Kỳ cuối: Hãy để tự cân bằng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột lối sống lành mạnh sẽ dẫn đến một hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn |
Theo bác sĩ Phúc, thụt tháo đại tràng là biện pháp truyền các chất lỏng vào trong đại tràng qua hậu môn, như nước muối sinh lí, thậm chí là xà phòng.
“Khi tôi mới ra trường, từ lúc làm bác sĩ phẫu thuật tiêu hoá cho đến bác sĩ Xquang, tôi phải tự tay thụt tháo cho nhiều bệnh nhân, mặc dù công việc này được giao cho hộ lí. Ở bệnh viện, chúng tôi thụt tháo đại tràng chủ yếu để nội soi chẩn đoán, hoặc chụp Xquang khung đại tràng. Ngoài ra, thụt trong những trường hợp táo bón không thể khắc phục, điều trị rò rỉ miệng nối sau phẫu thuật đại trực tràng, chuẩn bị bệnh nhân trước phẫu thuật”, bác sĩ Phúc cho biết.
Về chuyện làm sạch đại tràng để phòng chống ung thư như trên mạng xã hội chia sẻ, bác sĩ Phúc cho biết, ung thư thực quản hay ung thư 1/3 dưới vì trào ngược, dạ dày từ khi có kháng sinh diệt vi khuẩn HP tỉ lệ ung thư đã giảm đi trông thấy. Và khu vực hành tá tràng không bị ung thư, ruột non cực kì hiếm, ung thư đa số xảy ra ở ruột già…
Cũng theo bác sĩ Phúc, về lí thuyết, ung thư là kết quả của nhiều yếu tố như môi trường, di truyền và thói quen sinh hoạt cá nhân.
“Chưa có nghiên cứu nào khẳng định phân là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư đại tràng. Nhưng tôi cũng đọc có nghiên cứu cho rằng mẫu bệnh phẩm khối u ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng có hàm lượng Clostridium đặc biệt cao. Tôi cũng đã chứng kiến bệnh nhân táo bón thụt tháo không đúng cách, bị ngộ độc, rồi tử vong. Những bệnh nhân bị viêm gan cấp hay xơ gan, chức năng gan giảm, khi táo bón độc tố của phân ngấm vào hệ tĩnh mạch mạch treo tràng, đổ về gan nhưng không thể chuyển hoá, dẫn đến chất độc lên não gây hôn mê; vì thế mà bác sĩ phải kê kháng sinh để tiêu diệt bớt vi khuẩn sinh độc tố trong phân, phải chống táo bón cho bệnh nhân”, bác sĩ Phúc cho hay.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà nên thụt tháo đại tràng để phòng ung thư. Kể cả với những người táo bón, việc thụt tháo đại tràng, rõ ràng không giải quyết được các vấn đề trên, mà theo thời gian táo bón chỉ nặng hơn lên.
Bác sĩ Phúc khẳng định, không nên tự ý thụt tháo đại tràng. Bởi lẽ, nếu không có chỉ định của bác sĩ, việc tự ý thụt tháo đại tràng sẽ có hại cho sức khỏe.
Đồng thời bác sĩ Phúc cũng phân tích, từ góc độ sinh y học, đường ruột của con người thực chất là một môi trường cân bằng nội môi của vi sinh vật bao gồm các hệ thực vật khác nhau, trong đó quá trình phân hủy và tiêu hóa của vi sinh vật diễn ra rất quan trọng. Nếu không có bệnh, việc súc rửa đại tràng sẽ phá vỡ sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột con người, khiến vi khuẩn có hại hoặc mầm bệnh cơ hội sinh sôi với số lượng lớn, ức chế cạnh tranh sự phát triển của hệ vi khuẩn có lợi, từ đó dẫn đến các bệnh đường ruột xuất hiện.
Cũng vậy, theo ý kiến của các chuyên gia y tế khác, thụt rửa ruột già còn đòi hỏi thực hiện trong môi trường, công cụ, dụng cụ và chất lỏng đưa vào phải đảm bảo vệ sinh, nhiệt độ, tính kích ứng... Các cơ sở y tế không được cấp phép hoặc không thực hiện đúng quy trình có thể đưa vi khuẩn có hại vào đường tiêu hóa của người bệnh. Đôi khi, lượng chất lỏng chảy ra từ quá trình thụt rửa đại tràng có thể cuốn trôi vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh ra khỏi ruột già.
Nguy cơ nguy hiểm nhất khi thụt tháo là chọc thủng ruột trong lúc đưa ống dẫn dịch rửa qua hậu môn vào trực tràng. Các triệu chứng sớm của thủng ruột bao gồm đau, sốt, ớn lạnh và buồn nôn. Thủng ruột là một trường hợp khẩn cấp và có thể gây tử vong.
“Hãy làm sạch ruột theo cách tự nhiên. Cơ thể con người là một hệ thống sinh học phức tạp và cân bằng, cách làm sạch ruột tột nhất là hãy để tự cân bằng. Trừ khi bạn bị ốm và bác sĩ đề nghị thanh lọc đại tràng, còn không thì bạn đang tự làm hại bản thân mình”, bác sĩ Phúc nói.
Và để giảm cân an toàn, có nhiều cách tiếp cận tốt hơn để giảm cân bền vững và lành mạnh. Ăn nhiều trái cây và rau quả, tăng lượng chất xơ và nước, ngủ đủ 6-8 tiếng vào ban đêm và tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần. Một lối sống lành mạnh sẽ dẫn đến một hệ thống tiêu hóa khỏe mạnh hơn.
Kỳ 2: Phương pháp không được giới y khoa công nhận | |
Kỳ 1: Từ những “công thức” lan truyền trên cõi mạng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại