Lan tỏa tư liệu, hình ảnh 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm ảnh. |
Tới dự Lễ khai mạc có các Uỷ viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí Thư Võ Văn Thưởng; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các đồng chí Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn…
Phát biểu khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông nhấn mạnh trải qua 8 thập kỷ, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã và đang khẳng định những giá trị to lớn, đúc kết nhiều kinh nghiệm quý đối với thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, là ngọn đèn thức tỉnh giới văn sĩ trí thức và cả dân tộc trong đêm trước Cách mạng Tháng 8.
Các đại biểu tham quan triển lãm. |
Đề cương đã góp phần quan trọng vào khắc phục tư tưởng tự ti, thổi bùng ngọn lửa yêu nước, tự hào dân tộc, chí khí anh hùng. Bản Đề cương chỉ rõ, cuộc cách mạng về văn hóa phải gắn liền với cách mạng giải phóng dân tộc. Với 3 nguyên tắc cơ bản dân tộc, đại chúng, khoa học đã được từng bước quán triệt, thực hiện trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đề cương còn góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (năm 1945), thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1954), cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (năm 1975) và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới (từ năm 1986 đến nay); góp phần đưa đất nước tiến lên theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập, tư tưởng của bản đề cương vẫn còn nguyên giá trị, tính thời sự.
Bản chụp toàn văn Đề cương về văn hóa Việt Nam in trên Tạp chí Tiên phong số 1 (tháng 11/1945). |
Triển lãm ảnh Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam là một triển lãm đặc biệt, giới thiệu tới người xem bày 80 bức ảnh quý, được bố cục thành 2 phần. Phần thứ nhất là các ảnh tư liệu, phần lớn là ảnh đen trắng, được chụp và lưu trữ từ năm 1945 đến nay.
Trong đó, có bản chụp toàn văn Đề cương về văn hóa Việt Nam in trên Tạp chí Tiên phong số 1 (tháng 11/1945); ảnh về Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946; ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các hoạt động văn hóa, văn nghệ và văn nghệ sĩ như hình ảnh các văn nghệ sĩ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự “Triển lãm văn hóa” tại Nhà Khai Trí - Tiến Đức, Hà Nội (góc phố Hàng Trống - Lê Thái Tổ hiện nay) năm 1945; Bác Hồ thăm lớp bổ túc văn hóa của bà con lao động Lương Yên, thăm trường Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng và chơi đàn guitar…
Các đại biểu dự Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất, thấng 11/1946. |
Hay những hình ảnh đồng chí Trường Chinh xem triển lãm tranh miền Nam lần thứ 8 và trưng bày ảnh về Quảng Trị giải phóng năm 1972, xem Triển lãm tranh cổ động năm 1973 và nói chuyện với cán bộ, nghệ sĩ tại Triển lãm Điêu khắc năm 1974; đồng chí Lê Duẩn nói chuyện với anh chị em diễn viên Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1972 và xem phòng trưng bày nghệ thuật dân gian tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 1972; Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem triển lãm văn nghệ từ miền Nam gửi ra, năm 1968; Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác văn hóa năm 1970…
Phần thứ hai là ảnh về những thành tựu trong gìn giữ, phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hoá Việt Nam như “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những hình ảnh này sẽ được lưu giữ lại để minh chứng cho việc Xòe Thái từ đây không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Thái, mà đã và đang trở thành niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau. Tiếp đến là những hình ảnh nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Quyết nghị ghi danh của UNESCO đối với di sản cũng khẳng định, sự ghi danh này sẽ góp phần đắc lực vào việc lưu giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Toàn cảnh triển lãm ảnh sáng 27/2. |
Ngoài nhiều hình ảnh ghi lại những giá trị văn hóa trường tồn của dân tộc, triển lãm còn trưng bày các bức ảnh về một số hoạt động văn hóa nghệ thuật nổi bật những năm gần đây như Hội thảo Văn hóa 2022 chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa; Hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới… và những hình ảnh về các hoạt động của ngành VHTT&DL như hình ảnh Lễ phát động triển khai chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTT&DL tại Nghệ An; SEA Games 31.
“Triển lãm ảnh Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam là một hoạt động rất ý nghĩa nhằm kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023).
80 bức ảnh được trưng bày tại triển lãm tuy chưa thể phản ánh được một cách đầy đủ tất cả các hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển văn hóa nhưng cũng đã cho thấy từ khi bản Đề cương về văn hoá ra đời đến nay, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề phát triển văn hoá. Với sự quan tâm đó và những định hướng, chỉ đạo đúng đắn trong đường lối phát triển văn hoá của Đảng, văn hoá Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, phát triển đất nước hiện nay” - Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ.
Với sự cung cấp kịp thời các tư liệu từ các cơ quan, đơn vị liên quan, triển lãm được tổ chức trang trọng, thiết thực, có sức lan tỏa, gắn kết với các sự kiện văn hóa quan trọng của đất nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam. Thông qua các bức ảnh cho thấy, xuyên suốt chiều dài lịch sử 80 năm qua, từ khi bản Đề cương ra đời đến nay, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề phát triển văn hoá.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại