Thứ năm 02/05/2024 22:58
Cảnh giác “bẫy ngầm” từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ:

Kỳ 2: Tá hỏa với gói hợp đồng được “thiết kế riêng”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đặt niềm tin “mác” ngân hàng với lãi suất gửi tiết kiệm cao, nhiều người dân vô tình mắc vào cạm bẫy tiền gửi tiết kiệm sang hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Từ đồng tiền chắt chiu để chăm lo cuộc sống bỗng dưng “mất trắng” vì bản hợp đồng “giấy trắng mực đen” đã ký.
NSND Minh Hằng chia sẽ về hợp đồng bảo hiểm đã ký. Ảnh tư liệu
NSND Minh Hằng chia sẽ về hợp đồng bảo hiểm đã ký. Ảnh tư liệu

Chiêu “hô biến” tiền gửi tiết kiệm sang hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Đánh vào tâm lý khách hàng ham lãi suất cao, một số nhân viên ngân hàng đã định hướng tư vấn về sản phẩm liên kết đầu tư giữa phía ngân hàng và bảo hiểm khi khách hàng có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm. Với lời tư vấn có “cánh” cho rằng, khách hàng có tiền gửi tiết kiệm vừa phát sinh lãi suất, vừa bảo vệ sức khỏe cùng cam kết, đảm bảo từ phía ngân hàng. Thế nhưng, lãi suất trả chậm, đồng thời số tiền gửi tiết kiệm có nguy cơ “mất trắng” vì thực chất số tiền gửi tiết kiệm được chuyển sang mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Trường hợp bà Huỳnh Thị Phụng (SN 1970 tại TP HCM) là một ví dụ. Trong nội dung chia sẻ, bà Phụng cho hay: Ngày 17/6/2021, bà Phụng có đến Ngân hàng SCB, chi nhánh Phạm Ngọc Thạch (phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM) để gửi tiền tiết kiệm và được nhân viên ngân hàng chào mời và giới thiệu mua sản phẩm đầu tư “Tâm an đầu tư” với lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm. Trong số tiền 250 triệu đồng gửi tiết kiệm, bà Phụng được nhân viên ngân hàng tư vấn là gửi 100 triệu đồng tiền cố định và 150 triệu đồng linh hoạt. Số tiền 100 triệu này khoảng 1 năm sau rút ra là ngân hàng sẽ tính lãi như gửi tiết kiệm, còn 150 triệu đồng gửi linh hoạt sẽ trả lãi hàng quý khoảng 25 triệu đồng tháng và số tiền này rút lúc nào cũng được. Tin tưởng vào lời tư vấn của nhân viên ngân hàng cùng cam kết về giao dịch tại ngân hàng nên bà Phụng đặt bút ký vào hợp đồng.

Thực tế, sau 1 tháng với nhiều cuộc điện thoại, bà Phụng mới nhận được 25 triệu đồng và đến tháng 9/2021 nhận được hợp đồng đã ký thì bà Phụng ngã ngửa khi sản phẩm đầu tư là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Lúc này, bà Phụng có liên lạc lại cho nhân viên ngân hàng đã tư vấn thì được biết nhân viên này đã nghỉ việc và hướng dẫn bà trực tiếp ra ngân hàng xin hoàn lại tiền.

Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ làm việc với ngân hàng, bà Phụng chỉ được hoàn lại 124 triệu đồng sau khi khấu trừ 25 triệu tiền lãi đã nhận trước đó trong tiền gửi 150 triệu đồng. Riêng số tiền 100 triệu đồng gửi tiết kiệm đầu tư sản phẩm “Tâm an đầu tư” thực chất là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh Ngân hàng SCB thì phía ngân hàng và phía đơn vị bảo hiểm đùn đẩy trách nhiệm, chưa giải quyết.

Đặt niềm tin nhầm chỗ

Trường hợp của NSND Minh Hằng cũng gặp nhiều vấn đề rắc rối khi mua bảo hiểm nhân thọ. NSND Minh Hằng từng là khách hàng ưu tiên của Ngân hàng T và được nhân viên ngân hàng tên Quỳnh giới thiệu mua gói bảo hiểm nhân thọ. Sau đó, Minh Hằng được nữ nhân viên ngân hàng này giới thiệu đến cho một người là đại lý bảo hiểm, phụ trách tư vấn và ký hợp đồng.

Khi nghe tư vấn viên bảo hiểm trao đổi về việc mua bảo hiểm để phòng lúc ốm đau, bệnh tật sẽ được chi trả và còn được sinh lời. Vì tin tưởng nên NSND Minh Hằng quyết định mua 3 hợp đồng bảo hiểm với tổng trị giá 110 triệu đồng/năm. Trong đó, hai bảo hiểm dành cho bản thân với giá trị 30 triệu đồng và 50 triệu đồng cùng với 1 bảo hiểm mua cho chị gái ruột là bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt có giá trị 30 triệu đồng. Thời hạn đóng phí từ 10 đến 13 năm tùy vào mỗi hợp đồng.

Sau 4 năm đóng tiền đúng kỳ hạn, chỉ đến khi lùm xùm giữa diễn viên Ngọc Lan và phía Cty bảo hiểm ồn ào truyền thông, NSND Minh Hằng mới xem lại 3 bản hợp đồng đã ký và nhận thấy còn nhiều vấn đề, khác hoàn toàn với lời đại lý bảo hiểm đã tư vấn trước đó.

Cụ thể, 2 sản phẩm bảo hiểm NSND Minh Hằng mua với giá trị khác nhau nhưng đều chung tên gọi “Gia đình tôi yêu”, cùng quyền lợi sản phẩm chính, bảo hiểm trợ cấp y tế.

Hơn nữa, gói bảo hiểm bao gồm một sản phẩm chính và các sản phẩm tăng cường (bảo hiểm bệnh lý nghiêm trọng và bảo hiểm trợ cấp y tế), được gộp chung. Theo đó, gói sản phẩm bổ trợ sẽ không được hoàn lại bởi vì đây là gói mua theo năm, bảo vệ theo năm. Tương tự như bảo hiểm ô tô, xe máy, hết hạn là hết hiệu lực.

Việc chi trả thực tế 2 gói bảo hiểm với mức đóng khá cao đến 80 triệu đồng/năm nhưng đi kèm với quyền lợi hạn chế. So với thời hạn 10 năm NSND Minh Hằng tham gia, số tiền đóng phí là 800 triệu đồng trong đó, quyền lợi thấp, quyền lợi chi trả sản phẩm chính (khi tử vong) chỉ khoảng 500 triệu đồng mà số tiền đóng định kỳ hàng năm là 58 triệu đồng.

Ngoài ra, các loại phí liên quan đến hợp đồng bao gồm 7 loại phí khác nhau, khách hàng phải chi trả là: Phí ban đầu, phí bảo hiểm rủi ro, phí bảo hiểm rủi ro tăng cường, phí quản lý hợp đồng, phí quản lý quỹ, phí rút giá trị tài khoản hợp đồng, phí chấm dứt hợp đồng.

Về phí chấm dứt hợp đồng khắt khe, khi khách hàng chấm dứt hợp đồng trước thời hạn từ 1-3 năm đồng nghĩa với việc “mất trắng” số tiền đã đóng bảo hiểm. Trường hợp của NSND Minh Hằng đã đóng trên 4 năm thì sẽ mất phí 90% giá trị hợp đồng, tương đương thiệt hại khoảng 200 triệu đồng cho hai gói bảo hiểm đã đóng tổng phí gần 300 triệu đồng. Điều này không được tư vấn viên cảnh báo trước khi tham gia.

Trước đó, NSND Minh Hằng cũng thắc mắc về trường hợp chị gái Minh Nguyệt bị ung thư vú và được phía Cty bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm từ gói bảo hiểm tăng cường là hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, là người đóng phí NSND Minh Hằng không được tư vấn là gói sản phẩm bổ trợ sẽ không được hoàn lại bởi vì đây là gói mua theo năm. Vì vậy, căn bệnh ung thư vú của chị gái Minh Nguyệt sẽ không được bảo vệ nữa.

Sau khi lên tiếng trên trang mạng xã hội, NSND Minh Hằng thừa nhận bản thân thiết sót vì quá tin tưởng các tư vấn viên từ phía ngân hàng T và đại lý bảo hiểm nên không đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm trước khi kí. NSND Minh Hằng bày tỏ, cô lên tiếng nhằm cảnh báo đến những ai đang quan tâm đến việc mua bảo hiểm, cần hỏi và đọc kỹ các điều khoản bảo hiểm, tránh việc chưa hiểu cũng ký.

Hiện, NSND Minh Hằng đã nhận được lời xin lỗi chân thành và cách khắc phục quyền lợi các hợp đồng bảo hiểm văn bản của tư vấn viên Cty bảo hiểm. Về phía ngân hàng thì được biết, nữ nhân viên Quỳnh đã không còn làm việc tại ngân hàng T nữa.

Theo quan điểm NSND Minh Hằng, bảo hiểm nhân thọ không xấu, bản chất của bảo hiểm là tích cực. Tuy nhiên, các tư vấn viên vì lợi ích của mình mà tư vấn không đúng bản chất, tư vấn chưa đủ quyền lợi và tư vấn lướt qua trách nhiệm khách hàng đối với hợp đồng nhằm thu lợi, thu doanh số, đó là thái độ làm việc thiếu chữ “Tâm”.

Điều 26, Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm, nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được ghi âm và lưu tại tổ chức tín dụng trong thời hạn ít nhất 5 năm. Song thực tế, các doanh nghiệp khi tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua tin nhắn, email thực hiện ghi âm, lưu trữ thì quy định trên vẫn đang bị “bỏ ngỏ”.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Khi bút sa… thấp thỏm trăm nghìn nỗi lo
Để giao dịch bảo hiểm đảm bảo nguyên tắc tự nguyện
Tổng Giám đốc Công ty bảo hiểm nhân thọ MVI Life xin lỗi diễn viên Ngọc Lan
Cảnh báo mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động