Thứ sáu 20/12/2024 12:40

Nghệ nhân “giữ lửa” di sản văn hóa hát Dô cho thế hệ trẻ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan (thôn Đại Phu, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội) chính là người đã làm “sống dậy” làn điệu hát Dô truyền thống của văn hóa xứ Đoài.
Nghệ nhân “giữ lửa” di sản văn hóa hát Dô cho thế hệ trẻ
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan. Ảnh: Văn Đoan

“Đánh thức” nét đẹp văn hóa truyền thống

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Lan, làn điệu hát Dô đã có từ rất lâu gắn liền với sự tích Đức Thánh Tản Viên - người có công giúp dân làng có cuộc sống no ấm, sung túc. Thuyết xưa kể rằng, xưa kia, Tản Viên Sơn Thánh khi đi qua làng thấy nơi đây đất ruộng phì nhiêu, người dân thưa thớt, cảnh đẹp thanh cao. Nhân dân chưa biết cấy cày, mùa màng bất thường.

Thấy vậy, ngài ở lại làng, chọn hạt giống tốt, dạy dân cấy cày. Xong việc, ngài ra đi và hẹn khi mùa lúa chín sẽ quay trở lại. Sau 36 năm sau, lúc này dân làng đã biết làm ăn, mùa màng tốt tươi, thóc chất đầy nhà. Thấy ngài trở về Nhân dân vui mừng mở hội, ngài chọn nam thanh nữ tú để dạy hát Dô. Dân làng lập đền thờ Khánh Xuân trên một gò đất hình con rùa để tưởng nhớ ngài.

Cứ 36 năm một lần, từ mồng mười đến rằm tháng giêng, dân làng lại tổ chức hội hát Dô để thể hiện lòng thành kính đối với người đứng đầu Tứ Bất Tử Việt Nam.

Năm 1926, lần cuối cùng hát Dô được biểu diễn tại đền Khánh Xuân, sau đó do chiến tranh và nhiều lý do khác hát Dô đứng trước nguy cơ bị thất truyền. Gần 70 năm qua, người biết hát Dô trở nên rất hiếm hoặc đã mất. Được giao đảm nhiệm tìm kiếm và thu thập các tài liệu liên quan tới hát Dô. Năm 1989, nghệ nhân Nguyễn Thị Lan được một cụ cao niên trong làng truyền dạy lại những làn điệu về hát Dô.

Nghệ nhân “giữ lửa” di sản văn hóa hát Dô cho thế hệ trẻ
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng trao quyết định công nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Dô của xã Liệp Tuyết là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan đứng vị trí ngoài cùng bên trái).

“Năm 1989, Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tây kết hợp với Trung tâm Văn hóa huyện Quốc Oai cùng địa phương triển khai tìm kiếm, thu thập tài liệu liên quan tới hát Dô. Hồi đó, tôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Liệp Tuyết, được Đảng ủy phân công trực tiếp đảm nhiệm nhiệm vụ trên.

Đến cuối năm 1989, tôi được cụ cao niên trong làng truyền lại những làn điệu hát Dô. Khi ấy, cụ đã hơn 80 tuổi, và có dặn dò cẩn thận rằng nhớ phải bảo quản và giữ gìn cẩn thận vì đây là di sản của ông cha để lại. Vài ngày sau, cụ mất. Tôi ngẫm, vì cụ tin tưởng và giao cho mình những làn điệu này, lúc đó chắc hẳn cụ đã yên tâm để về với đất trời” - Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

Bên cạnh việc được cụ cao niên trong làng truyền dạy, một cơ duyên khác đã đến với nghệ nhân. Đó là khi bà gặp được thầy Nôm, người am hiểu sâu sắc về văn hóa dân gian. Nhờ sự giúp đỡ của thầy, bà đã may mắn tìm ra những trang sách cổ, nơi lưu giữ trọn vẹn những làn điệu tinh hoa của hát Dô.

Say mê hát Dô, nghệ nhân Nguyễn Thị Lan vượt qua những lời đàm tiếu xung quanh khi chọn công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhiều lần có ý định bỏ cuộc, song những tâm nguyện giữ vốn cổ của cha ông giúp nghệ nhân giữ vững tình yêu với văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân “giữ lửa” di sản văn hóa hát Dô cho thế hệ trẻ
Đoàn diễu hành của câu lạc bộ hát Dô tại Ngày hội Văn hóa vì hòa bình năm 2024. Ảnh: NVCC

Lan tỏa di sản văn hóa đến với thế hệ trẻ

Suốt hơn 35 năm ròng rã, nghệ nhân Nguyễn Thị Lan cho rằng mọi sự thành công của cá nhân đều nhỏ bé, với bà việc bảo tồn và phát huy di sản truyền thống của địa phương chính là thành công lớn nhất của mình.

“Trong hơn 35 năm, tôi được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2015 được công nhận là Nghệ nhân ưu tú. Đặc biệt hơn, vào năm 2022 tôi được công nhận là Nghệ nhân nhân dân, đây là những thành công nhỏ bé của cá nhân tôi.

Thành công lớn nhất phải kể đến đó chính là làn điệu hát Dô được gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa cho các thế hệ. Đầu năm 2024, hát Dô đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia” - Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan bày tỏ.

Gần 4 thập kỷ tìm kiếm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Thị Lan luôn lấy sự kiên trì là sợi chỉ đỏ dẫn lối, là hành động cho mọi hành động. Nhiều năm qua, nghệ nhân còn đại diện đi vận động, mở các lớp dạy hát cho các cháu thiếu nhi trên địa bàn xã.

ừa qua, xã Liệp Tuyết đã mở lớp dạy hát Dô miễn phí cho các cháu thiếu niên trên địa bàn. Hiện tại, câu lạc bộ hát Dô có gần 100 cháu từ 11 đến 16 tuổi tham gia. Mới đây, UBND TP Hà Nội tổ chức chương trình Ngày hội Văn hóa vì hòa bình tại tuyến phố đi bộ Hoàn Kiếm. Hát Dô vinh dự là 1 trong 3 đoàn đại diện cho huyện Quốc Oai đi biểu diễn, diễu hành.

Hát Dô được xét vào những làn điệu cổ nhất cả nước. Trước đây, nhiều người lầm tưởng hát Dô giống với hát Quan họ. Nhưng hát Dô hoàn toàn khác, hát Dô gồm 3 làn điệu: hát Trầu, hát Chúc sau đó đến hát múa Bỏ Bộ. Hát Chúc gồm 36 làn điệu hát cuộc sống, sinh hoạt và làm việc của bà con dân làng, đặc biệt hát múa Bỏ Bộ, hát Bỏ Bộ chỉ được hát tại đền Khánh Xuân - nơi thờ Đức Thánh Tản Viên.

Với những giá trị cộng đồng của hát Dô, năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định công nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Dô của xã Liệp Tuyết là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để phát huy văn hóa truyền thống, giá trị của làn điệu hát Dô, chính quyền xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai đã có kế hoạch xây dựng, bảo tồn, kế thừa các điệu hát này, trong đó, nghệ nhân Nguyễn Thị Lan là người “giữ lửa” di sản văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Khi xẩm “ngân lên” trong không gian trẻ với sự sáng tạo không khoảng cách Khi xẩm “ngân lên” trong không gian trẻ với sự sáng tạo không khoảng cách

Xẩm – loại hình dân ca vốn tưởng chừng khó có sức hút đối với người trẻ lại được các sinh viên Trường Đại học ...

Những món ăn nhất định phải thử khi đến Hà Nội Những món ăn nhất định phải thử khi đến Hà Nội

Hà Nội luôn nổi tiếng với những món ăn tinh túy và cầu kỳ khiến cho thực khách từ khắp nơi phải ngưỡng mộ và ...

Mộc Miên - Văn Đoan
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động