Kỳ 3: Tuyên truyền kết hợp xử phạt nghiêm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênXe máy đèo 3 không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều tại ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Duy Linh |
Quyết liệt xử lý vi phạm giao thông
Đầu tháng 12, thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), đơn vị đã tiếp nhận phản ánh về hiện tượng nhiều phương tiện (chủ yếu là xe máy) có hành vi chen ngang, vượt đèn đỏ vào giờ cao điểm tại những nút giao thông quan trọng… đơn vị đã yêu cầu các đơn vị phụ trách địa bàn tập trung xử lý nghiêm.
Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) xác định, hành vi trên thuộc về lỗi ý thức người tham gia giao thông. Qua khảo sát, cơ quan chức năng chỉ rõ, việc vi phạm chủ yếu diễn ra vào các khung giờ cao điểm (sáng từ 6h-8h; chiều từ 16h-18h) tại các ngã tư: Đại Cồ Việt - Lê Duẩn, Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng…
Vào các khung giờ trên, việc cùng lúc nhiều phương tiện dừng tín hiệu đèn đỏ, khiến những phương tiện (chủ yếu là xe máy) đi ở phía sau, không kiên nhẫn chấp nhận tín hiệu đèn, luồn lách, thậm chí leo lên vỉa hè vượt lên hẳn dòng xe dừng đỗ hoặc cố tình lao sang phần đường bên kia khi dòng phương tiện đang lưu thông.
Sau những ngày đầu triển khai xử lý xe máy vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… vào giờ cao điểm, ở nhiều ngã tư tại Hà Nội, vẫn có tình trạng không chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông. Để kịp thời giải quyết tình trạng trên, Phòng CSGT tiếp tục yêu cầu các đơn vị ra quân tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt người tham gia giao thông cố tình vi phạm.
Theo lực lượng chức năng, trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, tổ công tác sẽ xử lý nghiêm, không có việc tài xế xe ôm công nghệ vi phạm sẽ được du di, bỏ qua.
Không ít người dân vẫn bất chấp vượt đèn đỏ chỉ vì suy nghĩ có thể nhanh hơn vài giây, nhưng theo lực lượng chức năng, đây là hành vi gây nguy hiểm cao độ. Đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông thì bản thân người vi phạm cũng gặp nguy hiểm và sẽ gây nguy hiểm cho cả những người cùng tham gia giao thông.
Nhằm nâng cao hiệu quả xử lý, lực lượng CSGT Hà Nội còn áp dụng nhiều biện pháp để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm. Nhiều trường hợp vượt đèn đỏ ở ngã tư đã bị tổ CSGT dừng xe, xử lý nghiêm khắc.
Theo Thiếu tá Lê Duy Thắng - Đội CSGT đường bộ số 15, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, ngoài việc trực tiếp phát hiện, xử lý, lập biên bản hành vi vi phạm không chấp hành tín hiệu giao thông, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 15 cũng phối hợp với các trung tâm chỉ huy đèn giao thông và sử dụng các trang thiết bị nghiệp vụ để phát hiện và gửi phạt nguội theo quy định.
Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội xác định, thời gian tới sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền kết hợp xử lý để tạo thói quen chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân. Đối với việc xử lý vi phạm, ngoài việc phát hiện trực tiếp sẽ tăng cường phạt nguội và tiếp nhận nguồn tin báo của người dân thông qua Zalo, ứng dụng iHanoi.
Đồng loạt ra quân dịp cuối năm
Từ ngày 15/12, lực lượng CSGT Thủ đô đã đồng loạt ra quân triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm phục vụ các sự kiện lớn dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội đầu Xuân năm 2025.
Ngay trong ngày đầu ra quân, lực lượng CSGT Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng cộng, 911 trường hợp vi phạm giao thông đã bị xử lý, với số tiền phạt lên tới hơn 1,59 tỷ đồng. Đồng thời, 317 phương tiện vi phạm bị tạm giữ và 141 giấy phép lái xe bị tước. Những con số này phản ánh sự quyết liệt của lực lượng CSGT trong việc thực hiện nhiệm vụ, nhất là khi đối mặt với các lỗi vi phạm nghiêm trọng.
Trong số các lỗi vi phạm, 217 trường hợp bị phát hiện có hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông, đặc biệt trong dịp lễ, Tết khi việc sử dụng đồ uống có cồn gia tăng. Ngoài ra, lực lượng CSGT cũng xử lý 176 trường hợp dừng, đỗ sai quy định; 34 trường hợp đi vào đường cấm hoặc ngược chiều; 42 trường hợp vượt đèn đỏ; và 307 trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Việc xử lý vi phạm được thực hiện với tinh thần công bằng, không có “vùng cấm”, đảm bảo tính răn đe và xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật giao thông trong cộng đồng.
Từ nay đến cuối năm 2024 và bước vào cao điểm dịp tết Ất Tỵ 2025, Phòng CSGT kêu gọi người tham gia giao thông xây dựng văn hóa giao thông bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, giản dị như: tôn trọng, nhường nhịn khi tham gia giao thông; đi đúng phần đường, làn đường; xử sự đúng pháp luật, ứng xử văn minh.
Sự phối hợp đồng bộ giữa các biện pháp tuyên truyền, xử lý nghiêm minh và ứng dụng công nghệ là giải pháp then chốt để giải quyết vấn đề giao thông Hà Nội, góp phần đảm bảo an toàn giao thông và trật tự đô thị.
(Còn nữa)
Trong tháng 11/2024, toàn TP đã xử lý 36.288 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền 59,47 tỷ đồng, tạm giữ 10.648 phương tiện và 20.939 bộ giấy tờ, tước giấy phép lái xe 4.843 trường hợp. Camera quản lý vận hành 550 nút đèn tín hiệu giao thông, 605 camera các loại được lắp trên 125 nút, vị trí, phát hiện, lập biên bản: 152 trường hợp, gửi thông báo cho 600 trường hợp vi phạm…, thông tin 541 trường hợp vi phạm được phát hiện qua hệ thống camera giám sát giao thông (phạt nguội) trên trang Zalo Phòng CSGT Hà Nội và các báo, đài để người vi phạm biết, chấp hành quyết định xử phạt. Riêng 10 tổ công tác đặc biệt đã xử lý 4.707 trường hợp vi phạm, phạt tiền (ước tính) 3,428 tỷ đồng, tạm giữ 1.121 phương tiện, tước 48 giấy phép lái xe. |
Kỳ 1: "Chuyện thường ngày..." | |
Kỳ 2: Tình huống “dở khóc dở cười” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại