Thứ tư 24/04/2024 02:00
Cảnh giác “bẫy ngầm” từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ:

Kỳ cuối: Phòng ngừa rủi ro, đừng “mua” rủi ro

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ sau lùm xùm bảo hiểm nhân thọ với diễn viên Ngọc Lan, liên tiếp các đơn thư tố cáo về việc khách hàng bị “ép” mua bảo hiểm nhân thọ để giải ngân khoản vay vốn, “hô biến” tiền tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nội dung hợp đồng bảo hiểm lắt léo các điều khoản loại trừ, thuật ngữ khó hiểu. Đằng sau “cơn bão” truyền thông, lý do nào khiến các DN bảo hiểm tại Việt Nam đang bị khách hàng quay lưng?!
Hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng cần được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, tránh xảy ra các vấn đề tiêu cực. Ảnh tư liệu
Hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng cần được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, tránh xảy ra các vấn đề tiêu cực. Ảnh tư liệu

Từ con số “khủng”

Nhìn thẳng vào con số lãi sau thuế kỷ lục hơn 2.562 tỉ đồng (năm 2022) của Cty TNHH Manulife Việt Nam, nhìn vào doanh thu hoạt động bán bảo hiểm thông qua hợp tác với ngân hàng (bancassurance) tại Việt Nam cùng các thương vụ độc quyền “bạc tỉ”, cùng với số liệu thống kê của các ngân hàng khi đạt tỉ lệ hoa hồng cao từ mảng bảo hiểm nhân thọ. Bên cạnh những con số tăng trưởng mạnh là những bất cập, bài toán cần phải giải quyết khi quyền lợi khách hàng bị ảnh hưởng bởi cuộc chạy đua về doanh số.

Một đại lý bảo hiểm Cty TNHH Manulife Việt Nam tiết lộ rằng: Để trở thành đại lý bảo hiểm, có mã code hoạt động, mỗi cá nhân phải trải qua kỳ thi sát hạch chứng chỉ và đào tạo liên tục trong vòng từ 2 đến 7 tháng. Qua đó mới có thể hiểu về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, tư vấn cho khách hàng đúng và đủ khi tham gia hợp đồng. Ngay bài học đầu tiên, đại lý bảo hiểm phải có kiến thức chung về bảo hiểm; nguyên lý, kiến thức cơ bản về nghiệp vụ bảo hiểm thuộc loại hình nhân thọ; quy tắc đạo tức, ứng xử nghề nghiệp đại lý bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của DN bảo hiểm, đại lý bảo hiểm; pháp luật Việt Nam về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; kỹ năng thực hành tư vấn bảo hiểm và chính sách tuân thủ của Manulife.

Tuy nhiên, nhiều đại lý bảo hiểm không coi trọng thời gian đào tạo chuyên môn chỉ quan tâm đến doanh số để chốt hợp đồng nên trong quá trình tư vấn chưa đầy đủ, còn mang tính chất chộp giật, lướt nhanh các điều khoản loại trừ.

Thực tế, bất cập này diễn ra khi đào tạo các tư vấn viên là các nhân viên ngân hàng. Nếu đại lý bảo hiểm trải qua 5 ngày đào tạo thì nhân viên ngân hàng chỉ khoảng nửa ngày là được thi chứng chỉ. Cùng với lợi nhuận từ kênh bán hàng bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ lớn hơn so với kênh tín dụng truyền thống, nhiều ngân hàng thúc đẩy hoạt động phân phối bảo hiểm. Trong đó, đặt chỉ tiêu doanh số cao đối với nhân viên tín dụng.

Chấn chỉnh tình trạng “bán bia kèm lạc”

Bất kỳ khách hàng đến giao dịch vay tiền, các nhân viên ngân hàng đều phải tư vấn thêm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Có nhiều trường hợp vay tiền mua nhà, mua ô tô thì bắt buộc mua bảo hiểm nhân thọ mới duyệt khoản vay. Vì nhu cầu vay vốn nên nhiều khách hàng phải ngậm ngùi ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Thực tế thì rất nhiều khách hàng khó khăn, tiết kiệm trả từng đồng lãi, trả gốc, bị “ép” mua bảo hiểm mấy chục triệu mỗi năm. Hoặc trường hợp khách hàng gửi tiết kiệm, các nhân viên ngân hàng cũng tư vấn sản phẩm đầu tư liên kết bảo hiểm sinh lãi, thực chất là bán bảo hiểm nhân thọ.

Các chiêu thức là lãi suất cao, chăm sóc rủi ro về sức khỏe nên nhiều khách hàng “sập bẫy”. Thực tế, nhiều khách hàng “khóc ròng” khi số tiền tiết kiệm “hô biến” sang hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Quá trình đòi lại tiền cũng nhiều gian nan khi phía ngân hàng và Cty bảo hiểm đùn đẩy trách nhiệm. Trong sự việc giải quyết đơn tố cáo của khách hàng tại SCB khi tiền tiết kiệm chuyển mua bảo hiểm nhân thọ của Cty TNHH Manulife Việt Nam, mới đây đơn vị bảo hiểm này đang giải quyết hoàn lại tiền cho 20 trường hợp khách hàng. Hiện nhiều khách hàng lan truyền thông tin về việc giải quyết mang tính chất “nội bộ” giữa Manulife và khách hàng với điều khoản “im lặng”.

Thông tin từ chị T.N - Giám đốc kinh doanh khu vực của Cty TNHH Manulife, các vụ việc giải quyết khủng hoảng truyền thông “nội bộ” giữa Manulife và khách hàng với điều khoản “im lặng” hoàn toàn là thông tin vô căn cứ. Phía Cty luôn thẳng thắn đối thoại với khách hàng. Chị T.N cũng đánh giá việc khách hàng rút tiền tài khoản và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì rủi ro của khách hàng khá cao.

Theo quy định của Manulife, phí rút giá trị tài khoản hợp đồng, không cho phép rút trước 1 năm; thu phí 20% giá trị hợp đồng khi khách hàng đã đóng phí từ 2-3 năm; 18% đối với hoạt động đóng phí từ 4-5 năm. Và sau 9 năm, miễn phí rút tiền.

Về nội dung hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn 3 năm sẽ tính phí 100%, đồng nghĩa khách hàng “mất trắng” số tiền đã đóng cùng với rủi ro về sức khỏe. Đại lý bảo hiểm cũng cho hay, khách hàng cần có chính kiến bởi vì hủy hợp đồng trước hạn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Sau các thông tin tố cáo của người dân, khách hàng nên thận trọng trong việc lựa chọn gói hợp đồng bảo hiểm, đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm trước khi ký “giấy trắng mực đen”.

Trước đơn thư tố cáo của người dân về hoạt động “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn tại ngân hàng, Bộ Tài chính đã có công văn chấn chỉnh tình trạng “bán kia kèm lạc”, trong đó khẳng định sẽ thanh tra, kiểm tra việc các ngân hàng, DN “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn. Giữa tháng 4, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có buổi làm việc với đại diện các DN bảo hiểm về công tác quản lý chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm và chất lượng công tác chăm sóc khách hàng.

Quy định pháp luật nêu rõ, việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện. Nếu có tình trạng nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng “ép” khách hàng mua bảo hiểm sẽ bị xử phạt theo quy định.

Bản chất bảo hiểm là tốt, nhưng việc kết hợp của bảo hiểm và ngân hàng đi kèm với sức ép chỉ tiêu đã làm cho hình ảnh của bảo hiểm và ngân hàng xấu đi, khách hàng mất niềm tin khi gửi tiết kiệm vào ngân hàng, mất niềm tin về bảo hiểm nhân thọ - kênh phòng ngừa rủi ro nhưng lại trở thành “mua” rủi ro.

Trong quy định pháp luật tại điểm đ, khoản 2, Điều 17, thuộc Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định số 48/2018/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ, nếu ngân hàng có hành vi ép khách hàng đến vay mua bảo hiểm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng. Bên cạnh đó có thể bị đình chỉ hoạt động từ 2 - 3 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động.
Kỳ 1: Khi bút sa… thấp thỏm trăm nghìn nỗi lo
Kỳ 2: Tá hỏa với gói hợp đồng được “thiết kế riêng”
Kỳ 3: “Dở khóc dở cười” những hợp đồng bảo hiểm “mồ côi”
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động