Người dân có được cho vay lấy lãi hay không?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhách hàng đến giao dịch ở Ngân hàng Techcombank. Ảnh: P.V |
Cá nhân được cho vay lấy lãi?
Cá nhân có được cho vay lấy lãi không, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hợp đồng vay tài sản. Theo đó, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về lãi suất cho vay. Cụ thể, lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
“Như vậy, người dân không phải là tổ chức tín dụng hoàn toàn có thể cho vay lấy lãi dưới dạng giao dịch dân sự (hợp đồng vay tài sản) theo quy định nêu trên” - luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho biết.
Luật sư Nguyễn Tiến Hùng cũng cho biết, khi cho vay lấy lãi để không bị xem là vi phạm pháp luật thì mức lãi suất cho vay do các bên tự thỏa thuận với nhau nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.
Thoả thuận “lãi phạt” nếu chậm trả
Còn về việc “lãi phạt” luật sư Nguyễn Tiến Hùng cho biết, theo quy định của khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; lãi chậm trả trên nợ gốc trong hạn theo mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 luật này (tối đa 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả); lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
“Như vậy, ngoài ba loại lãi kể trên, các loại lãi suất khác do các bên thỏa thuận sẽ không được tòa án chấp nhận trong trường hợp các bên có tranh chấp” - luật sư Nguyễn Tiến Hùng phân tích.
Tuy nhiên, “lãi phạt” cũng có thể được hiểu theo hướng các bên có thể có thỏa thuận về một khoản tiền phạt vi phạm. Theo quy định tại Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015, phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm, và mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận (trừ một số trường hợp luật liên quan có quy định khác).
Do đó, trong trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng về việc bên vay phải chịu phạt vi phạm khi bên vay không trả hoặc không trả đầy đủ, bên cạnh khoản tiền gốc và ba loại lãi suất được liệt kê tại khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015, bên vay sẽ phải chịu phạt vi phạm trong trường hợp bên cho vay có yêu cầu.
Ép buộc nạn nhân kết hôn trái ý muốn cũng được coi là mua bán người | |
Trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại