Bài 2: Tỉ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau năm thứ nhất lên đến 73%
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng của khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng sau năm thứ nhất là rất cao. Ảnh: L.N |
Doanh thu từ bảo hiểm của nhiều ngân hàng giảm
Tháng 4/2023, sau khi dư luận ầm ĩ về chuyện của diễn viên N.L và bảo hiểm nhân thọ, bắt đầu tư đây, cuộc khủng hoảng niềm tin của khách hàng với bảo hiểm bắt đầu bùng nổ. Hậu quả từ vụ việc này có thể được nhìn thấy qua thu nhập từ bảo hiểm của một số ngân hàng trong 9 tháng năm 2023.
Trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023, nhiều ngân hàng cho biết doanh thu từ bảo hiểm giảm.
Đơn cử, trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu từ hoạt động bán bảo hiểm của ngân hàng MB giảm 16,9%, còn 5.989 tỷ đồng. Doanh thu đi xuống kéo theo lãi thuần từ hoạt động bảo hiểm giảm 28,21%, còn 2.105 tỷ đồng. Trong khi đó, bảo hiểm từng giúp MB mang về hơn 7.200 tỷ đồng doanh thu và hơn 2.900 tỷ đồng lãi thuần trong năm 2022.
Hoặc như SeABank, năm 2022, bảo hiểm từng chiếm gần 30% nguồn thu từ dịch vụ, thì trong nửa đầu năm 2023, nguồn thu này giảm hơn 81% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ chiếm 9% doanh thu dịch vụ.
Tương tự, phân phối bảo hiểm nhân thọ cho Manulife và Sun Life, nhiều năm qua bảo hiểm nhân thọ đã mang về khối tiền lớn cho Ngân hàng Tiên Phong (TPBank).
Trong quý 1/2023, dù sụt giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước nhưng doanh thu bảo hiểm nhân thọ của ngân hàng này cũng đạt hơn 116 tỷ đồng. Vào năm 2022, ngân hàng này đạt hơn 876 tỷ đồng doanh thu từ bảo hiểm.
Tuy nhiên, theo thông tin được Bộ Tài chính công bố sau đó, trong năm 2021, bảo hiểm Sun Life có doanh thu triển khai mới qua TPBank đạt hơn 789 tỷ đồng, nhưng tỉ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng sau năm thứ nhất lên đến 73%.
Về tỉ lệ 32 - 73% hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng hủy sau một năm ký, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã từng nhấn mạnh con số này phần nào nói lên rằng khách mua bảo hiểm không phải do tự nguyện.
Trong khi đó, bản chất của bảo hiểm nhân thọ là tự nguyện và pháp luật có các quy định đảm bảo nguyên tắc này. "Đây là khâu thực thi chính sách. Nếu chứng minh được nhân viên tư vấn bảo hiểm của ngân hàng chèo kéo, ép khách hàng phải mua bảo hiểm thì đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng, có thể xử lý hình sự" - ông Phan Đức Hiếu nói.
Việc bán chéo bảo hiểm kéo các ngân hàng thương mại bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp
Trước đó, tại dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung thêm khoản 4. Điều 15 như sau: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quochoi |
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ e ngại về vấn đề này. Phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng mức hoa hồng chiết khấu cao cho đại lý bảo hiểm nhân thọ là nguyên nhân khiến tình trạng ép khách vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ diễn ra tại nhiều ngân hàng thương mại.
Rất nhiều con số cho thấy, các ngân hàng được lợi lớn nhờ bán chéo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, quy định như Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ không đảm bảo được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian qua sẽ chấm dứt.
“Việc bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại dễ dàng đã kéo các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm nhân thọ bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, xóa bỏ uy tín được tích luỹ để bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận” - theo ông Phạm Văn Thịnh.
Tương tự, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng nhấn mạnh hệ lụy và nỗi đau dai dẳng của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm thời gian qua. Đồng thời, ủng hộ quan điểm là không cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm…
Theo các đại biểu, ngân hàng và công ty bảo hiểm liên kết với nhau để bán bảo hiểm, hưởng lợi nhuận cao, song khi khách hàng muốn đòi quyền lợi thì phía bán bảo hiểm lại gây khó dễ. Muốn nhận được tiền bảo hiểm, người dân rất vất vả, thậm chí có người còn bỏ luôn quyền lợi vì hành trình đi đòi tiền quá cực khổ.
Chính vì vậy, các đại biểu cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về bảo vệ quyền lợi khách hàng. Đồng thời, xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng như việc tư vấn không đầy đủ và gây nhầm lẫn, hoặc bắt mua bảo hiểm gắn với khoản vay…
(Còn nữa)
Bài 1: Nỗi khổ khi phải mua thêm gói bảo hiểm | |
Xây dựng chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại