vững cho người khiếm thị.
Dự kiến, “Cafe More” - quán cafe đầu tiên sẽ khai trương vào ngày 22/11 tới. Đây không chỉ là quán cafe mà còn là điểm đến để cộng đồng có thể hiểu thêm về cuộc sống và khả năng của người khiếm thị, nơi các nhân viên khiếm thị thể hiện tài năng và tình yêu với nghề pha chế.
Mỗi ly cà phê sẽ chứa đựng không chỉ hương vị mà còn là câu chuyện về sự nỗ lực không ngừng nghỉ và niềm tin vào tương lai của những người pha chế đặc biệt này.
“Để biến ý tưởng về các quán cafe thành hiện thực, dự án đã nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức Siloam International và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có những đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động sửa chữa và lắp đặt nội thất cho các quán cafe. Sự hỗ trợ tích cực không chỉ giúp tạo điều kiện tốt nhất cho người khiếm thị mà còn là sự động viên tinh thần mạnh mẽ trên con đường tìm kiếm sự nghiệp và khẳng định giá trị của bản thân trong cộng đồng” – bà Đinh Việt Anh nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại