Thứ sáu 22/11/2024 17:06
Giải đáp chính sách

Xây dựng chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 11/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 38/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030.
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y thăm khám sức khoẻ của bệnh nhân. Ảnh minh họa
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y thăm khám sức khoẻ của bệnh nhân. Ảnh minh họa

Hỏi: Tôi được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đến năm 2030. Xin quý báo cho biết, những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu?

(Trần Hải Nam, quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Trả lời: Về câu hỏi của quý bạn đọc, xin trả lời như sau:

Ngày 11/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 38/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:

1. Tham gia xây dựng chính sách pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT).

Chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, các bộ Luật, Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đảm bảo đồng bộ, thống nhất để triển khai có hiệu quả những chỉ tiêu về mở rộng độ bao phủ và cải cách chính sách BHXH, BHTN, BHYT đã được đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư.

2. Đổi mới phương thức tổ chức thực hiện công tác thu, phát triển số người tham gia và quản lý quỹ BHXH, BHTN, BHYT.

- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT các cấp (từ cấp tỉnh đến cấp xã).

- Rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện quy trình quản lý thu, phát triển người tham gia. Phối hợp với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các tổ chức dịch vụ công để tăng cường thêm các tiện ích, đa dạng hóa các hình thức đóng, sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thu, nộp tiền đóng và chi trả các chế độ BHXH, BHTN, BHYT.

- Cập nhật, phân loại đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH, BHYT theo từng địa bàn cấp xã, phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu thực hiện linh hoạt các hình thức vận động, tổ chức các hội nghị khách hàng đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với từng nhóm đối tượng tiềm năng.

- Chủ động, tích cực khai thác các nguồn thông tin, dữ liệu (dữ liệu từ cơ quan Thuế, cơ quan Kế hoạch - Đầu tư...) phân loại, lập danh sách đơn vị chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết chế độ BHXH, BHTN; kiểm soát chặt chẽ thủ tục chi trả các chế độ BHXH, BHTN, đảm bảo, chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng người hưởng; tăng cường phòng, chống trục lợi quỹ BHXH, BHTN.

- Tăng cường công tác kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT; thực hiện tạm ứng, thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác phòng, chống lạm dụng trục lợi quỹ BHYT.

3. Nâng cao chất lượng công tác dự báo tài chính từng quỹ bảo hiểm trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để xây dựng chiến lược đầu tư trung hạn, dài hạn, kế hoạch đầu tư từng giai đoạn; hoàn thiện quy trình đầu tư và quản lý rủi ro các quỹ bảo hiểm.

4. Cải cách thủ tục hành chính; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao hơn nữa tinh thần, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân của công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH.

- Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai có nội dung thông tin trùng lặp, không phát sinh thủ tục hành chính mới không cần thiết. Công khai, minh bạch thủ tục hành chính, cải tiến quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ công theo hướng người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính.

- Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT. Kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

5. Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức và phương pháp truyền thông linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, văn hóa, lối sống, nhu cầu của từng nhóm người tham gia, từng vùng, miền để người dân, người lao động và doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích, vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của chính sách, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, đạt sự đồng thuận cao, góp phần tiến tới BHXH và BHYT toàn dân.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phổ biến, tuyên truyền các sản phẩm truyền thông, giải đáp các chế độ chính sách. Đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng số; tăng cường hiệu quả truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội. Nâng cao chất lượng và mở rộng đội ngũ tuyên truyền viên…

Đ.P
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động